Những bé bị suy dinh dưỡng bào thai khi ra đời sẽ có sức khỏe kém, chậm phát triển và thậm chí cả trí tuệ cũng bị ảnh hưởng.
Video xem thêm: 4 món đồ âm thầm hại thai nhi, mẹ bầu cần bỏ ngay.
Khi nuôi con nhỏ, các mẹ luôn cố gắng chăm chút sức khỏe, chuyện ăn uống cho các bé để đề phòng suy dinh dưỡng. Vậy nhưng các mẹ có biết thể suy dinh dưỡng sớm nhất của trẻ chính là suy dinh dưỡng bào thai và mẹ cần đề phòng ngay từ khi mang bầu?
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Suy dinh dưỡng bào thai là sự phát triển chậm của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Trẻ sinh ra đủ tháng nhưng cân nặng dưới 2500g thì được tính là bị suy dinh dưỡng bào thai.
Tuy nhiên, ngay từ trước khi bé chào đời, bác sĩ đã có thể phát hiện bé có bị suy dinh dưỡng hay không nhờ các chỉ số như vòng bụng của mẹ và cân nặng thai nhi trong mỗi lần khám thai định kỳ. Ngoài ra, số cân nặng mẹ tăng lên khi mang thai cũng phản ánh một phần sự phát triển của em bé trong bụng.
Bé sinh đủ tháng mà cân nặng dưới 2,5kg được xem là bị suy dinh dưỡng bào thai. (Ảnh minh họa)
Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng bào thai
Những bé bị suy dinh dưỡng bào thai, các cơ quan như da, cơ, xương, não, gan, thận… đều bị ảnh hưởng, dễ nhận thấy nhất là trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Hậu quả của tình trạng này tùy thuộc vào giai đoạn bào thai bị suy dinh dưỡng, chế độ nuôi dưỡng trẻ sau khi chào đời.
Suy dinh dưỡng xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ làm cho bộ não chậm phát triển sau này trẻ sẽ kém thông minh. Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khi chào đời dễ bị hạ thân nhiệt , hạ đường máu gây rối loạn nhịp thở, hạ canxi máu gây co giật. Nếu được nuôi dưỡng đúng, trẻ sẽ phát triển bình thường và đạt mức cân nặng như những trẻ khác sau 2-3 tháng, nhưng chiều cao thì rất khó đạt được mức bình thường.
Ngược lại, nuôi dưỡng không tốt, trẻ tiếp tục bị suy dinh dưỡng, dễ ốm đau, quặt quẹo, còi cọc, chậm phát triển trí tuệ, kém thông minh.
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai
Có 4 nguyên chính dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, bao gồm:
Độ tuổi của mẹ khi mang thai
Giai đoạn từ 25 đến 30 tuổi là thời kỳ “vàng” mà mẹ nên kết hôn và sinh con. Khi bước sang tuổi 30, cơ thể của mẹ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa. Mẹ sẽ không có đủ dinh dưỡng để nuôi bào thai.
Sức khỏe của mẹ
Trong thời gian mang thai, sức khỏe của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé. Những căn bệnh như cúm, sốt phát ban, các bệnh nhiễm khuẩn cấp cũng có thể khiến thai nhi kém phát triển hoặc thậm chí mắc dị tật khi chào đời.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi. (Ảnh minh họa)
Dinh dưỡng thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai cực kỳ quan trọng với sự phát triển của bé. Nếu mẹ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đứa trẻ sinh ra sẽ phát triển toàn diện cả thế chất lẫn trí tuệ.
Môi trường làm việc của mẹ
Điều kiện, tính chất cũng như môi trường làm việc của mẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu mẹ làm việc nặng nhọc, đầu óc luôn bị căng thẳng, áp lực, ô nhiễm… sẽ tác động tiêu cực đến thai nhi.
Cách đề phòng suy dinh dưỡng bào thai
Từ những nguyên nhân của suy dinh dưỡng bào thai, mẹ có thể dễ dàng rút ra cách phòng tránh căn bệnh này ngay từ khi mang bầu.
- Thứ nhất, mẹ cần có kế hoạch sinh nở hợp lý, không nên mang thai khi còn ít tuổi (dưới 18) hoặc đã quá lớn tuổi (trên 35). Ngoài ra những lần sinh con cũng nên cách nhau ít nhất 3 năm để cơ thể mẹ hồi phục.
Mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của bé. (Ảnh minh họa)
- Thứ hai, luôn giữ chế độ sống lành mạnh khi mang bầu, không uống rượu, hút thuốc. Bên cạnh đó mẹ cần đi khám thai định kỳ đúng và đầy đủ để bác sĩ kịp thời phát hiện bất thường ở thai nhi.
- Thứ ba, khi biết có thai các mẹ bầu cần ăn no, ăn đủ chất để giúp phát triển bảo thai như các loại đậu, trứng, tôm, cá, rau, hoa quả tươi...
- Cuối cùng, mẹ bầu cần có một chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mọi lo âu, phiền muộn trong cuộc sống ảnh hưởng đến em bé trong bụng.