Đau bụng khi mang thai, khi nào mẹ cần đến bệnh viện?

Ngày 04/01/2019 15:30 PM (GMT+7)

Đau bụng khi mang thai - triệu chứng này đôi khi là bình thường do những thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai, nhưng đôi khi nó là bất thường do liên quan đến các bệnh lý sản phụ khoa khác, hay do bệnh lý nội khoa, bệnh lý ngoại khoa.

Đau bụng khi mang thai, khi nào mẹ cần đến bệnh viện? - 1

Tác giả bài viết: PGS.TS. BS Lưu Thị Hồng - Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. 

Đau bụng khi mang thai, khi nào mẹ cần đến bệnh viện? - 2

PGS.TS. BS Lưu Thị Hồng

Các mẹ cần phải nắm rõ đặc tính của cơn đau bụng, đồng thời cần xác định mức độ và tính chất cơn đau. Điều này sẽ giúp mẹ có thể phán đoán được khi nào mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay và khi nào chưa cần gặp bác sĩ mà có thể tự theo dõi được tốt, để đảm bảo mẹ và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh.

Vì sao có hiện tượng đau bụng khi mang thai?

Mang thai, đó là thiên chức cao cả của mẹ, kéo dài suốt 280 ngày.

Chính vì thế, biết bao nỗi lo âu của người mẹ phải trải qua trong chặng đường dài. Hiện tượng đau bụng khi mang thai là một triệu chứng hay xảy ra trong thai kỳ.

Bình thường thai nhi nằm trong tử cung của mẹ, thai nhi ngày càng lớn dần, đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng phải to lên để kịp cho thai nhi phát triển, kéo theo 2 dây chằng tròn 2 bên căng và lớn ra (chức năng của dây chằng tròn là cố định và giữ vững tử cung). Khi người mẹ vận động nhiều, di chuyển thường xuyên sẽ kéo theo dây chằng căng và dãn nhiều hơn và gây nên những cơn đau bụng.

Bên cạnh những cơn đau bụng vì nguyên nhân không có hại, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số nguy cơ nguy hiểm sau đây.

- Có thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng thụ tinh làm tổ ở bộ phận ngoài tử cung, hầu hết là ở vòi tử cung và thường xảy ra ở 1 trên 50 mẹ bầu. Trường hợp mẹ bầu không may bị thai ngoài tử cung thường thấy đau bụng một bên hố chậu khi đến kỳ kinh hoặc ra máu nâu đen ít kéo dài, nếu không đi khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể dẫn đến chửa ngoài tử cung vỡ nguy hiểm đến tính mạng.

- Sảy thai

Khi bị đau bụng ngay từ sau khi chậm kinh, các mẹ hãy luôn luôn cảnh giác với nguy cơ bị sảy thai, bởi có một thực tế không mấy dễ chịu rằng có đến 15 đến 20% mẹ bầu trong trường hợp này bị sảy thai. Các dấu hiệu sảy thai bao gồm ra huyết âm đạo hoặc đau bụng tương tự như khi đau bụng kinh.

Đau bụng khi mang thai, khi nào mẹ cần đến bệnh viện? - 3

Nếu mẹ đang phải trải qua những cơn đau bụng, tử cung có cơn co thắt bé rất dễ bị sinh non thiếu tháng. (ảnh minh họa)

- Dọa đẻ non - đẻ non

Nếu mẹ đang phải trải qua những cơn đau bụng, tử cung có cơn co thắt thường xuyên trước thời điểm tuần mang thai thứ 37 và liên tục bị đau lưng, rất có thể mẹ có nguy cơ bị đẻ non. Đừng chần chừ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Chứng co thắt đau bụng đi kèm hoặc không đi kèm ra máu, ra nước hoặc thấy giảm cử động của thai nhi.

- Rau bong non

Rau thai chính là nguồn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé. Nó được bám dính liền vào thành tử cung và không thể bị tách rời cho đến khi bé được đẻ ra. Ở một số trường hợp hiếm gặp (thường chiếm tỉ lệ 1 trên 200 ca sinh đẻ), rau thai có thể bong khỏi thành tử cung trước khi thai nhi được đẻ ra ngoài. Đây là một biến chứng nguy hiểm thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ.

- Tiền sản giật

Huyết áp cao sẽ làm các mạch máu trong tử cung, vốn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé, cản trở quá trình trao đổi oxy, làm quá trình phát triển của bé chậm lại. Tiền sản giật cũng có thể làm tăng nguy cơ bong rau thai sớm, triệu chứng mà rau thai bị bong khỏi thành tử cung trước khi đẻ. Khi tiền sản giật trở nên nghiêm trọng, nó có thể kéo theo những cơn đau liên tục ở vùng bụng, tử cung trở lên cứng như gỗ, có thể phù.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu

Có đến 10% số mẹ bầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở một số thời điểm khi mang thai. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn tiểu đột ngột, tiểu buốt, tiểu rát, hoặc tiểu ra máu. Đôi khi một số bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu sốt cao.

- Sỏi mật

Sỏi trong túi mật thường xảy ra phổ biến hơn với phụ nữ, đặc biệt với những ai bị thừa cân, ngoài 35 tuổi, hoặc có tiền sử mắc các bệnh về sỏi. Trong một vài trường hợp, cơn đau ở vùng thượng vị nhần tưởng với đau dạ dầy, có thể lan đến quanh vùng lưng hoặc dưới phần xương bả vai bên phải.

Khi nào mẹ nên đến bệnh viện hoặc gọi bác sĩ?

Mẹ bầu cần gọi bác sĩ khi thấy một trong các dấu hiệu sau:

- Đau bụng có hoặc không xuất huyết.

- Ra máu/ ra nước hoặc bị chuột rút nhẹ

- Bị co thắt suốt 2 tiếng, cứ mỗi tiếng lại có 2 cơn co thắt

- Đau bụng dữ dội/ đau bụng cơn

- Rối loạn thị lực, nhìn mờ.

- Đau đầu dữ dội

- Phù ở phần tay, chân, hoặc mặt

- Tiểu buốt, khó tiểu, hoặc tiểu ra máu.

Đặc điểm cơn đau bụng thai kỳ bình thường

Mẹ sẽ có cảm giác đau bụng lâm râm thường xuyên hoặc đau nhói, ở phần bụng dưới hay bẹn. Khi thai nhi phát triển, đôi khi có thể gây ra các cơn đau ở một hoặc cả hai bên bụng của mẹ. Hiện tượng đau bụng này hay xảy ra vào 3 tháng đầu thai kỳ, nhưng cũng có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.

Đau bụng thai kỳ bình thường có liên quan đến sự vận động, cảm thấy đau bụng khi ho, hay những lúc ngồi xổm hoặc khi đứng dậy... đau không tăng lên và thường có xu hướng giảm đi khi nghỉ ngơi,thư giãn. Mẹ cần nằm nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều, không mang vác nặng từ 5 kg trở lên. Triệu chứng đau bụng lâm râm sẽ hết, không cần dùng thuốc giảm đau.

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thỉnh thoảng có cơn đau sinh lý, bụng co nhẹ sau đó hết.

Đau bụng khi mang thai, khi nào mẹ cần đến bệnh viện? - 4

Một khi có dấu hiệu đau bụng quá sức chịu đựng của mẹ, thì mẹ bầu phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. (ảnh minh họa)

Triệu chứng đau bụng khi mang thai nguy hiểm

Triệu chứng đau bụng khi mang thai xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như ra huyết âm đạo thì đây là dấu hiệu bất thường, có khả năng ảnh hưởng lớn đến thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu. Triệu chứng của đau bụng này là đau từ vùng rốn xuống đến xương mu, đặc tính cơn đau có thể đau bụng râm râm, hoặc đau bụng từng cơn…

Đây là tình trạng bệnh lý, thường gặp dọa sẩy thai. Đau bụng khi mang thai cũng có thể xảy ra trong những tháng tiếp theo và đến tận ngày có dấu hiệu chuyển dạ đẻ. Cơn đau bụng xảy ra trong giai đoạn này thường do động thai hay dọa đẻ non, rau tiền đạo…

Một khi có dấu hiệu đau bụng, quá sức chịu đựng của mẹ, hoặc có khuynh hướng tăng hoặc đi kèm các triệu chứng khác như: nôn ói, đau tăng lên khi tiểu tiện, đại tiện, thay đổi tính chất của phân (có đàm hay máu, phân lỏng..), sốt, ra huyết ấm đạo,…nhất thiết mẹ phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh và tìm hướng điều trị, cắt cơn đau bụng, điều trị giữ thai để bảo đảm cho thai nhi được an toàn, phát triển tốt.

Đồng thời mẹ cần nằm nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường, cùng với sự chăm sóc và ăn uống phù hợp. Từ đó việc điều trị mới mang lại kết quả tốt.

Ngoài việc đau bụng khi mang thai có nguyên nhân liên quan sản phụ khoa. Triệu chứng đau bụng cũng có thể gặp khi mẹ bị rối loạn tiêu hóa, mẹ bị nhiễm trùng tiểu, mẹ bị viêm ruột thừa, mẹ bị sỏi thận… Ngoài triệu chứng đau bụng, sẽ kèm theo các triệu chứng khác điển hình của bệnh lý kể trên.

Trong trường hợp này cần phải thăm khám và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, thì cơn đau bụng sẽ hết.

Sa dạ con sau sinh nguy hiểm như thế nào?
Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh chia sẻ, sa dạ con hay còn gọi là sa cơ quan sinh dục thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau...

Sau sinh

PGS.TS. BS Lưu Thị Hồng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đau bụng khi mang thai