Ăn dứa khi mang thai có an toàn không đang là thắc mắc chung của nhiều mẹ bầu.
Hiện tại đang là mùa dứa chín rộ nên được bày bán khắp nơi với giá thành "rẻ bèo". Loại quả có vị chua chua, ngọt ngọt lại thơm ngon này rất được lòng các chị em. Trong khi đó nhiều mẹ bầu lại thắc mắc việc ăn dứa có an toàn trong thai kỳ không. Nguyên nhân là bởi có người nói ăn dứa sẽ gây sảy thai, có người lại khuyến khích ăn để dễ đẻ. Vậy sự thực ra sao?
Dứa đang mùa chín rộ, được bán với giá thành khá rẻ. (Ảnh minh họa)
Những lợi ích của việc ăn dứa
Dứa tươi chứa đầy đủ các vitamin, enzyme và khoáng chất… là những chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể khoẻ mạnh. Dứa có nhiều lợi ích cho sức khỏe như sau:
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Lượng enzim bromelain trong dứa có lợi cho quá trình tiêu hoá và đảm bảo trung hòa được lượng axit. Bromelain phá vỡ liên kết protein và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Đồng thời điều tiết tuyến tụy để hỗ trợ trong quá trình tiêu hóa.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Dứa chứa vitamin C giúp tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch cho mẹ bầu. Ngoài ra, chất bromelain trong dứa cũng có tác dụng chống lại những triệu chứng cảm lạnh thông thường.
- Tốt cho sức khỏe tim mạch: Nước dứa ép cải thiện lưu thông máu, tốt cho sức khỏe tim mạch và đảm bảo lưu lượng máu trong hệ thống tuần hoàn. Thêm nữa, bromelain trong dứa làm loãng máu giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh tim mạch khác.
- Giảm nguy cơ cao huyết áp: Nước dứa ép làm giảm huyết áp do chứa đầy đủ kali và ít natri. Tỷ lệ này của kali và natri là cách tốt nhất để chống lại bệnh cao huyết áp. Một cốc nước ép dứa chứa khoảng 1 mg natri và 195 mg kali.
- Giúp chắc khỏe xương: Dứa có nhiều mangan là chất tốt trong việc duy trì xương khỏe mạnh. Một cốc nước ép dứa chứa khoảng 73% lượng mangan cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Dứa giúp phát triển xương ở giai đoạn trẻ và tăng cường cho xương khoẻ mạnh ở giai đoạn khác.
Dứa có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Bà bầu có nên ăn dứa không?
Thạc sĩ, bác sĩ Vương Thị Hồng Thúy (Phòng khám Đa khoa Quốc Đạt) khẳng định, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh hay làm rõ việc bà bầu ăn dứa có thể gây sảy thai. Bởi, bất cứ loại quả nào cũng an toàn đối với sức khỏe của mẹ và bé khi được sử dụng ở mức độ hợp lí. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu mang thai, sản phụ cần hạn chế ăn dứa với liều lượng quá nhiều.
“Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên ăn hoặc uống quá nhiều nước dứa. Bởi, dứa có chứa enzyme bromelain gây kích thích cổ tử cung, dẫn tới các cơn co thắt tử cung. Đặc biệt, dứa xanh có tỉ lệ chất bromelain rất cao, khi mang bầu những tháng đầu ăn khoảng 7 quả/ngày dứa xanh dễ khiến sảy thai”, bác sĩ Thúy cho hay.
Ngoài ra, mẹ bầu ăn dứa nhiều có thể gây ra tiêu chảy và ợ nóng do dứa chứa nhiều axit gây ợ nóng. Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung dứa với lượng vừa đủ để tránh những tác dụng ngược.
Mặc dù dứa không tốt cho thai phụ những tháng đầu nhưng ở tháng cuối thai kỳ lại có lợi cho việc chuyển dạ và sinh nở. “Từ tuần 38 trở đi, khi em bé sẵn sàng ra ngoài thì mẹ bầu có thể ăn dứa nhiều hơn một chút để việc sinh đẻ được dễ dàng. Lúc này, enzyme bromelain trong dứa sẽ giúp làm mềm cổ tử cung của thai phụ”, bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Bà bầu nên ăn dứa với lượng vừa phải. (Ảnh minh họa)
Những lưu ý cho mẹ bầu khi ăn dứa
Như vậy, mẹ bầu không cần thiết phải "kiêng" hoàn toàn dứa khi mang thai mà cần lưu ý ăn với lượng vừa phải. Đặc biệt, mẹ mang thai nói riêng và mọi người nói chung không nên ăn hoặc uống nước ép dứa chưa chín vì có thể ngây ngộ độc.
“Đối với bà bầu có cơ địa dị ứng, nên bổ sung dinh dưỡng từ dứa bằng cách sử dụng dứa đã qua chế biến như xào, nấu canh. Vì, dưới tác dụng của nhiệt, khả năng gây dị ứng của dứa sẽ không còn”, bác sĩ Thúy đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, khi ăn dứa mẹ bầu nên bỏ qua phẫn lõi dứa vì chúng có thể hình thành những búi xơ trong thành ruột. Khi ngọt dứa phải gọt vỏ sâu, cắt hết mắt dứa. Gọt xong nên ăn ngay, không nên mua những miếng dứa gọt sẵn đựng trong túi ni long đã lâu.