Nhận biết sớm các dấu hiệu chuyển dạ sẽ khiến mẹ bầu bớt luống cuống khi đi sinh nở.
Trên thực tế, dấu hiệu chuyển dạ ở mỗi mẹ bầu là khác nhau và không phải ai cũng trải qua thời gian đau đẻ, sinh nở như nhau. Hãy cùng khám phá dấu hiệu chuyển dạ chung và những bước đau đẻ trước khi con yêu chính thức chào đời nhé!
Dấu hiệu chuyển dạ
Những dấu hiệu chuyển dạ thường bị nhầm lẫn với những cơn đau giả. Tuy nhiên, nếu bạn đã sắp đến ngày dự sinh thì đừng ngần ngại gọi điện cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện/phòng khám chuyên khoa sản để được kiểm tra kịp thời nhé.
Các dấu hiệu chính của cơn đau đẻ bao gồm đau bụng mạnh, co thắt thường xuyên và rò rỉ nước ối. Một số mẹ đã từng trải qua ca sinh nở cho biết cho nhận thấy chất nhầy ở cổ tử cung xuất hiện nhiều hơn trong khoảng 1 tuần trước khi sinh nở. Một số dấu hiệu khác nữa là đau lưng, vỡ ối hoàn toàn, đi tiểu thường xuyên…
Không phải mẹ bầu nào cũng có dấu hiệu chuyển dạ giống nhau. (ảnh minh họa)
Dưới đây là chi tiết những dấu hiệu chuyển dạ, chị em bầu cần ghi nhớ nhé:
Cơn co thắt thường xuyên
Khi nhận thấy những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ thì đó có thể là dấu hiệu bạn chuyển bị lâm bồn đấy. Tuy nhiên, những cơn có thắt này có thể xuất hiện trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, được gọi là những cơn đau giả (Braxton Hicks).
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ còn cách ngày dự sinh từ 1-2 tuần thì cần đặc biệt chú ý dấu hiệu này. Khi cơn co thắt mạnh mẽ (kéo dài khoảng 30 giây)và thường xuyên hơn thì ca sinh nở đã sắp bắt đầu rồi đấy. Thông thường, những cơn đau đẻ sẽ ở mức độ nhẹ, ngắn cho đến mạnh mẽ và thường xuyên hơn.
Khi các cơn co thắt xuất hiện, bụng bạn thường sẽ cứng lên và bạn dễ dàng nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
Thông thường, bác sĩ khoa sản sẽ khuyên bạn nên ở nhà cho đến khi các cơn co thắt kéo dài từ 30-60 giây và khoảng cách giữa các cơn co là 5-10 phút thì hãy đến bệnh viện (trong trường hợp nhà xa bệnh viện, sản phụ cần được đưa đến sớm hơn).
Đau lưng
Rất nhiều chị em đã từng trải qua ca sinh nở chia sẻ rằng họ bị đau lưng khủng khiếp trong 1 tuần trước khi sinh nở. Nếu bạn hay bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì trước khi lâm bồn, bạn cũng có thể sẽ bị đau lưng. Những cơn đau lưng báo hiệu chuyển dạ này âm ỉ ở lưng dưới. Đó là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đã mềm và “chín” chuẩn bị cho sự ra đời của em bé.
Một số bà bầu cảm thấy cơn đau lưng bắt nguồn từ xương chậu và đau quanh xương chậu. Sự linh hoạt giữa các dây chằng ở xương chậu (gây nên cơn đau) cho phép xương của mẹ co giãn tốt, chuẩn bị cho sự chào đời của bé.
Nếu bạn hay bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì trước khi lâm bồn, bạn cũng
có thể sẽ bị đau lưng. (ảnh minh họa)
Xuất hiện dịch nhầy
Trong thời gian mang thai, chất nhầy ở trong cổ tử cung có nhiệm vụ “đóng nắp” bọc nước ối nhưng đến những ngày cuối thai kỳ, chấy nhầy này ít dính đi và nước ối dễ dàng rò rỉ hoặc vỡ hẳn. Chất nhầy này thường có màu hồng đỏ. Chính vì vậy, trong khoảng 1 tuần trước ngày lâm bồn, chị em thường thấy âm đạo xuất hiện dịch màu hồng đỏ.
Khi thấy xuất hiện triệu chứng này chứng tỏ cổ tử cung của bạn đã bắt đầu mở và quá trình sinh nở diễn ra trong 1-2 ngày tới hoặc cũng có thể lên đến 1 tuần.
Vỡ ối
Hầu hết sản phụ vỡ ối trong quá trình sinh nở tuy nhiên có khoảng 10% số ca sẽ vỡ ối sớm hơn hoặc vỡ ối mà không có cơn đau.
Bạn có thể cảm nhận thấy một dòng nước từ trong cơ thể nhỏ giọt liên tục (rỉ ối) hoặc ào ạt không kiểm soát (vỡ ối). Lúc này hãy sử dụng một băng vệ sinh cỡ lớn và đi đến bệnh viện ngay. Vỡ ối quá lâu sẽ khiến thai nhi có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Các giai đoạn chuyển dạ
Thông thường, một người phụ nữ trải qua 3 giai đoạn chuyển dạ chính là:
Giai đoạn 1: Khi các cơn co thắt làm cho cổ tử cung dần dần mở. Giai đoạn này thường chiếm nhiều thời gian nhất.
Giai đoạn 2: là khi cổ tử cung của bạn đã hoàn toàn mở. Đây là thời điểm em bé sẽ chào đời.
Giai đoạn 3: Sau khi em bé chào đời, các cơn co thắt vẫn tiếp tục để đẩy nhau thai ra khỏi cơ thể mẹ.