Mẹ bầu gần kề ngày sinh nên theo dõi hướng dẫn cách rặn đẻ dưới đây để có cuộc sinh thuận lợi, an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Vì sao thai phụ cần được hướng dẫn cách rặn đẻ?
Nếu bạn nghĩ rằng chuyện sinh đẻ là bản năng của người phụ nữ cho nên không cần học họ cũng biết tự biết cách đẻ thì bạn đã sai rồi. Trong quá trình chuyển dạ sinh con, nếu thai phụ biết cách rặn đẻ đúng phương pháp sẽ giúp bác sĩ đỡ đẻ bớt vất vả trong ca sinh, quan trọng hơn là giúp cuộc sinh diễn ra nhanh chóng, tránh được các biến chứng như mẹ mất sức, bé bị ngạt vì ở trong bụng mẹ quá lâu, tổn thương đường sinh dục, băng huyết sau sinh.
Việc học cách rặn đẻ cần được thực hiện từ sớm chứ không phải khi thai phụ bắt đầu vào cuộc sinh. Bạn có thể tập luyện dần bằng cách ghi nhớ những hướng dẫn cách rặn đẻ của chúng tôi.
Bước vào giai đoạn chuyển dạ nghĩa là bé sắp được gặp bố mẹ sau 9 tháng 10 ngày chờ mong. Qúa trình chuyển dạ thường gồm 2 giai đoạn:
Rặn đẻ đúng cách giúp cuộc sinh diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
- Giai đoạn 1: Mẹ bầu đau bụng từng cơn, đầu tiên chỉ là những cơn đau nhẹ rồi hết đau, rồi cơn đau lại quay lại cứ như thế từng nhịp. Lúc này cổ tử cung sẽ mở từ 1-3 cm. Đến khi thai phụ thấy những cơn đau dữ dội hơn, kéo dài hơn là cổ tử cung đang mỏng dần và mở 4-9cm.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn sổ thai, cổ tử cung mở gần hết 10 cm. Bác sĩ sẽ gắn thiết bị trên bụng sản phụ để theo dõi tim thai và cơn gò tử cung. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ điều chỉnh cơn gò tử cung cho phù hợp với từng giai đoạn chuyển dạ.
+ Nếu cơn gò tử cung thưa, yếu: Pha loãng oxytocin với dịch truyền tĩnh mạch để cơn gò mạnh lên.
+ Cơn gò nhiều, mạnh: Nếu không có dấu hiệu bất lợi, có thể pha loãng thuốc chống co thắt cơ trơn với dịch truyền tĩnh mạch.
Hướng dẫn cách rặn đẻ để sinh con thuận lợi
- Tư thế nằm: Nằm cao đầu góc 45 độ, hơi nâng mông một chút, tay nắm chặt 2 càng của bàn sinh, 2 chân đạp mạnh vào giá đỡ chân, lưng thẳng áp sát vào bàn sinh.
- Việc rặn đẻ khi cơn gò xuất hiện phải được phối hợp nhịp nhàng với động tác hít thở.
- Khi thai phụ cảm nhận cơn gò tử cung đã đến, bắt đầu dùng mũi hít một hơi dài rồi từ từ thở ra đằng miệng. Từng nhịp hít thở kết hợp với động tác rặn. Khi rặn hơi dồn xuống bụng, miệng không được phát ra âm thanh nào để giữ sức.
- Sau mỗi nhịp rặn đẻ, chị em nghỉ khoảng 50 – 60 giây để lấy lại sức và sự tập trung cho cơn gò tiếp theo. Nếu rặn đẻ khi có cơn gò tử cung thì em bé mới ra dễ dàng và nhanh chóng.
- Em bé sẽ ra đời một cách tự nhiên, không cần sự can thiệp của phương pháp hỗ trợ hay dụng cụ nào nếu có sự kết hợp nhịp nhàng giữa 3 yếu tố: lực của cơn gò tử cung, lực rặn của mẹ, lực đẩy bụng của bác sĩ đỡ đẻ. Khi em bé thập thò ở cửa âm đạo bác sĩ sẽ chủ động kéo thân người, mông, chân tay của bé ra, cuộc rặn sinh kết thúc. Nếu bé quá to có thể gây kẹt thì bác sĩ phải thực hiện thủ thuật để đỡ bé một cách an toàn.
Sau bao đau đớn, mẹ vỡ òa trong niềm hạnh phúc gặp con lần đầu.
Những lưu ý thai phụ cần biết khi rặn đẻ
- Điều hòa hơi thở đều đặn, giữ tâm lý thoải mái sẽ giúp cuộc rặn đẻ thuận lợi hơn. Nếu bạn cảm thấy quá sức hãy lên tiếng yêu cầu bác sĩ trợ giúp, họ sẽ hướng dẫn lại bạn cách hít thở lấy hơi nhịp nhàng và hỗ trơ bạn điều cần thiết.
- Thai phụ sinh lần đầu thường sẽ được bác sĩ cắt tầng sinh môn để ống âm đạo rộng hơn giúp đầu bé ra dễ dàng mà không bị sang chấn, đồng thời đề phòng rách tầng sinh môn do tổn thương cơ vòng hậu môn.
- Cuộc rặn sinh của người sinh con lần đầu thường mất 30-40 phút, chia làm nhiều đợt trước thai xổ thai. Người sinh con lần kế tiếp thường mất ít thời gian hơn 20-30 phút.
- Khi bé ra đời, y tá sẽ hút nhớt ở miệng và mũi, kích thích cho bé khóc và thở đều, lau máu dính trên cơ thể rồi kẹp cắt rốn. Cuối cùng bé sẽ được nằm da kề da với mẹ ngay sau đó.
- Cuối cùng là giai đoạn sổ nhau. Các bác sĩ sẽ chủ động đỡ nhau và khâu lại vết cắt tầng sinh môn cho sản phụ.