Mẹ chồng tôi cho rằng trứng ngỗng cũng chẳng khác gì trứng gà, trứng vịt. Tôi lắm chuyện, bày vẽ cho tốn tiền con trai bà.
Mẹ chồng tôi sống ở quê, kinh tế không dư dả gì nên tính bà rất tiết kiệm. Mãi sau này được đền bù tiền đất thì mới phất lên, xây được nhà, có tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, tính cách đã ăn sâu trong máu thì chẳng thể thay đổi, bà tiết kiệm tới mức tằn tiện. Trong khi đó, tôi sống trong sự no đủ đã quen nên có phần thoải mái quá đà. Khi về một nhà, tôi và mẹ chồng nhiều phen đụng độ bởi sự khác biệt lối sống này.
Kể cũng thương Ngọc, anh thường xuyên phải đứng ra giải quyết những mâu thuẫn tủn mủn trong gia đình. Nào là tôi chiên phồng tôm thôi mà đổ hết nửa chai dầu của bà, rồi rót nước mắm tới gần nửa bát, hay rửa rau xong không giữ lại nước để rửa bát, lại còn dám vặn đầy chậu nước…
Toàn những điều nhỏ nhặt ấy nhưng vì sự khác biệt trong cách sống mà tôi và mẹ chồng đều thấy khó chịu vì đối phương. Dù cả tháng mới gặp nhau được lần cũng đủ mẹ chồng – nàng dâu không thể yêu thương được nhau.
Tôi khó chịu vì sự tiết kiệm thái quá của mẹ chồng. (Ảnh minh hoạ)
Tôi dứt khoát tuyên bố với Ngọc sau này dù có nghèo, có túng thiếu phải đi vay tiền cũng thuê người trông, không để mẹ chồng lên sống cùng. Ngọc cũng hiểu nhưng anh khuyên tôi hãy thấu hiểu cho mẹ 1 chút.
“Mẹ đã khổ cả 1 đời, sự túng thiếu khiến bà không thể hào phóng được. Thế nên, em cũng thông cảm cho bà 1 chút. Khi nào mà về quê hay mẹ lên đây em biết thì cố tiết kiệm mọi thứ trong khả năng có thể. Còn anh, anh cũng đang thuyết phục mẹ sống thoải mái hơn mà. Anh tin là vợ anh khéo léo, thương anh, em có thể tự xử lý những mâu thuẫn nhỏ này thay vì phải để anh ở giữa can ngăn” – Ngọc dỗ dành.
“Anh ạ, em cũng chỉ có 1 cuộc đời để sống thôi. Em cũng sẽ cố gắng dung hoà để phù hợp hơn nhưng em cũng không đồng tình sự tính toán quá mức của mẹ đâu. Nên anh khuyên mẹ thêm. Còn chuyện không sống chung thì em không nhượng bộ đâu”.
Dù kiên quyết là thế, nhưng cuối cùng tôi cũng vẫn phải sống chung mẹ chồng hơn 3 tháng trời. Lúc ấy em chồng tôi sinh con, nhà cô ấy chật nên mẹ chồng cả ngày sẽ sang ấy chăm con gái ở cữ, đến tối thì về nhà tôi ngủ.
Chồng nhiều lần khuyên tôi nên thông cảm với mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Cũng đúng thời điểm này, tôi có tin vui. Khi biết tin, cả nhà ai cũng vui vẻ. Mẹ chồng cũng bớt cay nghiệt hay xét nét tôi hơn. Tuy nhiên, mỗi khi thấy tôi mua đồ dưỡng thai, rồi mua đồ ăn vì thèm là mẹ chồng lại cằn nhằn. Nhiều khi tôi ăn mà phải giấu giếm như thể mình đang làm điều gì tội lỗi lắm vậy.
Có 1 lần, tôi xách về chục trứng ngỗng bồi bổ thai nhi, mẹ chồng hôm ấy lại về sớm. Bà vừa nhìn xuống đã bĩu môi rồi than vãn: “Ôi giời giờ các anh các chị có điều kiện thì cứ sữa bầu rồi trứng ngỗng. Ngày xưa chúng tôi còn phải uống nước gạo, nước chắt từ nồi cơm ra thay sữa. Trứng gà thì cả tuần có được 1-2 quả là mừng ai mong ăn trứng ngỗng.
Mà trứng ngỗng cũng bổ béo gì, ăn vừa chát mà giá vừa đắt. Tiền đấy mua được mấy chục trứng gà ta ăn không hơn à? Lắm chuyện, bày vẽ chỉ tổ tốn tiền.”
“Mẹ à, trứng ngỗng vẫn được khuyên dùng cho bà bầu, có nhiều dưỡng chất tốt cho quá trình phát triển thai nhi. Mà trứng ngỗng cũng chẳng phải đắt đỏ gì”, tôi phản đối.
“Ừ con làm được tiền mà thì đâu thấy đắt đỏ. Cứ tiêu tiền kiểu này thì bảo sao thằng Ngọc nó chẳng đi làm bục mặt từ sáng sớm tới tối khuya vẫn tăng ca. Con cũng phải nghĩ cho chồng con chứ, chỉ sống thoải mái cho bản thân thôi à?”, mẹ chồng tôi cũng quyết không chịu nhường con dâu đang bầu 1 câu.
“Mẹ ơi, mình đang nói chuyện trứng ngỗng tốt cho thai kỳ thôi, mẹ lại đánh giá con là ích kỷ và không biết lo nghĩ cho chồng?”, tôi cũng không chịu thua.
“Thôi con chuẩn bị cãi lý đấy, mệt mỏi. Thích làm gì thì làm”, nói rồi bà vùng vằng bỏ vào phòng.
Tôi không muốn cố gắng nhẫn nhịn để gắn kết, gia tăng tình cảm với mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Mẹ con tôi kết thúc câu chuyện trong sự hậm hực như thế. Nhưng hôm sau nữa, tôi dậy tính luộc trứng ngỗng mang đi làm thì giỏ trứng ngỗng không còn quả nào. Tìm khắp tủ lạnh rồi tủ bếp cũng không thấy. Đúng lúc mẹ chồng đi ra, tôi hỏi thì bà thản nhiên bảo mang cho con gái rồi.
“Con ăn trứng gà tốt rồi, trứng ngỗng ấy coi như quà cho em chồng. Từ ngày em nó đẻ hai vợ chồng con đã lo cho em nó được cái gì? Có chục trứng cho em mà đã tiếc à?”.Tôi không tiếc chục trứng, nhưng nghĩ tới chuyện mình ăn trứng gà hay ngỗng cũng bị bà can thiệp do chênh lệch giá. Mẹ chồng chỉ muốn tôi dùng những thứ rẻ tiền hơn vì sợ con trai bà khổ. Tiếp nữa, tôi cũng mua đồ để bồi bổ cơ thể nhưng bà chẳng nói 1 lời đã mang tới cho con gái. Hoá ra, mấu chốt vấn đề là bà muốn con dâu dùng đồ thường, con gái bà mới xứng dùng đồ tốt? Từ sau hôm đó, tôi lại thấy khó chịu với mẹ chồng như những ngày đầu. Thật sự tôi cũng đã cố gắng để sống chung hoà thuận với mẹ chồng nhưng sao khó quá.
Trứng ngỗng có thật sự tốt cho bà bầu?
Trứng ngỗng có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn trứng gà, lại chứa một số chất như Cholesterol và Lipid sẽ không được tốt cho vấn đề tim mạch của mẹ bầu. Tuy nhiên, bà bầu dùng ở 1 lượng vừa phải, trứng ngỗng vẫn là thực phẩm được khuyên dùng với nhiều tác dụng:
Tăng cường trí nhớ cho mẹ bầu
Việc bà bầu ăn trứng ngỗng vào buổi sáng bằng cách luộc trứng ngỗng hoặc hấp chín sẽ giúp bà bầu cải thiện được trí nhớ đáng kể sau 5 ngày.
Ngăn ngừa cảm lạnh
Ăn trứng ngỗng giúp cho mẹ bầu có thêm nhiều năng lượng trong hoạt động hàng ngày và giúp bảo vệ cơ thể tránh xa nguy cơ cảm lạnh.
Bà bầu ăn trứng ngỗng giúp bổ máu
Trứng ngỗng có thành phần dinh dưỡng sắt. Thành phần sắt là nguyên tố quan trọng khi bà bầu ăn trứng ngỗng, vì nó giúp cho mẹ bầu được bổ sung lượng máu cần thiết để phòng ngừa hội chứng thiếu máu do thiếu sắt.
Hỗ trợ làm đẹp da cho thai phụ
Cũng tương tự như trứng gà, mẹ bầu có thể tận dụng lòng trắng trứng ngỗng để làm mặt nạ để dưỡng da. Trong trứng ngỗng có chứa thành phần albumin giúp cho da tăng độ đàn hồi, hỗ trợ trị một số vấn đề kém sắc cho da như là mụn, sạm nám.