Nhiều mẹ bầu đã từng nghe đến chuyện “lấy máu cuống rốn” của con nhưng lại chưa thực sự hiểu việc này là gì, có ý nghĩa thế nào.
Chắc hẳn mẹ bầu nào cũng từng quan tâm đến "máu cuống rốn" và "lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn" của con. Rất nhiều gia đình lựa chọn lưu trữ máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh như một hình thức mua bảo hiểm sinh học trọn đời cho con. Vậy lợi ích của những việc làm này là gì, thu thập máu cuống rốn có ảnh hưởng gì đến trẻ không…?
Máu cuống rốn là gì? Vì sao nên lưu giữ máu cuống rốn?
Máu cuống rốn là máu nằm trong mạch máu của dây rốn và bánh rau, là máu của chính trẻ sơ sinh tồn dư sau khi kẹp và cắt dây rốn.
Máu cuống rốn chứa các tế bào máu bình thường và một lượng tế bào gốc rất đa dạng như tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trung mô, các loại tế bào gốc đa năng khác.
Máu dây rốn có thể được lưu trữ trong một khoảng thời gian dài để sử dụng trong tương lai. Do đó, phương pháp này được coi như một loại bảo hiểm sinh học trọn đời.
Tế bào gốc có thể phát triển thành các tế bào máu trưởng thành, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Những tế bào gốc này hiện đang được nghiên cứu, sử dụng để điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh di truyền, bệnh do cơ quan tạo máu và bệnh miễn dịch.
Hơn nữa, khả năng ứng dụng của tế bào gốc tạo máu được lấy từ cuống rốn tương tự như tế bào gốc tạo máu được lấy từ trong tủy xương và máu ngoại vi. Do đó, lưu trữ máu cuống rốn thực chất là lưu trữ nguồn tế bào gốc quý giá phục vụ cho việc hỗ trợ, điều trị nhiều bệnh lý và rối loạn tế bào trong tương lai.
Ngân hàng máu cuống rốn là gì?
Ngân hàng máu cuống rốn là một cơ sở hoặc dịch vụ lưu trữ máu từ cuống rốn.
Có hai loại ngân hàng máu cuống rốn: Công cộng và tư nhân. Ngân hàng công cộng lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn để sử dụng cho bất kỳ bệnh nhân nào cần và thường không thu phí. Trong khi đó, ngân hàng tư nhân lưu trữ máu cuống rốn cho sử dụng cá nhân hoặc gia đình với một khoản phí.
Việt Nam đã có 6 ngân hàng Máu cuống rốn.
Máu cuống rốn được lấy khi nào?
Máu cuống rốn được thu thập ngay sau khi sinh, cho dù là sinh thường hay sinh mổ. Trong mỗi lần sinh, chỉ có một cơ hội, một thời điểm vàng để thu thập máu cuống rốn, đó là giai đoạn sau khi đẻ và trước khi sổ rau (trẻ đã ra ngoài nhưng bánh rau còn nằm trong tử cung người mẹ).
Trong một số tình huống sản khoa đặc biệt không thể thu thập ở giai đoạn trên, có thể thu thập máu cuống rốn sau khi sổ rau. Bánh rau và dây rốn khi đó sẽ được xử lý ở khu vực riêng biệt để lấy được hết lượng máu còn lại trong các mạch máu. Máu cuống rốn sau khi thu thập sẽ được xử lý hoàn hảo với nhiều kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp.
Để lưu trữ máu cuống rốn cần làm những gì?
Để lưu trữ máu cuống rốn thì trước khi sinh, người mẹ cần đến các cơ sở lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn xét nghiệm sức khỏe nhằm đảm bảo bản thân không mắc các bệnh như truyền nhiễm, ung thư, bệnh miễn dịch, nhiễm trùng và đảm bảo đủ điều kiện lưu trữ máu cuống rốn theo quy định của cơ sở lưu trữ.
Quá trình thu thập máu cuống rốn có ảnh hưởng gì đến thai nhi và sản phụ không?
Quá trình thu thập máu cuống rốn hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi. Các bước chỉ tiến hành sau khi dây rốn đã được kẹp và cắt, trẻ sơ sinh đã được tách ra khỏi mẹ và dây rốn.
Tế bào gốc máu cuống rốn được bảo quản như thế nào và lưu giữ trong bao lâu?
Máu cuống rốn sau khi được thu thập sẽ được chuyển về ngân hàng để tiến hành các bước xử lý tiếp theo, nhằm loại bỏ những thành phần thừa, gạn tách lấy tế bào gốc và lưu trữ.
Tế bào gốc sau khi xử lý được trộn với dung dịch bảo quản, hạ nhiệt độ theo chương trình đạt dưới -80 độ C, sau đó được bảo quản ở nhiệt độ -150 đến -196 độ C. Tế bào gốc sẽ được bảo tồn đầy đủ chức năng vốn có với thời gian lưu giữ lâu dài, về lý thuyết có thể lưu giữ không hạn chế về thời gian nếu khách hàng có nhu cầu.