Con gái sinh 10 tháng rồi mẹ chồng không cho đụng nước, con dâu đẻ 14 ngày đã sai lau 7 tầng nhà

Thảo Nguyên - Ngày 14/11/2022 12:00 PM (GMT+7)

Không phải tôi so bì với em chồng đâu nhưng mà qua đó mới thấy rõ mẹ chồng đối xử không chút công bằng với con dâu.

Lúc mới về nhà chồng, mẹ anh nắm tay bảo tôi như này: “Nhà này con dâu mẹ cũng coi như con gái và đối đãi như nhau. Mai này ốm đau chẳng dâu chăm mình thì mong ai vào đây”.

Lúc đó tôi xúc động lắm vì nghĩ bà nói thật. Bởi thế hơn 2 năm ở nhà chồng, lúc nào tôi cũng hết lòng hết dạ với bố mẹ anh mong được họ yêu thương như con gái. Song đến giờ phút này tôi có thể khẳng định, với mẹ chồng tôi, con dâu chỉ là người dưng nước lã không hơn không kém.

Bố mẹ anh chỉ sinh được 2 người con. Chồng tôi là anh trai lớn trong nhà. Dưới anh là cô em gái kém 2 tuổi nhưng đã lập gia đình 3 năm trước. Thời điểm tôi sắp cấn bầu thì em gái anh cũng đẻ và ở cữ.

Khi con gái đẻ, mẹ chồng chăm cho chu đáo tận 9-10 tháng kiêng cữ (Ảnh minh họa)

Khi con gái đẻ, mẹ chồng chăm cho chu đáo tận 9-10 tháng kiêng cữ (Ảnh minh họa)

Ngày em gái anh ở cữ, là chị dâu nên tôi thường sang bên nhà em chăm nom, cơm nước. Dù bên ấy có mẹ chồng em chu đáo lắm, tôi lại chạy đi chạy lại. Ấy thế mà mẹ chồng tôi không yên tâm bảo:

“Sau 1 tháng ở cữ thì mẹ phải sang nhà bên ấy để xin bà thông gia cho đón mẹ con nó về đây chăm mới yên tâm”.

Nói rồi 1 tháng ở cữ xong thì em gái anh về ngoại ở cữ. Những ngày ở cữ, mẹ chồng tôi chăm em từng ly từng tí. Thậm chí hết 3 tháng 10 ngày, bà vẫn không cho em làm bất cứ việc gì. 8 tháng, thấy con gái giặt cái áo cho con gái nó mà bà quát:

“Cứ để đó tí chị dâu giặt cho. Bao giờ hết 9 tháng mới được sờ tay vào nước. Mới sinh người yếu như con tôm lột, kiêng càng lâu càng đỡ khổ sau này nghe chưa”.

Lúc ấy tôi còn nghĩ mẹ chồng kiêng cho con gái ở cữ kỹ như này, mai này đến lượt tôi ở cữ chắc cũng được bà kiêng khem cho như thế. Vì thế dù bầu bí nhưng tôi cũng không nề hà việc cùng bà chăm em chồng ở cữ. Vậy nhưng khi tôi ở cữ thì hoàn toàn khác hẳn.

Lúc tôi sinh em bé là em chồng đã ở cữ được hơn 9 tháng rồi. Tưởng lúc này bà chỉ tập trung vào chăm sóc con dâu và cháu nội vì đây là con đầu cháu sớm của bà. Thế nhưng mẹ chồng chỉ xuất hiện ở viện ngày dâu đẻ cho có mặt được đúng 1 lúc còn đùn hết cho bà ngoại vì:

“Sao tôi sợ cái mùi bệnh viện quá, cứ mỗi lần có việc vào viện là y rằng chóng mặt buồn nôn không chịu được”.

Thậm chí khi con dâu về nhà, 2 tuần đầu có bà ngoại chăm giúp, bà cũng đùn hết việc cho bà thông gia. Từ việc thức đêm bế cháu, giặt tã, cơm nước. Khi bà ngoại có việc phải về quê thì mẹ chồng tôi bảo thẳng:

“Dù đang ở cữ thật nhưng nghỉ ngơi như vậy là được rồi. Giờ bà ngoại về, tranh thủ lúc con ngủ mà dậy dọn dẹp cơm nước và lau nhà đi, đừng trông chờ vào mẹ vì cuối năm mẹ bận lắm”.

Thế là từ hôm đó, tôi ở cữ được đúng 14 ngày là bắt đầu phải dậy nấu nướng cho cả nhà ăn. Đặc biệt, thấy nhà cửa bừa bộn, bẩn thỉu, mẹ chồng còn sai:

Khi dâu sinh, bà chẳng chăm ngày nào còn sai dâu làm việc nặng (Ảnh minh họa)

Khi dâu sinh, bà chẳng chăm ngày nào còn sai dâu làm việc nặng (Ảnh minh họa)

“Lên sân thượng tầng 7 rút quần áo đi, ở nhà trông con mà mỗi việc rút quần áo cũng không thấy làm”.

Hoặc bà bảo:

“Đưa mẹ ôm cu Tí cho mà tranh thủ lau qua mấy tầng nhà đi. Mấy hôm nay hanh khô nhà nhiều bụi bẩn lắm”.

Tôi lại hì hục lau 7 tầng nhà mà thấy chạnh lòng khủng khiếp. Nhớ lại đầu năm con gái đẻ thì bà bắt kiêng khem gần năm. Còn cuối năm con dâu sinh thì bà đối xử thiên vị như vậy? Tôi sợ không kiêng cữ tốt sau sinh sẽ dễ mắc các bệnh hậu sản sau này? Hay là tôi tìm cách xin mẹ chồng cho về ngoại ở cữ để nhàn thân nhỉ?

Thời gian kiêng cữ sau sinh bao lâu là phù hợp?

Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh cần ở cữ khoảng 3 tháng (hoặc dài hơn). Trong thời gian này, sản phụ hạn chế tiếp xúc với mọi người, tránh làm việc hoặc tắm rửa.

Nhưng theo các bác sĩ, phụ nữ sau sinh nên kiêng cữ khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, mẹ cần tuân thủ một số điều về dinh dưỡng, sinh hoạt để cơ thể phục hồi tốt, cung cấp đủ sữa cho trẻ sơ sinh như: Không kiêng khem quá mức; Không tập thể dục nặng; Không khiêng vác vật nặng; Không tự ý uống thuốc; Kiêng quan hệ tình dục; Hạn chế căng thẳng mệt mỏi; Không uống rượu, thức uống chứa cồn và cafein; Không tắm nước lạnh; Dành thời gian nghỉ ngơi

Ngoài ra, hạn chế sử dụng laptop, điện thoại, máy tính bảng, tivi,… để tránh ảnh hưởng đến thị lực cũng như sự phát triển của trẻ.

Không kiêng cữ tốt sau sinh có thể dẫn tới hậu quả gì?

Theo các bác sĩ sản khoa, nếu không kiêng cữ tốt sau sinh, mẹ rất dễ mắc các bệnh hậu sản. Triệu chứng thường thấy là mẹ dễ bị đau lưng, cơ thể mệt mỏi, hay đau đầu, dễ đau nhức xương khớp, sức khỏe giảm sút, tâm trạng bất ổn.

Trong thời gian ở cữ, phụ nữ cần được nghỉ ngơi, chăm sóc theo chế độ đặc biệt để sức khỏe sớm hồi phục.

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiêng sau sinh