Mang thai là điều vui mừng cho các cặp vợ chồng nhưng cũng có nhiều lo lắng đi kèm, đặc biệt là với những thai phụ đã có vết mổ cũ.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều bà mẹ “chuộng” sinh mổ. Bên cạnh những trường hợp liên quan tới nguyên nhân y khoa còn có nhiều trường hợp sinh mổ theo yêu cầu. Tuy nhiên, phương pháp sinh mổ chỉ thực sự cần thiết nếu mẹ hoặc thai có một số vấn đề bất thường trước và trong thời gian chuyển dạ.
Sinh mổ cũng gây ra nhiều nguy cơ đối với các mẹ trong những lần mang thai sau, đặc biệt nguy hiểm hơn với những trường hợp mang thai lại sớm sau sinh mổ lần trước.
Sinh mổ cũng gây ra nhiều nguy cơ đối với các mẹ trong những lần mang thai sau (Ảnh minh họa)
Để giúp các bà mẹ tìm hiểu rõ hơn nguy cơ khi sinh mổ liên tiếp và những lưu ý đối với các bà mẹ mới sinh mổ có thai tiếp, PV đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ - Bác sỹ nội trú Nguyễn Thùy Nhung – Phó trưởng khoa sản Bệnh viện E về vấn đề này.
Thưa bác sĩ, sinh mổ có những ưu và nhược điểm như thế nào?
Ưu điểm của sinh mổ là thai phụ chủ động được hoàn cảnh sinh của mình và chuẩn bị tất cả mọi thứ như điều kiện gia đình, người chăm sóc.
Về phương diện sản khoa thì sinh mổ trong một số trường hợp cũng làm giảm nguy cơ tai biến đối với mẹ và thai nhi ví dụ như mẹ bệnh lý tim mạch, hoặc thai suy trong chuyển dạ…
Tuy nhiên sinh mổ có nhược điểm là bé không tiếp xúc được với hệ vi khuẩn trong môi trường âm đạo của người mẹ nên sức đề kháng của bé sẽ yếu hơn bình thường, sự hồi phục của người mẹ sau sinh mổ cũng chậm hơn so vơi sinh thường. Bên cạnh đó, người mẹ phải mang vết sẹo mổ cũ có nguy cơ cao hơn trong những lần có thai sau như thai bám vào sẹo mổ cũ, rau cài răng lược hay vỡ tử cung.
Những đối tượng nào cần thiết phải sinh mổ?
Những bệnh nhân sinh mổ là những bệnh nhân phải có chỉ định mổ. Chỉ định mổ lấy thai có thể là chỉ định về phía mẹ, về phía thai hoặc về phía phần phụ của thai, ngoài ra còn có chỉ định mổ chủ động và chỉ đinh mổ cấp cứu.
Đối với chỉ định mổ chủ động tức là phẫu thuật lấy thai khi chưa có chuyển dạ.
Chỉ định mổ lấy thai chủ động về phía mẹ ví dụ như các bệnh lý toàn thân của mẹ: bệnh lý tim mạch, basedow, dị dạng mạch não, tiền sản giật nặng, khung chậu méo, khung chậu lệch…, chỉ định mổ lấy thai chủ động về phía thai hoặc phần phụ của thai có thể là ngôi vai, rau tiền đạo, rau cài răng lược, thai to…
Chỉ định mổ cấp cứu là những chỉ định phát sinh trong quá trình chuyển dạ. Nếu diễn biến chuyển dạ bình thường người mẹ có thể đẻ phía dưới tử cung nhưng diễn biến thất thường ví dụ như trường hợp thai suy cấp trong chuyển dạ, tim thai xuống hoặc những trường hợp cổ tử cung không tiến triển hoặc cổ tử cung mở hết nhưng đầu bé không lọt thì sẽ chỉ định mổ.
Về phương diện sản khoa thì sinh mổ trong một số trường hợp cũng làm giảm nguy cơ tai biến đối với mẹ và thai nhi ví dụ như mẹ bệnh lý tim mạch, hoặc thai suy trong chuyển dạ… (Ảnh minh họa)
Vậy sau sinh mổ bao lâu thì mới được mang thai tiếp thưa bác sĩ?
Ở Việt Nam, tại các bệnh viện lớn thường quy định khoảng thời gian trên dưới 2 năm, người mẹ có thể có mang thai trở lại, nhưng trên thế giới lại không có quy định bao lâu sinh mổ xong mới có thai vì điều này còn phụ thuộc vào chất lượng sẹo mổ cũ và cơ địa của từng bệnh nhân.
Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyên các bệnh nhân sinh mổ không nên có thai lại quá sớm, tốt nhất cũng nên sau 2 năm mới nên có thai trở lại
Những người sinh mổ sẽ được tối đa bao nhiêu lần?
Không có quy định tối đa cho việc sinh mổ thường khi bệnh nhân đã phẫu thuật lấy thai 2 lần thì đến lần phẫu thuật thứ 3 chúng tôi đều khuyên bệnh nhân nên thắt vòi tử cung để tránh thai. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào từng trường hợp, hoàn cảnh của bệnh nhân. Có những bệnh nhân phẫu thuật 3 lần nhưng họ mới có một em bé nuôi được chúng tôi cũng cân nhắc có thể cho phép bệnh nhân sinh mổ đến lần thứ 4.
Sinh mổ liên tiếp có những nguy cơ nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?
Những trường hợp mổ đi mổ lại nhiều lần ngoài những nguy cơ của phẫu thuật nói chung như tai biến của gây tê, gây mê, nguy cơ chảy máu, nguy cơ nhiễm trùng thì còn thêm nguy cơ tổn thương các tạng trong ổ bụng vì thường sẹo mổ cũ sẽ có nguy cơ dính các tạng vào vết mổ thành bụng, đặc biệt là bàng quang, vì thế những lần phẫu thuật sau bao giờ cũng nguy cơ cao hơn những lần phẫu thuật trước.
Ngoài ra, như chúng tôi đã nói ở trên, những bệnh nhân sinh mổ nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ chửa vết mổ, nguy cơ rau tiền đạo, nguy cơ rau cài răng lược, nguy cơ vỡ tử cung trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc khi chuyển dạ. Đó là những nguy cơ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của thai phụ.
Việc mới sinh mổ mà có thai tiếp có nguy cơ nguy hiểm như thế nào thưa bác sĩ?
Nguy cơ đầu tiên khi vừa sinh mổ có thai tiếp theo là thai sẽ bám vào sẹo mổ cũ tử cung người ta gọi là chửa vết mổ. Thai bám vết mổ có nguy cơ chảy máu rất nhiều thậm chí có những bệnh nhân phải cắt cả tử cung để cầm máu trong những trường hợp chửa vết mổ này.
Thứ 2 là tăng nguy cơ rau cài răng lược. Rau cài răng lược sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu khi đẻ và thường phải phẫu thuật cắt cả tử cung lấy thai để cầm máu.
Thứ 3, khi thai lớn dần lên nguy cơ sợ nhất là thai làm nứt vết mổ. Vì giống như bạn tưởng tượng sẹo mổ cũ đã sâu, dính vào nên chỗ yếu nhất là chỗ đó và có nguy cơ nứt vỡ tử cung ở chỗ mổ đó.
Tốt nhất những bà mẹ sinh mổ sau 2 năm mới nên có thai trở lại. (Ảnh minh họa)
Một trường hợp mới sinh mổ được 7 tháng đã có thai tiếp thì nên bỏ hay giữ thai thưa bác sĩ?
Trường hợp mới sinh mổ sau 7 tháng đã có thai điều đầu tiên cần phải xem thai ở tuần thứ mấy. Nếu tuổi thai nhỏ < 10 tuần thì cân nhắc tùy thuộc nhu cầu của bệnh nhân, vì nếu để lại để sinh thì lúc sinh vết mổ cũ cũng được 15-16 tháng.
Với trường hợp đó, thường chúng tôi sẽ cố gắng mổ chủ động khi tuổi thai được sang tuần 39 để tránh biến chứng.
Bên cạnh đó, vẫn phải theo dõi sát suốt thai kỳ vì vẫn có nguy cơ vỡ tử cung trong 3 tháng cuối còn nếu bệnh nhân muốn bỏ thai thì tuổi thai nhỏ vẫn có thể đình chỉ thai nghén.
Trường hợp tuổi thai bệnh nhân đã quá lớn (trên 12 tuần) thì chúng tôi thường khuyên bệnh nhân nên giữ thai vì nguy cơ phá thai ở trên sẹo mổ đẻ cũ 7 tháng có nguy cơ rất cao cho bệnh nhân. Vì thế những thai phụ sinh mổ cần cố gắng tránh thai ít nhất 2 năm, nếu nhỡ có thai thì cố gắng phát hiện sớm, khi tuổi thai còn nhỏ việc xử trí sẽ dễ dàng hơn những trường hợp tuổi thai đã quá lớn.
Vậy cần có chế độ chăm sóc như thế nào cho mẹ trong thời kỳ này thưa bác sĩ?
Chế độ chăm sóc thai nhi trong thời kỳ mang thai này giống hệt với bình thường bởi không có chế độ nào để ngăn ngừa biến chứng sau mổ lấy thai. vì thế chúng ta chỉ có thể phòng ngừa các tai biến đó bằng cách hạn chế mổ lấy thai, chỉ mổ khi có chỉ định, hạn chế tối đa chỉ định mổ không hợp lý vì chỉ định mổ không hợp lý sẽ làm tăng nguy cơ cho sản phụ trong những lần sinh sau rất nhiều.
Bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp nào như thế này chưa?
Bệnh viện có tiếp nhận khá nhiều trường hợp như thế này. Đa phần vì sau mổ đẻ kinh nguyệt của bệnh nhân chưa trở về bình thường hoặc thậm chí còn chưa có kinh trở lại. Một trường hợp chúng tôi mới tiếp nhận là bệnh nhân mới sinh mổ được 9 tháng chưa có kinh nguyệt trở lại và khi đến siêu âm thì phát hiện có thai khoảng tầm 4 tháng rồi.
Trường hợp đó chúng tôi cũng cố gắng giúp cho bệnh nhân giữ thai vì phá thai 4 tháng trên vết mổ cũ rất nguy hiểm. Chúng tôi theo dõi sát bệnh nhân, hiện tại thai nhi đã được 27 tuần và hầu như chưa xảy ra biến chứng gì.
Vậy phá thai trên sẹo mổ cũ nguy hiểm như thế nào thưa bác sĩ?
Phá thai trên sẹo mổ cũ nguy cơ cao hơn rất nhiều so với phá thai ở bệnh nhân sinh thường: nguy cơ tổn thương sẹo mổ cũ trong thủ thuật, nguy cơ thủng tử cung, nguy cơ băng huyết… đó là chưa kể phá thai ở những bệnh nhân chửa vết mổ. Với trường hợp chửa vết mổ đôi khi chảy máu nhiều quá có thể ảnh hưởng cả đến tính mạng của bệnh nhân.
Xin cảm ơn bác sĩ!