Vợ chồng anh Đặng Văn Bắc và chị Nguyễn Thị Diện cưới nhau đã 14 năm. Có lúc anh chị nghĩ mình không thể có con được nữa thì bất ngờ hạnh phúc đã đến...
Hai cháu Bằng và My - con của anh Bắc - được giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên bế
Anh Bắc trú tại Đại Từ, Thái Nguyên tâm sự, cảm xúc của anh khi đón hai đứa con mình mong đợi 14 năm nay, là niềm hạnh phúc không thể nào tả được.
Anh Bắc sinh năm 1979, vợ anh sinh năm 1984. Anh chị cưới nhau nhưng mấy năm liền không có con. Cả hai đã cùng nhau đi cắt thuốc nam, rồi uống thuốc nọ thuốc kia, nhưng tin vui vẫn không về.
Anh Bắc đưa vợ xuống Hà Nội khám, bác sĩ chẩn đoán chị Diện bị tắc hai vòi trứng. Hai vòi trứng dính liền và rất khó có thể có con. Lúc đó, bác sĩ đã tư vấn cho vợ chồng anh thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, do chi phí đắt, gia đình không có điều kiện nên vợ chồng anh Bắc lần lữa mãi.
Sau này, anh chị cũng vào Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra nhưng bác sĩ trong đó cũng chẩn đoán như bác sĩ ngoài Hà Nội. Tuyệt vọng vì không còn cách nào khác để có thể có con, vợ chồng anh Bắc cố gắng làm ăn tích cóp, dành tiền để thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ Hà Hải Bằng, người mổ cho sản phụ Diện
Ở quê anh, cái từ "thụ tinh trong ống nghiệm" còn rất mới lạ. Anh cũng đi tham khảo ở một vài nơi song ở đâu chi phí cũng đắt. Sau đó, anh về Thái Nguyên, chọn bệnh viện tại quê nhà, làm thụ tinh trong ống nghiệm. Đó cũng là cách anh tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở.
Lần đầu tiên trộn phôi và bơm phôi vào buồng tử cung. Vợ chồng anh “nín thở” cầu mong phép màu.
Đến khi chị Diện mang thai ở tuần thứ 6, anh chị mới tin đó là sự thật. Anh Bắc và vợ biết được tầm quan trọng của việc giữ gìn những đứa con thân yêu của mình nên thời gian này vợ anh cũng làm ít việc mà chăm sóc thai nhi thật tốt, đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và con.
Để chào đón đứa con của vợ chồng anh sau 14 năm hiếm muộn, cả họ nội, ngoại nhà anh Bắc đã đến viện từ 5h sang để đón bé.
Tuy nhiên, ở những tháng cuối của thai kỳ, chị Diện phát hiện bị nhau tiền đạo trung tâm. Đây là một bệnh lý sản khoa nguy hiểm bởi nhau tiền đạo trung tâm có thể dẫn đến tai biến sản khoa cũng như việc truyền chất dinh dưỡng cho bé bị hạn chế.
Những ngày gần được làm mẹ, vợ chồng anh Bắc càng lo lắng hơn về bệnh lý này. Sau khi cân nhắc, vợ chồng anh chị quyết định mổ sinh bắt con vào ngày 4/12.
Ca mổ của chị Diện được các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Theo BSCK II Hà Hải Bằng – Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên - trường hợp của chị Diện bị bệnh lý nhau tiền đạo trung tâm, đây là bệnh lý nguy hiểm trong sản khoa vì có thể nguy hiểm tới cả bà mẹ và thai nhi.
Các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn máu cũng như thử sẵn đường truyền nếu ca mổ có vấn đề gì, bác sĩ sẽ tiến hành xử lý ngay lập tức. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, ca mổ của chị Diện thành công. Hai cháu bé lần lượt ra đời trong niềm xúc động vô bờ bến của gia đình và các bác sĩ tại Bệnh viện. Cháu gái nặng 2,8 kg, cháu trai nặng 2,7 kg.
Anh Bắc cho biết anh sẽ đặt tên con là Bằng và My - là tên hai vị bác sĩ đã đưa các bé đến với vợ chồng anh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.