Có rất nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra về những ưu nhược điểm của việc ăn thịt gà khi mang thai.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là việc sử dụng kháng sinh và kích thích tố trong chăn nuôi gà sẽ mang đến những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng loại thịt phổ biến này. Điều này đặc biệt quan trong với phụ nữ mang thai – những người cần phải cẩn thận hơn về việc nạp thực phẩm vào cơ thể.
Một tin đồn phổ biến nhất có thể kể tới là mẹ bầu ăn thịt gà sẽ làm teo dương vật của em bé nếu đó là một bé trai. Điều này có đúng không? Thông tin bắt nguồn từ đâu? Và ăn thịt gà khi mang thai có thực sự ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé?
Mẹ bầu ăn thịt gà sẽ làm teo dương vật của em bé nếu đó là một bé trai liệu có đúng? (ảnh minh họa)
Ăn thịt gà khi mang thai làm teo kích thước dương vật của bé trai?
Cứ mỗi năm, hàng ngàn người sẽ đổ về thành phố Buffalo, New York, Mỹ, để tham dự lễ hội National Buffalo Chicken Wing. Điểm đặc biệt của lễ hội này là cuộc thi ăn cánh gà. Tuy nhiên, gần đây, Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật (PETA) đã lên tiếng rằng phụ nữ mang thai bị cấm tham gia cuộc thi này. Nguyên nhân là do đã có nghiên cứu tìm ra mối quan hệ giữa thịt gà với những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe thai nhi, khiến dương vật của bé trai có thể bị teo và cả bé trai và bé gái đều có nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch khi chào đời.
Lindsay Rajt, Phó giám đốc phụ trách các chiến dịch của PETA, cho biết: “Những phát hiện trong nghiên cứu Future Families (những gia đình tương lai) cho thấy ăn thịt gia cầm trong thời gian mang thai có thể khiến kích thước cậu nhỏ của trẻ sơ sinh nhỏ đi. Ngoài ra, cholesterol có trong thịt gà còn có thể làm tăng nguy cơ sức khỏe ở trẻ sơ sinh như tắc nghẽn động mạch, dẫn đến đột quỵ và đau tim sau này”. Thế nhưng, những điều công bố bởi nghiên cứu này liệu có đúng?
Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật (PETA) đã đề cập đến nghiên cứu Future Families. Tuy nhiên, nghiên cứu này không tập trung vào việc bà bầu ăn thịt gà mà nó xem xét ở góc độ phụ nữ mang thai tiếp xúc với phthalates (hóa chất công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong ngành nhựa để tạo ra tính mềm dẻo và độ bền chắc cho sản phẩm) trước khi sinh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bé trai. Kết quả nghiên cứu cho thấy những phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với phthalates thì bé trai sinh ra sẽ có “cậu nhỏ” ngắn hơn so với những bà mẹ ít tiếp xúc với phthalates (dưới 25%).
Phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với phthalates thì bé trai sinh ra sẽ có “cậu nhỏ” ngắn hơn. (ảnh minh họa)
Nguyên nhân là do phthalates có thể làm giảm lượng testosterone ở trẻ sơ sinh, gây trở ngại cho việc phát triển khả năng sinh sản của bé. Điều này liên quan đến hàng loạt các vấn đề, ví dụ như tinh hoàn ẩn và khoảng cách sinh dục (khoảng cách giữa hậu môn và bộ phận sinh dục) ngắn hơn. Trong nhiều nghiên cứu khác, việc bé trai tiếp xúc với phthalates khi còn ở trong bụng mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng, thậm chí gây vô sinh.
Phụ nữ mang thai có thể tiếp xúc với phthalates theo nhiều cách khác nhau như khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân, khi ăn thức ăn đựng trong hộp nhựa và khi ăn các thực phẩm có chứa chất phthalates (thức ăn nhanh, đóng gói…). Thịt gà không phải là thực phẩm có chứa phthalates. Như vậy, mối quan hệ giữa việc ăn cánh gà với kích thước dương vật của bé trai rất là mong manh.
Bà bầu ăn thịt gà có khiến bé bị tắc nghẽn động mạch?
Mặc dù PETA không trích dẫn một nghiên cứu chính xác nào nói lên điều này nhưng dường như một nghiên cứu của Úc được công bố vào tháng 2 trên tạp chí ADC Fetal and Neonatal Edition là cơ sở cho những tuyên bố này. Nghiên cứu cho thấy những đứa bé được sinh ra từ những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có thành động mạch dày hơn khoảng 0,06mm so với những đứa trẻ khác. Thành động mạch dày lên có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch, gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ trong cuộc sống sau này của trẻ.
Nồng độ cholesterol của người mẹ trong thời gian mang thai cũng ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của chứng xơ vữa động mạch. Thế nhưng, việc nói rằng bà bầu ăn thịt gà có thể khiến trẻ sinh ra bị tắc nghẽn động mạch là một điều hơi quá. Lượng cholesterol trong chế độ ăn có ảnh hưởng không đáng kể đến lượng cholesterol trong máu. Hơn nữa, nghiên cứu này không xem xét ở góc độ những thực phẩm mà phụ nữ đang ăn mà chỉ nhìn vào trọng lượng của người mẹ.
Mẹ bầu nên lưu ý khi sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn hoặc hâm nóng thức ăn. (ảnh minh họa)
Những lưu ý với mẹ bầu khi ăn uống để tránh ảnh hưởng đến thai nhi
Có thể thấy việc mẹ bầu ăn thịt gà không có gì đáng lo và sẽ không gây ra bất cứ rủi ro gì cho sức khỏe của em bé. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa phthalate và các vấn đề về sinh sản ở bé trai là đáng lưu tâm. Vì vậy mẹ bầu cần chú ý hạn chế phthalate xâm nhập vào cơ thể bằng cách:
- Nên ăn các thực phẩm hữu cơ chưa qua chế biến (vì các chuyên gia nghi ngờ trong quá trình chế biến, chất phthalates sẽ được đưa vào thực phẩm).
- Bảo quản thực phẩm bằng những hộp làm từ nhựa có chất lượng tốt hoặc chuyển qua sử dụng các sản phẩm làm bằng thủy tinh sẽ an toàn hơn.
- Đặc biệt khi hâm nóng thức ăn nên sử dụng hộp thủy tinh thay thế hộp nhựa. Mặc dù không phải tất cả các chất dẻo đều chứa phthalate nhưng chúng có thể chứa một mức độ nào đó. Vì vậy tốt nhất là nên dùng sản phẩm thủy tinh thay thế.