Thai tuần thứ 37 bị ra máu, chị Ngân bắt đầu trông chờ cơn chuyển dạ đau đẻ hay vỡ ối nhưng mãi không thấy. Bầu tháng cuối nhưng chị vẫn khoẻ “phây phây”, và tự thú nhận “chơi nhảy dây vẫn được”.
Chị Bích Ngân 29 tuổi, ở Tiền Giang lần đầu làm mẹ với rất nhiều cảm xúc. Ngay từ những ngày đầu mới cấn thai, chị lắng nghe những thay đổi trong chính cơ thể của mình. Thai kỳ của chị diễn ra khá suôn sẻ, đến tuần thứ 39 đi đẻ nhưng chị vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ, lên bàn mổ chị vẫn nghĩ là đang mơ vì mọi thứ đến quá nhanh. Rất may mắn em bé và mẹ đã “vượt cạn” thành công và khỏe mạnh.
Chị Ngân tiết lộ, cả thai kỳ chị và em bé rất khỏe mạnh.
Cả thai kỳ tăng đúng 11kg, sát ngày sinh nằm chờ đau bụng, rỉ ối vẫn không thấy
Chị Ngân kết hôn năm 2015, sau đám cưới do muốn tập trung lo công việc ổn định nên chưa có ý định có con. Vì kế hoạch nên không ít lần chị bị hàng xóm dòm ngó tung tin hai vợ chồng khó có con. Ba năm sau ngày về chung một nhà thì em bé đến với gia đình nhỏ. Trước lúc mang bầu chị rất lo lắng khi nghe mọi người than vãn có con sẽ xuống sắc, xấu, mệt mỏi trăm bề, rất may mắn là khi mang bầu, chị Ngân không bị ốm nghén, da dẻ không những xấu đi mà con đẹp hơn thủa con gái.
Được biết, trước lúc mang bầu chị vốn dĩ đã ăn ít nên lúc mang bầu vẫn giữ nguyên chế độ ăn, chủ yếu bổ sung thêm sữa và trái cây nên tăng cân cũng trung bình. Cả thai kỳ chị tăng vỏn vẹn 11kg. Mẹ bỉm sữa thú nhận vì tăng cân không nhiều nên cơ thể không bị phá tướng. Lúc bầu tháng 5 đi đám cưới nhà bà con, nghe chị có bầu mọi người không tin còn tưởng chị nịch bụng mặc váy. Có lẽ vì bầu nhỏ nên đến tháng thứ 8 đi siêu âm thai lễ tân của phòng khám còn hỏi "chị bị gì mà đi khám phụ khoa?".
Tuy nhiên đến tuần 39 nhưng chị vẫn không cảm nhận được các dấu hiệu chuyển dạ.
Là người chăm chút kỹ lưỡng cho sức khỏe thai kỳ và cơ thể. Từ tháng thứ 4 chị đã bắt đầu thoa dầu nên cho đến khi đi sinh bụng vẫn không hề bị rạn da. “Da bụng trắng đẹp hơn cả lúc chưa bầu. Mang bầu đôi lúc bụng sẽ ngứa nhẹ những lúc như vậy mình thoa dầu dừa sẽ làm da êm lại
Xem ra thì hành trình từ lúc mang bầu đến lúc sinh của mình khá may mắn và khoẻ hơn nhiều so với mọi người. Trước lúc có bầu e thuộc tạng người mảnh khảnh yếu xìu thôi, nhưng chẳng hiểu sao mang bầu cứ khoẻ phây phây. Nếu những bà mẹ mang thai tới tuần 39 là đã đi đứng khép nép nặng nề còn chị thì đến những tháng cuối vẫn đi như chạy, bước nào sải rộng bước đó” – mẹ 9X tâm sự.
Đến tuần thai thứ 37, khi đã gác lại mọi công việc để chuẩn bị cho việc sinh đẻ, chị Ngân thấy có dấu hiệu ra máu. Tức tốc đi khám bác sĩ cảnh báo khi nào có cơn đau 10 phút 3 lần thì nhập viện ngay. Từ lúc đó chị bắt đầu trông chờ cơn đau đẻ hay dấu hiệu chuyển dạ khác như rỉ ối, vỡ ối nhưng vẫn không thấy. Chồng chị đi làm xa sợ vợ nửa đêm chuyển dạ nên hầu như ngày nào anh cũng chạy 72km đi làm từ Sài gòn về Tiền giang.
Tái khám được thông báo cạn ối, bác sĩ mổ bắt em bé ra trong vòng “một nốt nhạc”
Đến tuần 39 chị vẫn chưa có dấu sinh, cận kề ngày “lâm bồn” nhưng chị Ngân thú nhận “vẫn khỏe phây phây, chơi nhảy dây vẫn được”, trông chờ mòn mỏi hai vợ chồng từng có ý định xin mổ chủ động. Nhưng vì bác sĩ khám tư vấn đầu em bé tuột xuống rất rất thấp, khung xương chậu chị cũng nở nang tốt, sinh thường sẽ rất nhanh nên động viên chị cứ đợi mong được sinh thường cho tốt mẹ khoẻ con.
Bác sĩ liền siêu âm và thông báo chị cạn ối, phải mổ bắt con ra ngoài gấp.
Chưa xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ nên chị Ngân xin bác sĩ không nằm lại bệnh viện, trở về nhà trong nỗi lo lắng, nằm chờ cơn đau đẻ. Tuy nhiên, mãi tận 3 ngày sau chị vẫn khỏe re, đi đứng ào ào như người không mang bầu.
Vì bất an nên chị tái khám, sau siêu âm chị hết hồn khi được bác sĩ thông báo cạn ối phải mổ gấp. Để đảm bảo sự an toàn cho mẹ và bé, bác sĩ quyết định phẫu thuật bắt con. Nhớ lại thời khắc trước ngày sinh, chị Ngân nói: “Nhớ đêm trước ngày sinh dấu hiệu duy nhất khiến mình cảm nhận rõ nhất là khát nước. Mình uống nước cả đêm nhưng rất ít đi tiểu, vừa uống xong là lại thấy khát, có thể nói tốc độ khát nước rất kinh khủng”.
Trong phút chốc, em bé nhanh chóng chào đời và được da kề da với mẹ.
Gấp rút nhập viện chị Ngân không kịp mang theo đồ sau sinh cho mẹ và bé mà phải gọi điện nhờ người nhà xách lên sau. Chị được đo điện tim và khám tổng quát, chưa đầy 30 phút thì mọi thủ tục hồ sơ sinh được hoàn tất.
Nằm yên vị trên bàn mổ nhưng chị Ngân vẫn chưa thực sự tin là mình đang đi đẻ, chị từng tâm sự với các mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội rằng, đó là cảm giác lâng lâng, không biết là đang mơ hay thật. Vì chưa chuẩn bị tinh thần đi đẻ. “Khi thuốc gây tê vẫn chưa kịp ngấm vào cơ thể thì trong vòng một nốt nhạc mình đã nghe tiếng em bé khóc thật to “Oe oe”, sau đó dáo dác đưa mắt tìm con và liền được kề da trong ngập tràn nước mắt của hạnh phúc” – mẹ 9X chia sẻ.
Em bế chào đời là niềm hạnh phúc của gia đình chị Ngân.
Mổ xong chị được đưa về phòng hồi sức. Hai tiếng sau hết thuốc tê chân chị đã có thể cử động nhẹ trên giường. Sang ngày hôm sau đã có thể xuống giường đi lại được. Ngày thứ 2 chị đã bắt đầu chăm con thay tã cho con bú. Ít ai có thể nghĩ một người phụ nữ có địa yếu lại trải qua một hành trình thai kỳ và sinh con nhẹ nhàng như vậy.
Mẹ bỉm sữa Tiền Giang nhắn nhủ, các mẹ mang bầu nên giữ tâm lý thoải mái nhất để con được khoẻ mạnh, càng về cuối thai kỳ nên thăm khám thường xuyên. Chị cũng không quên cảnh báo đến các trường hợp cạn ối tương tự như mình mắc phải, đấy là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm, rất may mắn được đi khám kịp thời, nếu chậm trễ có lẽ giờ đây đã phải ngồi ôm hận.