Khi ngỏ ý muốn thuê xe riêng đi cho tiện, đỡ đông đúc chật chội trong dịp lễ, chồng tôi gạt phắt đi vì chê đắt, thậm chí còn nói: “Em không kiếm ra tiền nên không biết giá trị đồng tiền, tiêu không cần suy nghĩ gì à?”.
Vợ chồng tôi lấy nhau 4 năm, có một bé gái 20 tháng tuổi, hiện tôi đang mang thai lần 2 được 12 tuần.
Năm nay nghỉ lễ dài, vợ chồng tôi bàn nhau về quê chơi. Từ Hà Nội về quê chồng tôi là 110km. Tôi đang có bầu, lại say xe, con lớn đi xe cũng rất quấn mẹ, chỉ thích ngồi với mẹ nên mỗi lần di chuyển tôi rất mệt. Hơn nữa, nhà tôi muốn bắt xe khách thì lại phải đi bộ một đoạn rồi ra đường đứng đợi. Nắng nóng thế này nghĩ đến cảnh đó tôi cũng hoảng.
Vì thế tôi lên mạng thử hỏi đặt xe riêng thì được tài xế báo giá là 1,7 triệu đồng/chiều, đã gồm phí cao tốc. Do là ngày lễ nên giá cũng cao hơn so với bình thường một chút, nhưng tôi thấy cũng hợp lý.
Tôi nói chuyện lại với chồng xem ý anh thế nào. Không ngờ, ngay lập tức anh nói sa sả vào mặt tôi rằng tôi tiêu hoang, không kiếm ra tiền nên không biết giá trị đồng tiền.
Đang bầu bí nên tôi muốn thuê xe riêng về quê thay vì đi xe khách. (Ảnh minh họa)
“Đi ra kia bắt xe khách có trăm nghìn ngồi tí là về đến nhà, làm sao mà phải thuê xe riêng? Hai chiều xe đi về là gần 3,5 triệu đấy. Em bầu có 3 tháng chứ người ta sắp đẻ rồi vẫn đi xe khách ầm ầm”, chồng tôi nói.
Phản ứng của chồng khiến tôi vừa bất ngờ, vừa ê chề. Tôi không nghĩ anh lại tiếc vợ con vài triệu bạc về vấn đề rất thoả đáng như vậy. Kể cả anh có không đồng ý, nhưng nếu anh nói với tôi bằng cách dễ nghe hơn thì tôi cũng không thấy chua chát như vậy.
Vừa bất ngờ vừa tức giận, nhưng tôi chẳng dám nói gì vì trước giờ, tôi không làm ra tiền nên không có tiếng nói trong nhà.
Tôi trước đây cũng đi làm, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu. Nhưng sau khi sinh con lớn, vì không có ai trông con giúp nên tôi đành nghỉ việc ở nhà chăm bé. Nghĩ rằng đằng nào cũng đã nghỉ việc nên tôi sinh luôn một thể, chăm cho các con cứng cáp rồi đi làm lại sau.
Không ngờ, tôi vì chồng, vì con nhưng lại tự đẩy mình vào cảnh tầm gửi. Chồng từng nói tôi cứ ở nhà chăm con, anh sẽ lo cho mấy mẹ con. Nhưng rồi bây giờ cũng chính là anh coi thường tôi, xem tôi như kẻ ăn bám.
Mỗi tháng lương của chồng tôi được 35 triệu đồng, nhưng anh chỉ đưa cho tôi khoản tiền vừa đủ chi tiêu. Phần còn lại, anh giữ hết. Nhiều khi hết tiền, muốn mua thêm gì tôi lại phải ngửa tay xin chồng.
Tôi khổ tâm vì sự phũ phàng chồng dành cho mình. (Ảnh minh họa)
Suốt đêm đó tôi nằm khóc vì tủi nhục, tự hỏi không hiểu anh có thương vợ thương con hay không? Có lẽ chồng biết nên sáng hôm sau, anh đồng ý thuê xe riêng để về quê, nhưng anh tìm được chỗ khác có giá thấp hơn, chỉ 1,4 triệu đồng.
Tôi chán chẳng thiết gì, nói chồng muốn làm gì thì làm. Việc anh đổi ý cho thuê xe riêng về quê cũng không thể bù đắp lại tổn thương anh gây ra cho tôi. Giờ tôi chỉ mong sao sớm sinh nở, mẹ tròn con vuông, đợi con cứng cáp sẽ cho bé đi học, tôi sẽ đi làm để thoát cảnh bị chồng coi khinh này.
Những lưu ý cho bà bầu khi di chuyển đường dài bằng xe ô tô
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có thể di chuyển bằng xe ô tô nếu tình trạng sức khoẻ ổn định. Về cơ bản thì việc này không ảnh hưởng nhiều đến mẹ bầu và em bé trong bụng.
Tuy nhiên trong tam cá nguyệt đầu tiên, sự thay đổi hormone estrogen và hormone chorionic gonadotropin (hCG) làm cho mẹ bầu gặp các triệu chứng mệt mỏi, ốm nghén, buồn nôn... Khi di chuyển bằng xe ô tô có thể làm tình trạng ốm nghén nặng hơn, cơ thể mệt mỏi hơn, có nguy cơ dẫn đến một số bệnh vặt... Do đó, với mẹ bầu ốm nghén nặng, việc di chuyển đường dài không được khuyến khích.
Thời điểm an toàn nhất để mẹ bầu di chuyển đường dài bằng xe ô tô là ở tam cá nguyệt thứ 2. Đến tam cá nguyệt thứ 3, bụng bầu lớn, sức nặng của cơ thể tăng lên, các vấn đề về di chuyển nặng nhọc càng lớn hơn.
Khi cần phải di chuyển đường dài bằng xe ô tô, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được lời khuyên phù hợp; Hạn chế di chuyển trên những đoạn đường xóc, khó đi, nguy hiểm, di chuyển trong thời gian thời tiết xấu; Trước ngày di chuyển, mẹ cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc; Trước khi di chuyển cần ăn uống đầy đủ, song không nên ăn quá no, tránh để bụng quá đói, mang theo đồ ăn nhẹ lên xe; Chuẩn bị chút gừng, vỏ cam để tránh say xe; Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ để có chuyến đi thuận lợi...