Khi các bác sĩ quyết định mổ bụng người mẹ để phẫu thuật cho thai nhi 21 tuần tuổi mắc dị tật, một cánh tay yếu ớt đã bất ngờ giơ lên.
Năm 1999, truyền thông toàn thế giới “run rẩy” vì một bức ảnh thai nhi 21 tuần tuổi nắm chặt ngón tay bác sỹ được chụp trong phòng phẫu thuật. Bức ảnh với tựa đề “Hand of Hope” khi ấy đã gây chấn động toàn thế giới, là biểu tượng mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt và nghị lực sống phi thường của loài người – ngay từ khi mới chỉ là bào thai trong bụng mẹ.
Thai nhi 21 tuần tuổi trong bức ảnh nắm chặt ngón tay bác sĩ gây chấn động thế giới.
Theo đó, vào ngày 19/8/1999, đội ngũ y bác sĩ thuộc Bệnh viện Đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ đã tiến hành ca phẫu thuật cho sản phụ Julie Armas, khi đó đang mang thai ở tuần thứ 21. Thai nhi trong bụng Julie được chẩn đoán mắc dị tật nứt cột sống do không phát triển đầy đủ dây thần kinh từ phôi thai.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng, vợ chồng cô Julie cùng các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho Samuel ngay trong tử cung của mẹ.
Trong quá trình tiến hành phẫu thuật, một hiện tượng vô cùng kỳ lạ đã xảy ra khi bàn tay của thai nhi đưa ra khỏi bụng mẹ và nắm lấy ngón tay của bác sĩ. Nhiếp ảnh gia Micheal Clancy có mặt khi đó đã ghi lại khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng này.
Cho đến hôm nay, đây vẫn được coi là bức ảnh huyền thoại của lịch sử nhân loại. May mắn thay, ca phẫu thuật thành công và sau đó, gần 4 tháng sau, ngày 2/12/1999, cậu bé Samuel Armas chính thức chào đời, bất chấp những khiếm khuyết trên cơ thể mình.
Samuel đã lớn lên khỏe mạnh và lạc quan.
Dưới sự nuôi dưỡng, bao bọc của gia đình, cậu bé Samuel lớn lên từng ngày và sống một cuộc đời ý nghĩa. Bất chấp việc phải lệ thuộc vào xe lăn, Samuel hiện nay đã 17 tuổi, vẫn cực kỳ yêu thể thao và là một thành viên trong đội bóng rổ trường Trung học Alexander.
Cuộc sống đầy nghị lực và lạc quan của cậu bé khiếm khuyết về cơ thể nhưng không khuyết tật về tâm hồn khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hình ảnh của Samuel khi được 9 tuổi.
Và bây giờ là 17 tuổi.