Bác sĩ đã thử mọi thứ để giúp bà mẹ này sinh thường nhưng cơ thể của cô ấy không hợp tác.
Kari Szafranski đã trải qua một thai kỳ khá dễ dàng cho đến những ngày cuối cùng. Ở 36 tuần, cô chỉ thấy mình nặng nề hơn, chân hơi đau và thường xuyên phải vào phòng vệ sinh vì tiểu nhiều.
6/10 là ngày dự sinh nhưng Kari vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ. Người mẹ này cảm thấy lo lắng vì thai nhi đã to, nếu quá ngày dự sinh sẽ khiến em bé to hơn nữa. Như vậy, việc sinh đẻ sẽ khó khăn hơn. Một tuần sau đó, Kari cũng không có bất cứ dấu hiệu nào.
Kari đã trải nghiệm một ca sinh nở không hề dễ dàng.
Vài ngày sau, cuối cùng Kari cũng có dấu hiệu chuyển dạ vào 9h30 tối. “Hôm đó, khi biết mình sắp lâm bồn nhưng tôi và chồng vẫn còn ra ngoài ăn tối với nhau để kỉ niệm trước khi chúng tôi chào đón thêm thành viên mới của gia đình”, Kari kể lại.
Sau bữa tối, chồng Kari mới lái xe đưa vợ đến viện. Bác sĩ kiểm tra, cổ tử cung của Kari mới mở được hơn 1cm. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thảo luận kế hoạch sinh đẻ với hai vợ chồng. Đầu tiên, bác sĩ chèn một viên thuốc vào cổ tử cung của Kari để thúc đẩy quá trình chuyển dạ nhanh hơn. Mỗi viên thuốc dùng cách nhau 12 giờ, nên không thể dùng thuốc bừa bãi được.
“Lúc 11 giờ tối, một y tá bảo tôi có thể ăn nhẹ một chút. Tôi đến quán ăn tự phục vụ để lấy đồ ăn. Ngay sau khi tôi bước đi, các cơn co thắt bắt đầu xuất hiện. Lúc đầu là những cơn co thắt nhẹ, nhưng về sau ngày càng rõ. Đến nửa đêm, các cơn co thắt đến nhiều hơn, tuy nhiên, cổ tử cung của tôi chỉ mới mở được 2cm”, mẹ bầu kể lại.
Sau đó, bác sĩ đã cho phép Kari tắm nhanh. Vào lúc 2:30 sáng, cơn co thắt của cô ấy xuất hiện sau mỗi 45 giây, không ngừng và rõ rệt. Kari đau đớn, không thể nghỉ ngơi. “Lúc 3 giờ sáng, tôi được gây tê màng cứng. Trước khi chuyển dạ, tôi lo lắng nhất về phần này vì sợ kim tiêm. Nhưng vào thời điểm đó, tôi không cảm nhận được mũi tiêm đó bởi các cơn co thắt đau đớn hơn gấp nhiều lần”, Kari kể lại.
Kari muốn sinh thường nhưng đau đẻ suốt 24 tiếng vẫn không sinh được.
Mặc dù các cơn co thắt đến dồn dập nhưng cổ tử cung của Kari mở được rất ít. Một bác sĩ vào kiểm tra và ngạc nhiên khi thấy Kari vẫn chưa sinh con. “Bác sĩ đã cho tôi dùng thuốc kích đẻ. Tiếp theo, anh ấy đã chọc vỡ ối của tôi nhưng vẫn không thay đổi được gì. Sau một giờ theo dõi cơn co thắt của tôi, anh ấy nói rằng chúng tôi có thể tiếp tục chờ đợi, nhưng nếu có gì bất thường xảy ra, chúng tôi cần phải có lựa chọn khác. Tôi biết ý anh ấy nói là phải mổ đẻ”, Karri chia sẻ.
Đến 7 giờ chiều, gần 24 giờ sau khi đến bệnh viện, cổ tử cung mới mở được 5cm, trong khi Kari đã gần như kiệt sức. Cô cần phải mổ lấy thai. “Tôi đã sẵn sàng để bước vào phòng phẫu thuật, nhưng, tôi thừa nhận là đã rất sợ hãi. Tôi vô cùng áp lực khi nhìn thấy các bác sĩ, y tá di chuyển xung quanh mình. Họ gây tê, tôi không cảm thấy đau đớn nhưng vẫn cảm nhận được họ kéo con tôi ra. Chồng tôi sau đó đã bế em bé về phía tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc và trao cho con gái một nụ hôn. Ngay sau khi tôi biết con bé đã ổn, tôi được đưa đến phòng hậu phẫu”, Kari chia sẻ.
Cuối cùng con gái Kari phải chào đời bằng phương pháp sinh mổ.
Kari cho biết, ngày đầu tiên sau mổ, cô đau đớn rất nhiều, rất khó để đứng dậy. May mắn cô có người thân bên cạnh hỗ rợ, nhất là chồng cô, anh đã đỡ đần cô và giúp vợ chăm sóc em bé rất tốt. Kari đã trải qua một kỳ sinh nở khó khăn nhưng cuối cùng mọi thứ đều ổn.
Kari chia sẻ câu chuyện của mình để giúp các bà mẹ hiểu thêm về chuyện sinh đẻ. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh, mỗi người sẽ trải qua một kỳ sinh nở khác nhau, không ai giống ai nên không cần gây áp lực với bản thân. Các bà mẹ hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên, và tham khảo ý kiến của bác sĩ để có một kỳ sinh dễ dàng và an toàn nhất.