Cái Tết đầu tiên trực ở viện, bác sĩ Khải vẫn còn nhớ những háo hức chờ đợi vừa trông nom bệnh nhân vừa mở cửa sổ nhìn trộm pháo hoa giao thừa.
Nhắc đến bác sĩ Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những người đã từng gặp gỡ anh chắc chắn sẽ nhớ ngay đến sự thân thiện, nhiệt tình và cả sự chân chất. Nếu gặp anh ở ngoài cổng viện chắc sẽ khó nhận ra vị bác sĩ này, thậm chí còn nhầm tưởng là ông xe ôm bởi anh vẫn đi xe máy, vẫn quần bò áo phông, vẫn ngồi uống trà đá sau khi tan làm.
Bác sĩ Khải khiến người ta cảm nhận được sự khiêm tốn, cương trực và có phần theo nguyên tắc với những quan điểm của riêng mình mà như anh nói đó là tư duy hơi cũ kỹ nhưng luôn bất biến. Ít ai biết rằng, bác sĩ Khải “mát tay”, mỗi năm cùng các bác sĩ trong khoa Đẻ A2 đỡ đẻ cho hơn 22 nghìn sản phụ (chiếm 60% ca sinh của viện) lại từng bỏ học đi bộ đội, từng làm việc không lương, làm phụ hồ, bảo vệ để có tiền theo đuổi đam mê.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2.
Tại khoa đẻ A2, hàng ngày bác sĩ Khải vẫn tất bật với những ca sinh. Là trưởng khoa nhưng căn phòng của anh chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, chỉ kê được chiếc giường nhỏ. Bác sĩ Khải chia sẻ phòng bác sĩ chỉ đơn giản vậy thôi còn nhường không gian cho bệnh nhân. Anh tâm sự bản thân có một nguyên tắc bất biến là ưu tiên, dành sự quan tâm cho những người vợ lính, người làm trong lực lượng vũ trang và những người có hoàn cảnh khó khăn bởi anh đã từng có những năm tháng trong bộ đội, hiểu được những thiệt thòi họ trải qua.
Kể về cơ duyên đến với nghề bác sĩ sản khoa của mình, bác sĩ Khải cho biết hồi còn trẻ khi chưa học hết phổ thông anh đã tình nguyện xin đi bộ đội. Sau khi trở về anh học tiếp cấp 3 rồi học Đại học Y Hà Nội. Nếu như thời trẻ anh luôn muốn học an ninh thì đến những năm tháng trong bộ đội, nhìn người y tá một mình xoay sở cứu chữa mọi người đã giúp anh nung nấu ước mơ, niềm đam mê trở thành bác sĩ.
Và sản khoa đến với anh cũng là một sự tình cờ bởi trong thời điểm anh sống bấy giờ xin việc đúng ngành nghề cũng là một khó khăn.
Trước khi được kí hợp đồng, anh phải làm không lương ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hơn 2 năm. Anh đi theo một nữ y tá học việc từ đỡ đẻ thường, khâu tầng sinh môn đến đi theo phụ mổ. Có lẽ vì sự chăm chỉ, cầu thị mà những người đi trước đã ưu ái, chỉ bảo anh nhiều điều.
“Ngày đó cứ cách một ngày lại trực một lần mà không lương, không có một xu nào. Lúc đó cũng chuẩn bị cưới, buổi tối mình làm rất nhiều việc để ổn định cuộc sống như làm bảo vệ cho cơ quan khác; thứ 7, chủ nhật đi phụ hồ, ai bảo gì cũng làm miễn sao không vi phạm pháp luật, có tiền để học. Thời điểm vợ mình sinh, mình mới đi làm mấy ngày, gia đình khó khăn có chút tự ti nên tự đỡ đẻ cho vợ ở nhà mặc dù thai ngôi ngược”, bác sĩ Khải cười nhớ lại.
Bác sĩ Khải phải làm đủ nghề từ bảo vệ, phu hồ để có thể theo đuổi đam mê là bác sĩ.
Thời điểm đó dù khó khăn nhưng anh không cảm thấy mệt bởi anh lấy động lực từ những năm gian khó trong bộ đội để vượt qua. Anh bộc bạch bộ đội lấy đi của anh quá nhiều thứ, thời cơ, tuổi thanh xuân nhưng cũng cho anh nhiều thứ, đó là ý thức rèn luyện, giúp anh hiểu giá trị cuộc sống, nhìn nhận tình người.
Mỗi lần được nghe tiếng khóc em bé chào đời, nhìn niềm hạnh phúc rạng rỡ trên gương mặt bệnh nhân chính là hạnh phúc lớn nhất mỗi ngày của anh. Có khi chỉ một lời khen, động viên của bệnh nhân cũng khiến anh quên đi mệt mỏi, cảm thấy ấm lòng hơn.
Anh nhớ mãi trong một ngày mưa gió, dù ngày ấy anh tự nhận mình vẫn là thân phận thấp hèn, không ai biết đến trong bệnh viện mà được người nhà sản phụ tìm đến tận nhà cảm ơn. Hình ảnh người nhà bệnh nhân cầm món quà vật chất không lớn nhưng đó là cả tấm lòng, tình cảm của họ khiến anh yêu nghề hơn. Ở đó anh thấy được tình người, niềm vui của người thầy thuốc đem lại.
Đối với anh, để có được thành công hôm nay là nhờ sự đam mê, năng khiếu, may mắn, cần cù, yêu nghề và sự cầu tiến của bản thân. Chính bởi vậy, mỗi khi được giao nhiệm vụ khó, gặp những ca phẫu thuật khó, anh lại thích thú, luôn cố gắng tìm tòi cái riêng mới để vượt qua.
Mặc dù những nhiệm vụ khó ấy đã từng khiến anh 2 lần bị phơi nhiễm HIV nhưng anh vẫn vui vẻ, lạc quan bởi anh cùng đồng nghiệp của mình đã cứu thành công được sản phụ. Anh còn nhớ lần cứu thành công sản phụ bị nhiễm HIV vào năm 2015, 18 bác sĩ bị phơi nhiễm H, trong đó có anh nhưng sau ca phẫu thuật, anh vẫn đến bắt tay bệnh nhân chia sẻ với họ để họ vơi bớt mặc cảm.
“Trong cuộc sống mình gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm H. Mình vẫn nhớ một lần chuẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ cho một cô gái sinh sống ở Hà Nội bị HIV. Bạn trẻ ấy luôn bảo “Anh đừng cứu em để em chết đi”, mình nói “Không em à, HIV không có nghĩa là mình đoạn tuyệt cuộc sống, bây giờ có rất nhiều thuốc, quan trọng nhất vẫn là tinh thần”. Mình sẵn sàng chia sẻ, động viên họ bởi mình nghĩ một lời nói tốt hơn một viên thuốc và càng không nên kỳ thị người ta”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Vào ngành y làm giàu, toan tính thất đức lắm nên có hôm muốn gặp bệnh nhân giải thích nhưng sợ đến người ta hiểu lầm nên anh lại lẳng lặng không gặp nữa.
Kể về hơn 20 năm làm bác sĩ sản khoa, bác sĩ Khải cho biết, kỉ niệm vui nhất là lần mổ đẻ cho sản phụ sinh con to nhất Việt Nam nặng 6,6kg thời bấy giờ bị nhau tiền đạo, dính trên vết mổ cũ. Sự chào đời của em bé là niềm vui không chỉ của riêng anh mà còn của toàn bộ ê-kíp.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những câu chuyện khiến anh phải suy nghĩ khi mổ đẻ cho sản phụ là vợ bộ đội không có chồng ở bên dù cả 2 đều ở Hà Nội vì chồng làm sự kiện chính trị không thể về được hay cậu lính đưa vợ đi khám mỗi tháng tiết kiệm một triệu để vợ đi đẻ và cả những người chồng ở đảo xa không kịp về ngày vợ đi đẻ.
Những suy nghĩ mộc mạc giản dị của người lính, những tình người và cả sự cảm thông với những người vợ lính trong anh đã khiến anh luôn có một nguyên tắc bảo thủ, cũ kỹ và luôn bất biến, dành sự quan tâm đầu tiên cho những người vợ lính, làm trong lực lượng vũ trang và người có hoàn cảnh.
Nói về những cái Tết phải đi trực của mình, bác sĩ Khải cho biết, Tết của bác sĩ không có gì khác biệt bởi đối với anh đón giao thừa ở bệnh viện vui hơn đón giao thừa thời đi bộ đội. Và anh vẫn nghĩ đó là sự ưu ái đối với mình và những đồng nghiệp bởi anh được ban giám đốc bệnh viện chúc Tết, được nhìn thấy những em bé chào đời và niềm hạnh phúc của gia đình sản phụ hơn hẳn những người quét rác, những anh lính đứng gác trong cô đơn, lạnh lẽo ở ngoài kia.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên đi trực, bác sĩ Khải kể, đó là hồi anh còn rất trẻ, còn rất háo hức để xem pháo hoa. Đến khoảnh khắc giao thừa, anh vừa chăm sóc bệnh nhân lại vừa mở cửa sổ nhìn trộm bắn pháo hoa rồi tò mò xem những sản phụ sinh vào khoảnh khắc giao thừa rồi vui lây cùng họ.
“Tết ở bệnh viện thành lệ trước giao thừa, ban lãnh đạo, đảng ủy có mặt chúc Tết cho kíp trực và đến thăm từng bệnh nhân. Nhà mình 2 vợ chồng đều là bác sĩ nhưng chưa bao giờ cả 2 vợ chồng cùng trực đêm giao thừa nên có thể bàn giao con cho nhau để đi làm.
Giờ phút giao thừa, mọi người cùng nhau chia sẻ chúc mừng năm mới. Khi mình lên làm phó trưởng khoa, trưởng khoa, trực tết thành thói quen, đầu tiên phải chúc mọi người nhất là những sản phụ sinh trong đêm giao thừa nhiều may mắn trong năm mới.
Rất may nhiều năm làm ngành sản, đêm giao thừa không xảy ra điều gì gọi là đáng tiếc, toàn niềm vui nên mình rất thích. Mặc dù bệnh viện tiếp nhận nhiều ca sinh bất khả kháng về bệnh lý nhưng chưa năm nào xảy ra đêm giao thừa”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Sau mỗi ca trực, 7 giờ sáng kết thúc, anh lại trở về nhà bẻ cành lộc bên đường rồi lì xì gia đình, đưa mọi người đi chơi phố.
Mặc dù không được đón giao thừa bên gia đình nhưng anh vẫn thấy vui khi nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ, còn hơn những đêm giao thừa nhuốm màu buồn nơi biên giới. Và nếu được chọn lại anh vẫn chọn ngày y, trở thành một bác sĩ sản khoa bởi tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ chính là lì xì lớn nhất mỗi dịp năm mới đến của anh, là động lực để anh cố gắng hơn.