Ở 3 tháng cuối thai kỳ nhiều mẹ bầu xuất hiện những dấu hiệu sinh non nhưng do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết nên để mất con.
Hiện tượng sinh non, sinh con sớm hơn nhiều so với ngày dự, sinh thường xảy ra từ tuần 20-37 của thai kỳ với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, nhận biết những dấu hiệu sinh non để kịp thời có phương pháp xử lý, tránh rủi ro đáng tiếc là điều mẹ bầu nào cũng cần tham khảo.
1. Dấu hiệu sinh non thường gặp
Dưới đây là những dấu hiệu sinh non chị em cần lưu tâm:
Buồn nôn
Đa số các bà bầu thường chấm dứt thời kì ốm nghén từ tuần 12-14 của thai kỳ, nhưng từ tuần 20-37 bạn lại thấy đau đầu choáng váng, buồn nôn và nôn thì đây có thể là dấu hiệu xấu, đe dọa sức khỏe thai nhi và dẫn tới sinh non.
Đau bụng co thắt tử cung
Khi xuất hiện những cơn đau bụng mà bạn biết rõ rằng không phải do rối loạn tiêu hóa kèm theo nhưng co thắt tử cung, thậm chí cơn đau bụng tăng dần, âm đạo chảy máu thì cần nhanh chóng đến bệnh viện vì đây chính xác là dấu hiệu sinh non nguy hiểm.
Đau bụng từng cơn kèm theo cơn co bóp tử cung là dấu hiệu sinh non rất rõ ràng cho thấy cổ tử cung đang mở dần. (Ảnh minh họa)
Ra nhiều dịch âm đạo
Chị em cần vệ sinh vùng kín hàng ngày và theo dõi, đánh giá mức độ tiết dịch âm đạo. Nếu vùng kín của mẹ bầu đột nhiên ẩm ướt khó chịu liên tục, lượng dịch ra quá nhiều, kèm theo có chút máu đỏ hồng hoặc chất nhầy đặc dính thì cần đi khám thai sớm. Rất có thể bạn đã bong nút nhầy tử cung hoặc sinh non trong vài ngày sắp tới.
Đau lưng dồn dập
Bạn vốn không phải là người thường xuyên bị đau lưng, thậm chí là suốt thai kỳ vùng lưng của bạn vẫn khỏe mạnh nhưng bỗng chốc cơn đau lưng xuất hiện dồn dập, đặc biệt là dưới thắt lưng thì cần thận trọng. Đây là một trong những dấu hiệu chuyển dạ thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nếu bạn còn cách xa ngày sinh nở thì bạn đừng chủ quan vì khả năng sinh non là rất lớn.
Thai nhi ít đạp hoặc dừng cử động
Trong một ngày đêm 24 giờ, thai nhi thường cử động nhiều về ban đêm, và đây cũng là thời điểm yên tĩnh để mẹ cảm nhận rõ những cử động của bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu 2-3 tiếng liên tục bé yêu không có gần 10 cử động thì chị em nên theo dõi hoặc tư vấn bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Theo dõi cử động của thai nhi là cách kiểm tra đơn giản giúp mẹ biết rằng bé yêu trong bụng mẹ vẫn khỏe. (Ảnh minh họa)
Rỉ ối hoặc vỡ ối
Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn sẽ sớm trải qua cuộc sinh nở. Một số bà bầu khi vỡ ối nước ối sẽ tuôn ra ào ào từ vùng kín. Một số khác lại rỉ ối từ từ. Rất chị em cảm thấy khó xác định giữa việc rỉ ối và tiểu són. Lúc này bạn nên tới ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời. Việc cạn ối kéo dài có thể đe dọa tính mạng thai nhi. Và đa phần nếu thai phụ đã vỡ ối và sinh non sẽ phải tiến hành mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
2. Vì sao trong thai kỳ mẹ bầu xuất hiện dấu hiệu sinh non?
Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan khiến bà bầu sinh non.
- Thai phụ có bệnh lý: Bản thân người mẹ đã tiền sử mắc bệnh hoặc đang trong giai đoạn điều trị bệnh tiểu đường, u xơ tử cung, viêm gan B, bệnh tuyến giáp, viêm đường sinh dục, đa thai, nhiễm trùng ối, tiền sản giật... Những thai phụ này ngay từ khi bắt đầu mang thai cần được quản lý thai kỳ chặt chẽ để hạn chế tối đa nguy cơ sinh non.
- Dị tật tử cung: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến sinh non trước 37 tuần thai. Không ít phụ nữ có khiếm khuyết ở tử cung mà trước đó không phát hiện kịp thời như tử cung bất thường, cổ tử cung hé mở, hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn...
- Trầm cảm thai kỳ: Những bất ổn về mặt tâm lý khiến thai phụ thường xuyên có cảm xúc tiêu cực dẫn tới stress thậm chí là trầm cảm. Điều này có tác động rất lớn đến hệ thần kinh của người mẹ, các hormone gây stress lại tiếp tục tác động đến tử cung và thai nhi dẫn tới sinh non.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống không đảm bảo vệ sinh; quan hệ tình dục quá mạnh, làm việc quá sức, sống trong vùng ô nhiễm... đều tác động đến quá trình chuyển dạ sớm.
Trẻ sinh non cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt. (Ảnh minh họa)
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn người mẹ cần có ý thức chăm sóc sức khỏe cho chính mình thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ và kiếm soát cân nặng ổn định, có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, đi khám thai và tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt nếu chị em có tiền sử sinh non trước đây cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi thai kỳ sát sao.
Video: Những dấu hiệu báo thai kỳ gặp nguy hiểm, mẹ bầu cần đi gặp bác sĩ ngay!