Các trường hợp sinh non thường xảy ra từ tuần 20- 37 của thai kì do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bạn đang mang thai, việc nhận biết dấu hiệu sinh non là cần thiết nhằm điều trị và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sinh non
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới sinh non nhưng cũng có tới 40% các ca sinh non không tìm ra nguyên nhân. Hiện nay các chuyên gia chia ra làm 2 nhóm nguyên nhân chính là:
Nguyên nhân do thai:
- Viêm màng ối do các dạng nhiễm trùng gây ra
- Vỡ ối non chiếm 10% các cuộc chuyển dạ đủ tháng, 30% chuyển dạ sinh non
- Nhau thai suy dinh dưỡng không cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi
- Mẹ mang bầu đa thai, song thai. Thông thường thời gian mang bầu đơn thai là 280 ngày nhưng song thai chỉ diễn ra khoảng 260 ngày, đa thai là 246 ngày.
-Thai nhi dị dạng kết hợp với hiện tượng đa ối hoặc thiểu ối hoặc các bệnh lý bất thường nhiễm sắc thể, nhiễm trùng.
Trẻ sinh non chào đời cần chế độ chăm sóc đặc biệt (Ảnh minh họa: Internet)
Nguyên nhân do mẹ
- Mẹ có tiền sử sinh non có nguy cơ tái phát khoảng 25-50%; dị tật tử cung; mắc bệnh nội khoa như thiếu máu, viêm cổ tử cung, bệnh tim mạch, cao huyết áp…
- Mẹ sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại.
- Mẹ quá trẻ hoặc quá cao tuổi khi mang thai
- Tâm lý và thể chất của người mẹ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi cực độ.
- Mẹ không được chăm sóc tiền sản đầy đủ; quá gầy yếu, không được bồi dưỡng trong thai kì.
- Mẹ bầu có thói quen sinh hoạt không khoa học như uống rượu, hút thuốc lá, quan hệ tình dục thường xuyên gây ra các cơn co tử cung.
Các dấu hiệu sinh non thường gặp
Trước 37 tuần mang thai, nếu mẹ bầu có những dấu hiệu này chị em cần hết sức lưu ý và kịp thời thăm khám vì có thể bạn có nguy cơ sinh non.
Mẹ bầu không được coi thường các dấu hiệu bất thường trong thai kì vì có thể sinh non bất cứ lúc nào (Ảnh minh họa: Internet)
- Ra nhiều dịch nhầy âm đạo : Bạn bỗng thấy âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt hoặc xuất hiện chất nhầy trắng hoặc nâu có lẫn chút máu
- Các cơn co thắt xuất hiện: Mẹ bầu không bị tiêu chảy hay loại trừ tình trạng đau bụng rối loạn tiêu hóa trong khi các cơn co thắt vẫn diễn ra với tần suất 5-10 phút/lần, mỗi lần kéo dài 15-30 giây. Đồng thời có các cơn co do chuột rút, chảy máu âm đạo kèm theo thì đây là dấu hiệu sinh non.
- Đau thắt lưng: Trước đó mẹ bầu ít đau lưng nhưng sau đó thấy xuất hiện các cơn đau dồn dập ở vùng thắt lưng thì chị em nên đi khám.
- Đau đầu, buồn nôn: Trong tuần từ 20-37 nếu các mẹ có cảm giác đau đầu choáng váng, buồn nôn, tiêu chảy sẽ là dấu hiệu xấu cho thấy thai nhi đang ở tình trạng bất thường có khả năng sinh non.
- Cảm thấy vùng xương chậu trở nên nặng nề: Thai nhi đang tụt dần về phía ống sinh, đè nặng lên vùng xương chậu/
- Thai nhi giảm chuyển động: Dù làm việc bận rộn nhưng các mẹ vẫn cần theo dõi các chuyển động của thai nhi trong ngày. Nếu trong khoảng 2-4 tiếng đồng hồ bé không có bất kì chuyển động nào thì mẹ cần lưu tâm đến gặp bác sĩ sản khoa.
- Vỡ ối: Một số chị em bị rỉ nước ối mà lầm tưởng mình bị tiểu són nhưng có người vỡ ối thực sự - nước tuôn ào ào. Khi vỡ ối, mẹ bầu cần tới ngay bệnh viện để xử lý tránh nguy hiểm cho bé. Khi màng ối vỡ, chuyển dạ là chuyện khó tránh, bác sĩ có thể phải dùng đến thuốc kích thích sinh. Nếu trường hợp còn duy trì thêm thời gian để thai nhi trưởng thành hơn, bác sĩ sẽ dùng thuốc trì hoãn chuyển dạ để phổi thai nhi nạp thêm steroid. Thai phụ được yêu cầu nằm nghiêng về bên trái để tăng lượng máu vào tử cung nhằm cung cấp đủ oxy và nhận dưỡng chất từ mẹ.
Có thể áp dụng xét nghiệm chẩn đoán sinh non
Một số dấu hiệu nhận biết sinh non đôi khi bị nhầm lẫn với triệu chứng mang thai bình thường. Nhưng bằng linh cảm của người mẹ và việc lắng nghe sức khỏe cơ thể, bạn vẫn nên đi khám thay vì lo lắng.
- Thực hiện xét nghiệm FFN, nhằm kiểm tra lượng protein trong nước ối, nhau thai có bị viêm hay không
- Siêu âm để đo chiều dài tử cung, nếu tử cung đã mở trên 2 cm thì nguy cơ cao mẹ bầu sẽ sinh non.
Ngoài ra, bác sĩ cũng dựa trên những dấu hiệu sinh non đã nói ở trên để tiên lượng về tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu có bát cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào, thai phụ sẽ được xét nghiệm thêm nước tiểu, máu, chọc ối để tìm nguyên nhân và cách xử trí đúng đắn.