Ở độ tuổi 51, đã lên chức bà ngoại, Sue đã rất mong muốn được mang thai hộ một cặp đôi nào đó. Thế nhưng, khác với việc làm mẹ và mang bầu rất dễ dàng trước đó, hành trình mang thai hộ của cô rất gian nan.
Làm mẹ ngay khi còn là một thiếu nữ "tuổi teen", và sớm lên chức bà từ 20 năm trước, Sue Fisher vẫn luôn cảm thấy mình may mắn vì đã mang bầu và sinh con quá dễ dàng, cũng như thương cảm với những trường hợp hiếm muộn. Khi biết đến thông tin về việc mang thai hộ, cô đã rất hứng thú với công việc này, nhưng chồng cô lại không hề ủng hộ. Năm 2012, sau ly hôn, cô trở về chăm sóc bố mẹ và anh trai của mình. Khi sinh nhật lần thứ 50 đến, cô đã quyết định rằng, nếu cô muốn mang thai hộ ai đó, cô cần phải làm ngay lúc này.
Sue muốn trở thành người mang thai hộ vì thương các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tuy nhiên, rõ ràng, tuổi tác là một rào cản rất lớn với Sue. Tổ chức mang thai hộ Surrogacy UK đã nói rằng, họ chưa bao giờ hỗ trợ cho trường hợp mang thai hộ nào ở độ tuổi của cô. Vì thế, cô chỉ có thể tìm đến các phòng khám tư nhân đồng ý làm việc với cô.
Ở độ tuổi 50, Sue đã mãn kinh. Do đó, thay vì cấy tinh trùng trực tiếp vào trứng như các trường hợp khác, Sue sẽ phải cấy trực tiếp bào thai vào tử cung của mình. Tuy nhiên, để được chấp nhận làm người mang thai hộ, Sue đã phải rất vất vả. Cô đã gửi thư tới 42 phòng khám tư nhân, gần như tất cả trong số đó đều từ chối vì cô đã vượt quá giới hạn quy định về độ tuổi của họ, May mắn rằng, một phòng khám tại Birmingham đã đồng ý hỗ trợ cô.
Việc tiếp theo Sue cần làm đó là tìm kiếm các cặp đôi đang cần mang thai hộ. Cùng với con gái của mình, cô đến các sự kiện cộng đồng để gặp gỡ những người mang thai hộ khác, và các gia đình hiếm muộn. Tại đó, cô đã trò chuyện với một người đàn ông có tên là Gary, và Andy, bạn trai của anh. Cả 3 người đã trò chuyện rất vui vẻ và dần trở nên thân thiết hơn. Đến Giáng sinh năm đó, Sue đã rất mong muốn có thể giúp đỡ cặp đôi này. Ngày 31 tháng 12 năm 2012, cả 3 đã nhận được thông tin đồng ý chính thức từ phòng khám.
Sue đã mang thai hộ cho cặp đôi đồng tính Andy và Gary. (Ảnh minh họa)
Trong 3 tháng tiếp theo, cả 3 đã cùng lập nên một thỏa thuận về những quyết định trong suốt quá trình mang thai, sinh con và sau đó. Cặp đôi đồng tính rất mong muốn Sue có thể tham gia vào cuộc sống gia đình của họ, để những đứa trẻ biết được cách chúng đã đến với thế giới này, và đó cũng chính là điều mà Sue mong muốn.
Tuy nhiên, họ vẫn cần tìm một người hiến trứng. Trong khi danh sách chờ trứng hiến tặng tại phòng khám của Sue kéo dài đến tận 12 tháng, tình cờ, cô đã nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ một người bạn cũ, đồng ý hiến trứng cho cô. Người bạn này của Sue đã 29 tuổi, có hai đứa con và mong muốn giúp đỡ 3 người. Sau khi trải qua 2 vòng kiểm tra, người bạn này đã hiến tặng 3 trứng chất lượng tốt, và 3 ngày sau, trứng đầu tiên đã được cấy vào tử cung của Sue.
Không may mắn, lần đầu tiên đã thất bại, và cặp đôi cực kì buồn bã. Họ quyết định "nghỉ ngơi" vài tháng, trước khi cấy tiếp 2 trứng còn lại để tăng cơ hội thành công. Sáu ngày sau, Sue đã bị ợ nóng, giống hệt như biểu hiện mang thai từ hơn 3 thập kỉ trước, và cô biết rằng, mình đã mang thai. Cô đã sắp xếp một món quà sinh nhật sớm đầy bất ngờ cho Gary. Cô mời cặp đôi đến nhà, và tặng cho họ một món quà đặt trong chiếc hộp được thắt nơ đẹp đẽ. Khi mở hộp, và nhìn thấy que thử thai hai vạch, cả hai đã bật khóc vì hạnh phúc.
Gary đã nhận được một món quà sinh nhật sớm đầy bất ngờ. (Ảnh minh họa)
Sau đó, cả 3 đã nhận được một tin còn hạnh phúc hơn, đó là Sue đang mang thai đôi. Dù hạnh phúc, Sue hiểu rõ rằng, hai bé sẽ không bao giờ là "của" cô và cô sẽ chỉ có thể chăm sóc chúng giống như các cháu của mình. Thế nhưng, Gary và Andy vẫn luôn để Sue tham dự vào những buổi gặp bác sĩ, với tư cách giống như "bố mẹ" của các bé.
Ngày 19 tháng 3 năm 2014, sớm hơn 1 tháng so với ngày dự sinh, Sue đã trải qua một ca sinh mổ cùng với Gary và con gái ở cạnh bên, thành công đưa hai bé chào đời khỏe mạnh, Marnie nặng 1,7kg và Dexter nặng 1,9kg. Do sinh non, hai bé đã được chuyển đến phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt và ở bệnh viện 3 tuần. Sue phải nằm viện 6 ngày, sau đó trở về nhà và chuyển sữa tới cho các bé.
Khi đã có thể bế các bé, Gary và Andy đã cương quyết đòi y tá để Sue bế các bé trước rồi mới chuyển đến tay họ. Đối với Sue, đó là khoảnh khắc cực kì hạnh phúc. Giờ đây, khi các bé đã gần 4 tuổi, cô vẫn gặp các bé hàng tuần. Cô rất thích ngắm nhìn các bé chơi đùa với các cháu của mình. Mỗi khi Marnie hỏi "Chúng cháu chui ra từ bụng dì phải không dì Sue?", cô cảm thấy trái tim mình tràn ngập tình yêu thương và sự tự hào.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |