Theo bác sĩ Hoàng Thúy Hải, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh có hiện tượng ho "mọc tóc" khi mang bầu.
Độc giả Diệu Hà (Bắc Ninh) tâm sự: “Hiện tại em đang mang thai tháng thứ 5 rồi các chị ạ. Từ ngày bầu bí em không bị ốm nghén nhiều nên ăn uống tốt thế nhưng em lại mắc chứng hay bị cảm cúm, ho. Hình như khi có bầu sức đề kháng kém nên em rất dễ bị ho. Chỉ cần trời đang nắng chuyển sang mưa là em "dính" luôn. Tình trạng bệnh càng nặng nề hơn trong khoảng 1 tháng nay do trời chuyển sang tiết thu lạnh”.
Trước tình trạng ho kéo dài dễ đến cả tuần, có lúc nước mắt nước mũi giàn dụa, có lần còn bị són tiểu do ho nặng quá, nhưng bà bầu này không đi khám vì theo lời một số người đó là giai đoạn bé mọc tóc trong bụng.
“Thế nhưng bệnh tình thì mãi không khỏi. Em định sử dụng đến mấy bài thuốc dân gian như quất hấp mật ong hay ăn lá húng quế nhưng mẹ chồng lại bảo em lắm chuyện, ho mọc tóc là vấn đề bình thường, 1-2 tuần sẽ khỏi”, độc giả này than vãn.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Thúy Hải (Chuyên khoa Nội - Nhi) cho biết, tháng thứ 4 và tháng thứ 5 của thai kỳ có hiện tượng ho mà nhiều người truyền tai nhau là ho mọc tóc, trên thực tế đó là quan niệm của dân gian mà thôi còn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này.
Ho mọc tóc chỉ là quan niệm dân gian mà thôi, trên thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. (ảnh minh họa)
Cũng theo bác sĩ Hải, hiện tượng ho có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu người mẹ không giữ gìn cơ thể dẫn đến bị nhiễm lạnh, cảm cúm, viêm họng, ngoài ra giai đoạn mang bầu sức đề kháng giảm nên dễ bị ho. Có nhiều kiểu ho do viêm phế quản, ho do viêm amidan… cho dù ho dạng nào cũng cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
“Ho có thể gặp bất cứ lúc nào nếu không chú ý bảo vệ cơ thể. Thời kỳ mang thai sức đề kháng giảm, nếu bà bầu không ăn đủ dinh dưỡng hay bảo vệ cơ thể thì dễ bị ốm hoặc lạm dụng đá lạnh gây viêm họng, đi giữa trời lạnh không giữ ấm cơ thể. Ho mọc tóc mà mọi người quan niệm hay truyền tai nhau diễn ra vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ có thể là do, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhiều bà bầu bị ốm nghén nên nôn nhiều, ăn ít, khiến giảm cân, sức đề kháng giảm sút nên dễ bị nhiễm các vi khuẩn, virus dẫn đến ho”, bác sĩ Hoàng Thúy Hải nhận định.
Khi bị ho, nếu do virus thì cơ thể sẽ tự khỏi. Bên cạnh đó có thể dùng lá hẹ hấp mật ong, hung chanh, mật ong hấp quất hoặc mật ong hấp với hồng bì để hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, Bác sĩ Hải cũng chỉ rõ: “Dùng các cách dân gian này chỉ đỡ một phần mà thôi và áp dụng với trường hợp viêm họng nông. Còn nếu viêm phổi, viêm phế quản hay viêm họng sâu thì không có tác dụng. Với người mang bầu, khi cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng cần thăm khám bác sĩ”.
Để tăng cường sức đề kháng cần tăng cường ăn thêm rau quả tươi, đây là những thực phẩm giàu vitamin. Theo bác sĩ Hải, tất cả các loại vitamin đưa vào cơ thể qua thực phẩm là tốt nhất. Bởi vì, đó là vitamin tự nhiên, độ hấp thụ là tốt nhất. Bất cứ vitamin nào cũng quan trọng nhưng mỗi loại vitamin chỉ cần một lượng nhất định, nếu quá ngưỡng cũng không tốt cho cơ thể.
Còn với vitamin dưới dạng hợp chất hay thuốc không nên lạm dụng, vì có những loại vitamin khi dùng thừa còn nguy hiểm hơn thiếu. Ví dụ như vitamin A, phụ nữ có thai nếu dùng quá liều sẽ gây dị tật thai nhi. Khi có bầu, nếu uống bất cứ loại thuốc nào (kể cả thuốc bổ) cũng cần sự hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.