Ban đầu, người đàn ông 54 tuổi rất ngạc nhiên khi có hai người liên lạc cho biết ông là cha họ.
Andy Waters (54 tuổi, sống tại Anh) là một người đàn ông bình thường đang nuôi hai con như bao người cha khác. Vậy nhưng có một ngày, bỗng dưng có hai người liên lạc và cho biết ông là cha ruột của họ. Lúc này bí mật của Andy mới bị tiết lộ.
Ông Andy là một người hiến tinh trùng "kỳ cựu" suốt 35 năm qua. Từ khi 19 tuổi, chứng kiến gia đình người bạn gặp nhiều khó khăn vì vô sinh, ông quyết định đi hiến tinh trùng và duy trì điều đó sau nhiều năm. Theo thống kê, đến nay ông đã có tới 110 người con về mặt sinh học.
Ông Andy là một người hiến tinh trùng năng nổ suốt 35 năm qua.
Hai người con tìm đến Andy nhờ sử dụng bộ xét nghiệm DNA tại nhà sau đó đối chiếu với thông tin trên một trang web gia phả. Ban đầu, ông Andy khá bất ngờ khi có người đến nhận cha. Vậy nhưng sau đó, ông vui vẻ chấp nhận việc mình không thể là người hiến tinh trùng nặc danh được nữa và thậm chí còn giới thiệu những người con sinh từ tinh trùng của mình cho những con ruột ông nuôi nấng.
"Chỉ đến khi có con và nuôi con, tôi mới cân nhắc việc con cháu mình liên lạc với mình sẽ quan trọng thế nào. Tôi nghĩ những người hiến tinh trùng hay trứng như tôi cũng không còn cơ hội nặc danh nữa. Đã đến lúc để cho những đứa trẻ của chúng ta biết chúng đến từ đâu, trước khi chúng phải tự đi tìm và ghét chúng ta vì điều đó", ông Andy chia sẻ. Ông cũng đã chủ động cập nhật thông tin cá nhân của mình lên các trang web gia phả và hoan ngênh những người con khác đến gặp mặt nếu muốn.
Ông có tới 110 người con về mặt sinh học.
Năm 2005, luật pháp Anh cho phép những đứa trẻ được thụ thai nhờ tinh trùng/ trứng hiến tặng có thể nhận thông tin về cha/mẹ mình khi được 18 tuổi. Thế nhưng kể cả trước khi luật cho phép, danh tính của người hiến tặng có thể dễ dàng được tìm thấy thông qua các trang web, theo Cơ quan Phôi học và Sinh sản người (HFEA).
HFEA cho biết, từ năm 2010 đến nay, số người yêu cầu được biết danh tính cha mẹ ruột tăng 200%. Chủ tịch của HFEA, bà Sally Cheshire nói: "Chúng tôi đang làm việc với trang web này, muốn họ nêu rõ trên website những rủi ro có thể gặp khi sử dụng dịch vụ đối chiếu DNA, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn để hỗ trợ người dùng của họ".
Năm 2016 có 3 triệu người sử dụng bộ xét nghiệm DNA tại nhà, hiện tại lên đến 30 triệu, dự tính đến năm 2021 sẽ có 100 triệu người dùng. Bà Sarah Norcross, Giám đốc tổ chức từ thiện Progress Educational Trust, nói: "Đây là lời cảnh tỉnh cho những người liên quan đến việc hiến tặng trứng/tinh trùng. Người hiến tặng không thể ẩn danh nữa. Điều quan trọng bây giờ là hỗ trợ một cách phù hợp và đầy đủ cho những người bị ảnh hưởng".