Ngày dự sinh của tôi rơi đúng vào dịp nghỉ lễ 2/9 nhưng dường như chồng tôi chẳng hề sốt ruột mà vẫn hào hứng xách vali đi du lịch cùng với công ty.
Vì sắp đến ngày sinh con thứ 2 nên tôi đã làm thủ tục nghỉ thai sản tại công ty. Suốt cả tuần nằm nhà tôi rất mệt mỏi, cơ thể lúc nào cũng nặng nề và chuẩn bị tinh thần xách làn đi viện bất cứ lúc nào.
Dự sinh trùng với dịp nghỉ lễ nên tôi báo với hai bên gia đình nội ngoại sẽ không về quê, hai vợ chồng tôi ở thành phố chờ đến ngày “vỡ chum”. Con lớn tôi đã gửi về quê chơi với bà nội từ mấy hôm trước, còn bà ngoại tôi dự định khi nào vào viện sinh sẽ gọi cho bà bắt xe lên Hà Nội.
Khi tôi nói kế hoạch với chồng, anh chẳng để tâm nhưng cũng không phản đối. Đinh ninh như vậy là “chốt xong phương án”, tôi mặc định dịp lễ này hai vợ chồng ở lại “trông coi thủ đô”.
Dự sinh trùng với dịp nghỉ lễ nên tôi báo với hai bên gia đình nội ngoại sẽ không về quê, hai vợ chồng tôi ở thành phố chờ đến ngày “vỡ chum”. (Ảnh minh họa)
Bỗng nhiên, tối ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, chồng tôi đi làm về sớm hơn thường lệ. Anh ăn cơm xong thì vội vàng kéo vali chuẩn bị mấy bộ quần áo. Tôi nhìn thấy ngạc nhiên liền hỏi: “Vào viện đâu cần phải mang cả vali thế này, em chuẩn bị đủ cả rồi?”.
Chồng thản nhiên đáp: “Không, anh đi du lịch với công ty. Đợt rồi nhiều việc quá, nhóm anh chưa tổ chức đi du lịch hè được, mọi người tranh thủ đợt lễ này nghỉ tận 4 ngày để đi, vừa chơi được lâu lại đỡ tốn ngày công”.
Tôi sững sờ: “Ngày em dự sinh mà, anh quên à?”. Chồng tôi bảo: “Em đã đẻ đâu mà lo, lúc ấy khắc tính sau. Mà làm như lần đầu đi đẻ không bằng, em đẻ lần thứ 2 đấy. Lần trước anh nhớ dự sinh xong phải 4 hôm sau em mới đi sinh. Nếu vậy anh về rồi em mới đẻ, lo làm gì sớm”.
Nghe chồng nói mà tôi á khẩu luôn. Không hiểu anh nghĩ gì khi vợ sắp đến ngày lâm bồn vẫn ham vui đi du lịch với công ty được. Dù rất tức giận nhưng tôi vẫn nín một hơi thật sâu để tránh cuộc cãi vã đáng tiếc: “Em không hiểu anh nghĩ gì, biết là em sinh lần 2 nhưng trong quá trình đó có rất nhiều nguy cơ. Em không thể nào vác bụng ì ạch, đi taxi rồi xách làn quần áo, rồi làm các thủ tục đăng ký được. Phải có người thân bên cạnh chứ? Chưa kể nếu em sinh mổ vẫn phải là anh ký giấy tờ chứ?”.
Chồng tôi suy nghĩ một hồi rồi đáp: “Vậy gọi bà ngoại lên, có bà đi cùng em là được, có gì anh mua vé về ngay, giờ di chuyển nhanh, đi máy bay cũng chỉ mất hơn 1 tiếng là tới nơi rồi”.
Tôi ngân ngấn nước mắt đi vào trong phòng ngủ, vừa tức giận, vừa buồn tủi, chẳng hiểu nổi chồng tôi nghĩ gì vẫn có tâm trạng đi du lịch vào lúc này được.
Cả đêm hôm đó tôi không ngủ, nằm suy nghĩ miên man về tình cảm vợ chồng, sự quan tâm của anh dành cho tôi và các con hình như ngày càng phai nhạt. Anh dù sao vẫn đặt các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè lên trên hết. Dường như hiểu mẹ đang stress, đứa bé trong bụng cứ đạp liên hồi suốt đêm khiến tôi thêm lo lắng.
Vợ đến ngày lâm bồn, chồng vẫn du lịch nghỉ lễ cùng công ty, lại còn bảo: “Đã đẻ đâu mà lo”. (Ảnh minh họa)
Gần sáng, vì mệt quá tôi ngủ thiếp đi, đến khi tỉnh dậy đã hơn 8 giờ, chồng tôi đã đi từ lúc nào. Anh chỉ để lại một tin nhắn và kịp mua cho tôi một gói xôi ăn sáng mà thôi. Tôi nhìn căn nhà trống vắng, nhìn gói xôi chồng tôi mua vội trước khi đi lại òa khóc.
Tôi cố nén nỗi buồn, ăn một chút xôi cho đỡ đói rồi lại đi nằm. Vài tiếng sau, tôi thấy facebook chồng cùng các đồng nghiệp công ty anh tràn ngập ảnh check-in tại sân bay, tại khu nghỉ dưỡng. Chồng tôi vẫn như mọi khi, vui vẻ, hớn hở như chưa từng biết vợ vò võ một mình ở nhà chờ đến ngày sinh, đúng thật “có chồng mà chẳng khác nào cảnh mẹ đơn thân cả”.
Những dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần ghi nhớ
Thời điểm sắp sinh thường khiến các mẹ bầu lo lắng. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm chắc những dấu hiệu nhận biết khi chuyển dạ để đảm bảo quá trình sinh nở được mẹ tròn con vuông.
Quá trình chuyển dạ là gì?
Đây là quá trình diễn ra vào giai đoạn cuối thai kỳ, khi thai nhi và bánh nhau được đưa ra khỏi buồng tử cung qua đường âm đạo của người mẹ.
Lúc này, cơ thể người mẹ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: các cơ ở tử cung bắt đầu co thắt (xuất hiện các cơn gò tử cung) và khiến phần bụng trở nên cứng và cổ tử cung sẽ bắt đầu mở rộng dần. Sau đó, cơn đau ngày càng tăng dần và đều đặn; giữa các cơn co thắt là lúc tử cung thư giãn và trở nên mềm mại hơn.
Thai nhi lúc này cũng di chuyển xuống dưới vào khung chậu của mẹ từ lúc bắt đầu có cơn đau đầu tiên và kéo dài suốt khoảng thời gian khi mẹ bầu chuyển dạ. Khi cổ tử cung mở trọn 10 cm cùng với sức rặn của thai phụ, thai nhi sẽ dần lọt qua khung chậu của người mẹ.
Các dấu hiệu chuyển dạ
Ngày dự sinh có thể không chuẩn là ngày em bé chào đời, tuy nhiên khoảng thời gian này mẹ bầu nên lưu ý vì có thể đón con yêu bất cứ lúc nào. Một số dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần nắm được như sau:
Sa bụng dưới
Khi thai nhi di chuyển xuống dưới khu vực xương chậu sẽ khiến mẹ sa bụng dưới. Lúc này mẹ bầu sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và di chuyển khó khăn hơn.
Cơn gò tử cung
Đây là dấu hiệu mẹ bầu thường gặp nhất. Lúc này, thai phụ sẽ thấy bụng gò cứng lên, đau nhiều hơn và không giảm dù đã thay đổi tư thế. Tần suất các cơn gò thật sự diễn ra liên tục và đều đặn hơn, khoảng 5-10 phút sẽ xuất hiện một cơn gò kéo dài từ 30- 60 giây, sau đó tăng dần 2-3 phút có 1 cơn.
Vỡ ối
Dấu hiệu này cho thấy phụ nữ sắp sinh. Lúc này mẹ bầu sẽ có cảm giác một dòng nước chảy ra nhanh và mạnh, đột ngột tuôn ra từ đường âm đạo nhưng không hề thấy đau đớn.
Mất nút nhầy
Nút nhầy là một khối chất nhầy dày nằm tại lỗ cổ tử cung, được hoạt động như một hàng rào ngăn chặn vi khuẩn, virus và các nguồn lây nhiễm khác đi vào tử cung. Vào khoảng tuần 37- 40 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy âm đạo tiết ra chất nhầy hồng hoặc hơi đỏ, đây chính là hiện tượng mất nút nhầy cổ tử cung nhằm “dọn đường” cho trẻ chào đời.