Đáy chậu là vùng giữa hậu môn và “vùng tam giác vàng”, khi sinh nở cần phải có sự hỗ trợ của vùng đáy chậu để quá trình “vượt cạn” trở nên dễ dàng hơn.
Chăm sóc vùng đáy chậu sau khi sinh rất quan trọng và cần thiết giúp bạn tránh được các viêm nhiễm nơi cơ quan sinh dục và làm cho những tổn thương ở khung xương chậu nhanh chóng lành lại.
Các rắc rối thường gặp phải
Đau và sưng
Bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác sưng, đau và không mấy dễ chịu ở vùng đáy chậu là do vùng này phải giãn nở ra để hỗ trợ bạn trong quá trình sinh nở. Vậy nên cảm giác đau đớn, thậm chí là sưng khi mới sinh ở vùng khung xương chậu là một trong những cảm giác thường gặp.
Để làm giảm cảm giác đau đớn này bạn có thể dùng đá để chườm lên vùng này, hãy gói viên đá vào khăn mềm hoặc đặt trong túi chườm, chườm trực tiếp lên vùng bị đau đớn và khó chịu.
Khi tắm bạn nên ngâm mình trong chậu nước ấm hoặc ngồi tắm trên khăn mềm, trên gối cũng là cách giúp giảm đau hiệu quả.
Còn nếu cảm giác đau quá dữ đội bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau, nhưng nhớ rằng loại thuốc giảm đau này phải được bác sĩ hướng dẫn và kê đơn, không nên tự ý dùng thuốc vì có thể sẽ gây nên hệ lụy với nguồn sữa mẹ dành cho bé.
Một cách giảm đau khác là có thể dùng chất xịt như Dermoplast để xịt trực tiếp lên vùng bị đau, dùng khi tắm hoặc khi thay băng, gạc.
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ cũng là chứng bệnh dễ mắc sau sinh, do quá trình rặn, nén, ép khi “vượt cạn”. Ban đầu có thể chỉ là biểu hiện của chứng bệnh táo bón, gặp rắc rối khi đi cầu, thì ngay lập tức bạn hãy thay đổi chế độ ăn uống khoa học, tăng cường chất xơ và rau xanh, uống nhiều nước mỗi ngày.
Chứng táo bón cần được điều trị ngay và kịp thời để không “biến chứng” thành chứng bệnh trĩ.
Chăm sóc vùng đáy chậu sau khi sinh rất quan trọng và cần thiết giúp bạn tránh được các viêm nhiễm nơi cơ quan sinh dục. (Ảnh minh họa)
Chảy máu
Sau khi sinh bạn sẽ thấy xuất hiện dấu hiệu “kinh nguyệt” khoảng 4 tuần sau sinh. Lượng máu này sẽ ngày càng giảm đi. Ban đầu màu máu sẽ chuyển dần sang màu đỏ đen kéo dài khoảng 3- 6 ngày, sau đó màu máu sẽ tươi hơn.
Sẽ là bất bình thường nếu như sau sinh lượng máu xuất hiện ồ ạt, không có dấu hiệu thuyên giảm, tăng cảm giác đau bụng và có thể bị sốt thì lúc đó bạn cần nhanh chóng liên lạc với bác sĩ.
Nếu bạn không cho con bú, hiện tượng nguyệt san sẽ kéo dài từ 4 – 10 tuần và lượng máu sẽ ra nhiều hơn so với phụ nữ cho con bú.
Chăm sóc “vùng cấm” đúng cách sau sinh
Hãy lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia dưới đây để “vùng tam giác vàng” không bị viêm nhiễm, những tổn thương nơi đây nhanh chóng lành lại sau khi sinh:
- Thường xuyên rửa tay sau khi đi vệ sinh và thay băng vệ sinh
- Thay băng vệ sinh đều đặn 4 tiếng/lần vì để quá khoảng thời gian trên, âm đạo dễ sinh ra vi khuẩn gây nên chứng bệnh viêm nhiễm, nấm ngứa…
- Sau khi đi vệ sinh, tốt nhất bạn nên dùng giấy mềm để vệ sinh sạch “vùng cấm”, nếu có thể nên dùng nước sạch để rửa, cuối cùng dùng khăn khô lau sạch “vùng tam giác vàng”.
- Có thể dùng dung dịch vệ sinh để vệ sinh vùng cấm, nên hỏi bác sĩ về việc lựa chọn loại dung dịch này.
- Nên quan tâm đến nhiệt độ của nước khi rửa “vùng cấm”
- Không tự ý thụt rửa âm đạo nếu như không có chỉ dẫn của bác sĩ
- Trong trường hợp bạn thấy “vùng kín” có mùi khó chịu, tấy đỏ thì bạn nên liên lạc ngay với bác sĩ
- Không dùng nước hoa, phấn rôm hay tinh dầu để vệ sinh “vùng tam giác vàng”
- Có thể áp dụng bài tập Kegel nếu có thể