Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con

Ngày 04/02/2019 18:30 PM (GMT+7)

Giao thừa là dịp để đoàn viên, thế nhưng trong dịp Tết Kỷ Hợi này nhiều bà bầu vẫn phải ở lại bệnh viện để quản lý thai. Dù mong được về nhà nhưng các thai phụ đều đành gác lại vì sự an toàn của con.

Trong khi nhà nhà sum vầy những ngày Tết, tại khoa sản bệnh A4 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn không khác nhiều so với ngày thường. Đội ngũ cán bộ y tá, bác sĩ vẫn đang miệt mài làm việc để đảm bảo sức khỏe cho các bà bầu và những em bé đang lớn lên từng ngày trong thai kỳ.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 1

Chiều 27 Tết, tại khoa sản bệnh A4 - BV Phụ sản Hà Nội vẫn còn rất nhiều bà bầu nằm lại để quản lý thai kỳ. (Ảnh: Hồng Nhung)

Chưa khi nào nghĩ sẽ có ngày phải đón giao thừa trong bệnh viện

Bệnh nhân Trần Thùy Linh (sinh năm 1983, Hà Nội) Tết này không được về nhà đón giao thừa. Ở lần sinh em bé thứ hai này, khi đang mang bầu đến tuần thứ 30, trong một lần khám thai định kỳ chị được bác sĩ phát hiện tình trạng nước ối rỉ ra ở cửa mình gây nên hiện tượng rỉ ối, ngày 21/1/2019 chị Linh phải nhập viện để theo dõi.

Sau khi vào viện, chị được theo dõi và chuyển lên khoa Sản Bệnh lý để điều trị tiếp. Tại đây, chị được các bác sĩ điều trị đặc biệt, một tuần sau tình trạng rỉ ối đã được khắc phục ít nhiều, song vẫn cần phải theo dõi sát sao.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 2

Năm mới đang cận kề, chị Linh chẳng muốn gì nhiều chỉ mong con yêu thật khỏe mạnh (Ảnh: Hồng Nhung)

Thai phụ Linh cho biết, mấy ngày nay rất nhiều chị em cùng phòng đã được các bác sĩ cho về quê ăn Tết cùng gia đình. Trường hợp của chị rỉ ối ở tuần thai 30 rất có thể mẹ sinh non và gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé nên phải ở lại điều trị.

Lặng người nhìn xuống màn hình điện thoại, chị thấy lòng buồn và trống trải khi giao thừa đã cận kề mà vẫn phải nằm đây dưỡng thai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho con và bản thân nên chị Linh cố gắng ở lại bệnh viện. Là một trong những trường hợp mắc bệnh lý sản khoa đặc biệt, nhưng nhờ có sự động viên của các bác sĩ nên chị yên tâm phần nào. Thế nhưng, với chị Linh nói riêng và nhiều bà bầu đang nằm viện nói chung, đây có lẽ là kỷ niệm khó quên trong đời.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 3

Đón Tết ở Bệnh viện, chắc hẳn chị Linh có rất nhiều xúc cảm (Ảnh: Hồng Nhung)

“Chưa khi nào mình nghĩ sẽ có ngày phải đón giao thừa trong bệnh viện. Trong này tất nhiên sẽ không được rộn ràng khí xuân như ngoài đường nhưng chắc chắn cũng đủ ấm áp vì trong mỗi buồng bệnh vẫn có hoa, có đào mà! Năm mới sắp đến, mình cầu mong cho cả gia đình mạnh khỏe, hai mẹ con được bình an vô sự", chị Linh tâm sự.

Lần đầu tiên đón Tết ở một nơi không phải là nhà

Cũng giống tâm trạng của chị Linh, bệnh nhân Trần Thị Thái (35 tuổi – Vân Canh – Hoài Đức – Hà Nội) rất hồi hộp và mong chờ Tết đến để đươc sum vầy cùng gia đình. Nhưng do bị nhau tiền đạo trung tâm chảy máu ồ ạt ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 nên phải nhập viện cấp cứu.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 4

Mong Tết nhưng đành “gác giao thừa” lại vì sự an toàn của con, là suy nghĩ của chị Thái ngay lúc này (Ảnh: Hồng Nhung)

Theo lời sản phụ Thái, chị nhập viện cách đây 4 tuần, đang mang thai em bé thứ 2 được 31 tuần. Ở lần mang thai này, chị Thái mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo cho sức khỏe thế nhưng chị cũng thú nhận, thai kỳ này chị thấy nhiều bất ổn. Ngày thai được khoảng 5 – 6 tuần, chị phát hiện bị chảy máu âm đạo phải nằm nhà điều trị và nghỉ dưỡng cả tháng.

Sau đó sức khỏe tạm ổn, đến tuần thứ 22 sau một lần khám thai định kỳ, chị được phát hiện nhau thai không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường mà một phần bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung gây chảy máu nghiêm trọng trước khi sinh, ngay lập tức chị được bác sĩ chỉ định nhập viện. Để đảm bảo an toàn, tránh đẻ non, bác sĩ chỉ định chị Thái ở lại điều trị suốt cả dịp Tết.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 5

Trong bệnh viện không được rộn ràng khí xuân như ngoài đường nhưng chắc chắn cũng đủ ấm áp vì trong mỗi buồng bệnh vẫn có hoa, có đào (Ảnh: Hồng Nhung)

Dù không được về nhà đón xuân cùng gia đình nhưng chị Thái và chồng vẫn vững tâm, tất cả vì sức khỏe của con. 

Chia sẻ với chúng tôi, chị Thái cho biết, đây là lần đầu tiên chị đón Tết trong bệnh viện. Không khí Tết rộn ràng ở bên ngoài, nhiều người nằm cùng phòng được về đón Tết với gia đình khiến lòng bà bầu trẻ cũng hồi hộp không kém. Tuy nhiên, vì con nên chị vẫn cố gắng yên tâm điều trị.

Sau khi sinh em bé đầu được 8 năm, mất một thời gian dài chờ đợi, vợ chồng chị Thái mới có lại được em bé thứ hai. Chính bởi vậy, mọi ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé được đặt lên hàng đầu.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 6

Đâu đó mỗi giường bệnh là lời thủ thỉ an ủi nhau qua điện thoại giữa người ở ngoài và trong bệnh viện (Ảnh: Hồng Nhung)

“Mặc dù không phải xa xôi gì, nhà mình chỉ cách bệnh viện khoảng 30km nhưng đây là lần đầu tiên đón Tết ở một nơi không phải là nhà như thế này, cảm giác lạ lẫm khó tả lắm! Mình cũng mong Tết nhưng vì con là trên hết. Nằm viện theo dõi mình được các bác sĩ cho đi nghe tim thai 3 lần/ngày, chạy máy xem có cơn co hay không”, chị Thái tâm sự thêm.

Đang chia sẻ câu chuyện dưỡng thai ở bệnh viện với chúng tôi, chị Thái bất giác nhớ đến cô con gái 8 tuổi đang ở nhà với ông bà sẽ phải đón cái Tết không có mẹ bên cạnh. Theo dự định, mấy ngày sau Tết, chị sẽ cho con gái vào chơi với mẹ và em ở trong bệnh viện nhiều hơn, để bé không cảm thấy thiếu vắng hơi ấm những ngày xuân.

Bác sĩ lên “dây cót” sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khẩn cấp

Trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Xuân Vinh - Trưởng khoa A4 - Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: Hàng năm, vào dịp Tết vẫn có một số bệnh nhân phải ở lại đón Tết trong viện. Nếu ngày thường khoa quản lý khoảng 70 thai phụ điều trị nhưng theo số liệu thống kê hôm nay (27 Tết) chỉ còn khoảng 30 bệnh nhân. Trong đó, chủ yếu là những trường hợp nặng như có nguy cơ bị tiền sản giật, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.

Đón Tết ở một nơi không phải là nhà, những bà bầu Hà Nội “tạm gác giao thừa” vì con - 7

Đã là chiều cuối năm, thế nhưng tại các phòng ban bệnh viện, các bác sĩ vẫn làm việc cật lực để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân (Ảnh: Hồng Nhung)

Mặc dù, đón Tết tại bệnh viện là điều không ai mong muốn nhưng các bà bầu đều xác định tất cả vì sự an toàn của con đang lớn lên từng ngày.

“Về cơ bản công tác hỗ trợ cho các bà mẹ mang thai đang nằm quản lý thai ở khoa A4 đã được chuẩn bị tốt. Với đặc thù của khoa sản bệnh lý ngoài chuyên môn thì còn có hành chính kèm theo, khoa đã bố trí, chuẩn bị, lên danh sách kíp trực từ 10 ngày trước Tết.

Các bộ phận khác của khoa đã được ban lãnh đạo phân công cụ thể. Cho các thai phụ mắc bệnh lý nặng nằm chung một phòng, trong phòng được phân công cụ thể từng điều dưỡng phụ trách vào các ngày cụ thể. Đặc biệt, trong những ngày Tết, các kíp trực được bố trí chặt chẽ, lên “dây cót” để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khẩn cấp, cả những trường hợp cần phải hội chẩn kịp thời, huy động sự hỗ trợ của các khoa liên quan” – Bác sĩ Vinh nhấn mạnh.

8 năm tủi hờn vì Tết không con, mẹ Hổ háo hức chờ giao thừa đầu tiên bên trái ngọt
Sau nhiều năm đón Tết trong cô quạnh, xuân Kỷ Hợi này gia đình chị Luyến đón thêm thành viên. Cái Tết đầu tiên chiếc giường của anh chị chật hơn, có...
Như Loan - Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc bà bầu