Mẹ đừng bao giờ có suy nghĩ rằng sinh mổ sẽ đỡ đau hơn sinh thường.
Sinh nở là việc trọng đại trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, vì vậy tâm lý lo lắng của các mẹ bầu khi gần đến ngày dự sinh là không thể tránh khỏi. Những lo lắng này lại càng tăng cấp độ lên nhiều lần khi mẹ nghe ai đó nói rằng sinh mổ sẽ bớt đau hơn hay cẩn thận khi bị vỡ ối mà chưa có cơn đau... Trên thực tế có rất nhiều lời đồn đại về quá trình sinh nở không có cơ sở khoa học. Vì vậy mẹ cần kiểm định thông tin và không nên vướng phải những sai lầm dưới đây:
La hét sẽ giúp mẹ giảm đau
Sự thật: Các mẹ thường truyền tai nhau rằng việc la hét khi chuyển dạ sẽ khiến mẹ bớt đau đớn hơn, tuy nhiên thực tế không phải như thế. La hét lớn thậm chí còn khiến mẹ bị mất sức và đầy hơi do nuốt khí nhiều. La hét cũng khiến mẹ ăn uống kém và dẫn đến tình trạng mất nước, nôn ói, khó đi tiểu. Tốt hơn cả, mẹ hãy cố gắng làm theo những hướng dẫn của bác sĩ và cố gắng chịu đau trong mức có thể.
Sinh thường đau hơn sinh mổ
Sự thật: Rất nhiều mẹ hiện đại chọn cách đẻ mổ thay vì đẻ thường để bớt phải chịu những cơn đau chuyển dạ. Tuy nhiên, những cơn đau do co tử cung sau đẻ mổ thì không thể tránh khỏi đâu các mẹ nhé. Hầu hết các mẹ đã từng sinh mổ đều cho biết những cơn đau do co tử cung sau sinh vô cùng dữ dội. Nguyên tắc của việc sinh nở là tử cung sẽ trải qua những cơn co để thúc em bé ra ngoài và sẽ co tiếp để tử cung nhỏ dần lại. Những cơn đau này có thể sẽ khiến mẹ đẻ mổ bị sốc do không phải đối mặt với cơn đau chuyển dạ.
Đẻ mổ không có nghĩa là mẹ sẽ không đau đớn. (ảnh minh họa)
Tử cung mẹ lớn dần trong 40 tuần thì cũng không thể nhỏ ngay sau 1-2 ngày. Thông thường, mẹ sẽ đau dữ dội trong 2-3 ngày, tử cung sẽ mất ít nhất từ 4-6 tuần để trở về với kích thước ban đầu.
Với mẹ đẻ mổ sẽ cảm nhận những cơn đau do co tử cung mạnh mẽ hơn là bởi mẹ phải chịu đựng cả sự đau đớn từ vết đẻ mổ. Hai nỗi đau này gộp lại chắc chắn sẽ nặng nề hơn nhiều so với mẹ đẻ thường.
Mẹ vỡ ối sớm, con sẽ bị ngạt
Sự thật: Thành phần chính của nước ối là nước tiểu của thai nhi và một phần nhỏ khoáng chất, nguyên tố vi lượng và hormone tăng trưởng, chức năng chính của nước ối là để ngăn chặn bào thai khỏi bị tác động bên ngoài, giảm xóc cũng như duy trì thân nhiệt ổn định cho thai nhi. Chúng ta đều biết nước ối không phải để cung cấp oxy cho thai nhi vì vậy sau khi nước ối bị vỡ, không có nghĩa là oxy và chất dinh dưỡng sẽ không đến được với bé và em bé sẽ bị ngạt.
Mẹ không nên quá hoảng sợ khi bị vỡ ối tại nhà. Hãy bình tĩnh gọi điện cho bác sĩ bởi có thể mẹ sẽ sinh con trong vòng 24 giờ tới.
Sinh thường sẽ làm mẹ đi tiểu mất kiểm soát
Sự thật: Các mẹ có thể đã từng nghe nói việc sinh thường có thể gây tổn thương lên bàng quang và dây chằng khiến mẹ đi tiểu không kiểm soát? Tuy nhiên điều này không đúng sự thật.
Khi mang thai, tử cung của mẹ lớn dần cộng với việc tăng cân sẽ chèn ép đến bàng quang gây ra tình trạng són tiểu hoặc tiểu không kiểm soát. Việc dây chằng bị giãn khi mang bầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc này. Tuy nhiên đây là hiện tượng hết sức bình thường và sau khi sinh 1-2 tháng, bàng quang sẽ trở lại làm việc bình thường. Các mẹ không nên lo lắng quá về vấn đề này để làm lý do đắn đo khi chọn đẻ thường.
Không được ăn khi đau đẻ
Sự thật: Khi đau đẻ, những cơn co thắt có thể sẽ khiến mẹ không muốn ăn uống gì tuy nhiên điều đó không có nghĩa là mẹ bầu không được ăn uống gì. Lời khuyên của các chuyên gia là khi những cơn đau đẻ đến ở giai đoạn đầu, mẹ vẫn nên ăn uống để đảm bảo đủ năng lượng chiến đấu với những cơn đau. Tuy nhiên, mẹ nên ăn uống nhẹ nhàng, không được uống rượu, bia hay ăn đồ ăn có chứa chất kích thích.
Vào giai đoạn 2 khi chuyển dạ, mẹ nên ăn những thực phẩm carbohydrate thay vì protein và chất béo để tránh gây đầy bụng, buồn nôn, nôn ói. Những thực phẩm này cũng cung cấp năng lượng nhanh hơn cho cơ thể. Những thực phẩm dễ tiêu hóa là bánh ngọt, bánh mỳ, cháo.
Khi đau đẻ, mẹ cũng vẫn cần uống nước vì trong quá trình này sẽ khiến mẹ đổ nhiều mồ hôi. Mẹ cũng nên uống thêm sữa để có thêm năng lượng nhé.