Đừng để đến khi vào phòng sinh bạn mới chợt nhớ ra mình đã quên chuẩn bị rất nhiều thứ để quá trình vượt cạn dễ dàng, nhanh chóng và thảnh thơi hơn.
Có thể còn mấy tháng nữa mới đến ngày sinh nở, nhưng đừng vì thế mà bạn lơ là trong việc chuẩn bị cho hành trình vượt cạn vất vả sắp đến nhé. Rất nhiều thứ đáng phải quan tâm mà có khi lên đến bàn sinh bạn sẽ tiếc nuối vì sao trước đây mình không chuẩn bị sớm hơn. Sau đây là danh sách một số việc cần làm trước khi “lâm bồn” để giúp bạn yên tâm vui đón bé yêu chào đời.
Tham gia và hoàn thành lớp học tiền sản trước tuần 36 của thai kỳ
Các lớp học tiền sản sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ và kiểm soát tốt cơ thể mình, từ đó sinh đẻ dễ dàng và nhanh chóng hơn (hình minh họa)
Các lớp học tiền sản đã trở nên phổ biến hơn, được khai giảng thường xuyên tại nhiều bệnh viện phụ sản lớn trong cả nước và bạn có thể tham gia vào bất cứ thời điểm nào khi bầu bí. Tuy nhiên, hãy đảm bảo sẽ hoàn thành khóa học trước lúc bạn được 36 tuần thai, vì sau đó với chiếc bụng bầu nặng nề, bạn sẽ chẳng thể nào “đi học” thoải mái được nữa. Hầu hết tại các lớp tiền sản, bạn sẽ được cung cấp có hệ thống các kiến thức về tiến trình mang thai, sinh nở; được hướng dẫn cách thư giãn, cách thở và kỹ thuật tập thể dục giúp tự kiểm soát cơn chuyển dạ của mình, làm giảm đau và cho bạn sự tự tin khi vượt cạn. Đồng thời, các chuyên viên sẽ giúp mẹ bầu hình dung rõ hơn quá trình sinh nở, từ giai đoạn chuyển dạ, xổ thai cho đến hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhờ đó giúp bạn vững dạ hơn khi nghĩ đến những gì đang chờ đợi mình sau cánh cửa phòng đẻ.
Chọn bác sĩ phụ sản và thảo luận về phương pháp sinh
Ngay từ lần thăm khám tiền sản đầu tiên, việc chọn cho mình 1 bác sĩ phụ sản đáng tin cậy, có thể lắng nghe và giải thích những thắc mắc của bạn trong suốt diễn biến của thai kỳ là rất quan trọng. Ngoài ra, bạn phải đảm bảo khám thai theo đúng chỉ định của bác sĩ, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, dùng thuốc bổ như hướng dẫn v.v… để đảm bảo cả mẹ và con đều có sức khỏe tốt nhất, chuẩn bị cho quá trình vượt cạn khá mệt nhọc sau này. Thảo luận với bác sĩ về phương pháp sinh thường hay sinh mổ, có nên sử dụng các liệu pháp giảm đau trong quá trình chuyển dạ hay không, các phản ứng phụ có thể gặp phải tùy vào từng phương pháp v.v… sẽ giúp mẹ bầu tự tin hơn, vì dù có bị chỉ định sinh mổ thì bạn cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần rất tốt cho việc này rồi.
Tìm hiểu kỹ về bệnh viện
Thông qua gợi ý của bác sĩ hay kinh nghiệm của bạn bè, người thân, bạn có thể chọn cho mình một vài bệnh viện uy tín, với trang thiết bị hiện đại và 1 đội ngũ bác sĩ, y tá chuyên nghiệp giúp bạn vượt cạn thành công. Hãy lên danh sách những điều bạn hài lòng và không vừa ý, chi phí, địa điểm, trang thiết bị và tay nghề của đội ngũ y bác sĩ, điều kiện phòng ốc, dịch vụ v.v… ở từng bệnh viện để chọn cho mình nơi sinh nở thuận tiện.
Chọn người chăm sóc và cùng vào phòng sinh
Thảo luận với người thân về các biện pháp giúp giảm đau, giảm khó chịu khi chuyển dạ là rất cần thiết để mẹ bầu sinh thường nhẹ nhàng hơn (hình minh họa)
Nếu được chỉ định sinh thường, và muốn chọn thêm dịch vụ sinh gia đình, hãy thảo luận sớm với các thành viên trong gia đình xem ai sẽ là người cùng bạn vượt cạn. Điều này thật sự rất quan trọng, vì sau khi đã thống nhất, cả hai cần tập luyện trước các kỹ thuật giúp bạn đỡ đau khi sinh nở, các hành động mà bạn cho là cần thiết để khích lệ tinh thần trong lúc sinh đẻ đầy đau đớn và khó nhọc, cũng như là người nhanh nhẹn để có thể hỗ trợ bạn làm các thủ tục hành chính khi có tình huống phát sinh trong lúc vượt cạn.
Thực hành các bài tập giúp sinh dễ
Có nhiều bài tập đơn giản giúp cơ thể bạn dẻo dai hơn, nâng khả năng chịu đựng của các cơ trọng yếu ảnh hưởng đến cuộc sinh thường mà bạn có thể tham khảo và tập luyện. Ví dụ như bài tập Kegel nhằm giữ trương lực cơ chậu rút ngắn thời gian chuyển dạ, ngăn ngừa tình trạng sa tử cung và chứng són tiểu sau sinh; bài tập nghiêng vùng chậu (Angry cat) giúp tăng sức mạnh cho vùng cơ bụng làm giảm bớt các cơn đau vào giai đoạn cuối thai kỳ hay bài tập ngồi xổm tăng cường khả năng chịu đựng các cơ đùi, giúp mở khung xương chậu, nhờ đó quá trình rặn sinh cũng dễ dàng hơn và hạn chế đau lưng; bài tập tư thế thợ may (ngồi bệt xuống sàn) có hiệu quả trong việc nới lỏng các khớp xương hông, mở xương chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh nở v.v…
Ăn đủ chất và chọn các loại thực phẩm giúp dễ sinh
Ăn nhiều dứa giúp cung cấp nhiều vitamin và hỗ trợ mẹ bầu vượt cạn nhanh hơn (hình minh họa)
Thông thường, càng về cuối thai kỳ mẹ bầu càng thấy mệt mỏi và ăn không ngon miệng, tuy nhiên do sinh nở cần rất nhiều sức lực, vì vậy bạn vẫn phải đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung các vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ. Một thực đơn dồi dào vitamin K cũng rất cần thiết cho mẹ bầu khi gần đến ngày vượt cạn, vì loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng băng huyết sau sinh. Các loại rau có màu xanh đậm như rau càng cua, cải ngọt, súp lơ, sữa, các chế phẩm từ sữa, sữa đậu nành v.v… rất giàu vitamin K. Ngoài ra, bạn có thể dùng các món ăn theo kinh nghiệm dân gian giúp quá trình sinh thường diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn như ăn rau lang luộc, chè vừng đen nấu bột sắn dây, uống nước ép dứa, lá tía tô, rau húng quế, canh mồng tơi rau đay v.v…
Nghiên cứu tuyến đường đến bệnh viện nhanh nhất
Với nạn kẹt xe vào những giờ cao điểm như hiện nay, nhất là nếu ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, mẹ bầu cần tìm hiểu các con đường thông thoáng, đường tắt từ nhà hay từ công ty đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Ngoài ra, lưu trữ số điện thoại của người đưa bạn đi sinh, số điện thoại của các hãng taxi là rất cần thiết. Bạn cũng nên tìm hiểu và trao đổi với chồng hoặc người dự định đến bệnh viện cùng bạn các kỹ năng đỡ đẻ khẩn cấp nếu chẳng may quá trình chuyển dạ xảy ra quá nhanh, làm bạn có nguy cơ sinh sớm trước khi đến bệnh viện.
Chuẩn bị “hành trang” đi đẻ
Nếu chọn hình thức sinh gia đình, bạn nên chuẩn bị thêm các vật dụng tiện ích giúp mình dễ chịu hơn trong quá trình chuyển dạ bên cạnh quần áo, đồ dùng cho mẹ và bé yêu. Có thể đem theo dầu thảo mộc để nhờ chồng hoặc người thân massage làm giảm khó chịu, hoặc 1 ít kẹo ngọt, nước tăng lực để bổ sung năng lượng, 1 chai hay túi nước nóng dằn trên lưng cũng có tác dụng giảm đau đáng kể. Ngoài ra, cũng nên mang theo quạt giấy, khăn giấy ướt để lau mát khi đang vượt cạn, đồ giữ ấm chân hay vớ dài vì sau sinh nhiều sản phụ sẽ bị ớn lạnh, và kẹp, băng đô nhằm giữ tóc được gọn gàng v.v…
Nên chuẩn bị kỹ càng các vật dụng giúp mẹ bầu dễ chịu hơn khi vào phòng sinh, cũng như đồ dùng cho mẹ và bé sơ sinh sau đó (hình minh họa)
Thu xếp công việc khi bạn vắng nhà
Để yên tâm rằng dù có đang trong bệnh viện, chồng cùng các con lớn của bạn vẫn được chăm sóc chu đáo, hãy liệt kê và mua trước các loại thức ăn cho thực đơn khoảng 1 tuần khi bạn vắng nhà, bảo quản chúng cẩn thận trong tủ lạnh. Ngoài ra, cũng nên sắp xếp người đưa đón các anh chị bé đến trường, tìm người phụ giúp trông coi nhà cửa v.v… Sau khi đã sắp xếp chu đáo mọi chuyện, bạn sẽ thấy rằng “hành trình sinh đẻ” của mình thảnh thơi hơn rất nhiều.