Ngay từ ngày mang bầu bé thứ 2, chị Cầm đã xác định mình sẽ sinh thường sau sinh mổ.
Với những mẹ đã từng một lần trải qua ca đẻ mổ, chắc chắn sẽ mặc định mình sẽ phải đẻ mổ trong những lần sinh sau. Vậy nhưng với chị Huỳnh Thị Mộng Cầm (29 tuổi, sống tại Bình Dương), vì đã nhận ra những hạn chế của việc sinh mổ trong lần đầu tiên nên đến lần thứ 2, chị quyết tâm thực hiện sinh thường sau sinh mổ.
Kể lại hành trình đi sinh của mình, chị Cầm khiến nhiều người thót tim vì "liều" nhưng bản thân chị tự tin đây là một ca sinh thành công hoàn hảo.
Đến giờ mổ đẻ rồi vẫn xin xuống sinh thường
Chị Cầm sinh bé đầu từ tháng 8/2015. Do trong quá trình sinh, cổ tử cung của chị không mở nên đã phải mổ cấp cứu. Sau lần sinh này, chị Cầm nhận ra sinh mổ có không ít hạn chế như khiến chị lâu hồi phục, bé và chị không được da tiếp da, bé không được bú mẹ ngay nên không chịu ti trực tiếp mà chị phải hút sữa ra bình cho bé rất vất vả.
Chính vì vậy, khi mang bầu bé thứ 2, chị Cầm đã tìm hiểu, học hỏi rất nhiều kiến thức về mang thai, sinh nở với hy vọng sẽ sinh con theo cách tự nhiên.
Bé đầu chị Cầm sinh bằng phương pháp mổ lấy thai.
Đi khám thai gặp nhiều bác sĩ khác nhau, các bác sĩ cũng đều khẳng định chị hoàn toàn có thể sinh thường vì vết mổ cũ đã liền hẳn và rất "đẹp" nên chị càng quyết tâm hơn. Vậy nhưng quá trình đi sinh của chị lại không hề suôn sẻ như vậy, thậm chí suýt chút nữa dự định ban đầu của chị đã bị phá vỡ.
Chị Cầm kể: "Khi được 38 tuần, mình bắt đầu hoang mang không biết tìm bác sĩ nào để hỗ trợ mình sinh thường vì mình chỉ khám thai ở bệnh viện, không theo bác sĩ cố định. Cuối cùng, nhờ bạn bè giới thiệu, mình tìm được bác sĩ rồi nhưng bác sĩ yêu cầu phải nhập viện lúc 39 tuần để khởi phát chuyển dạ lo sợ để chuyển dạ tự nhiên có thể gây vỡ tử cung, nguy hiểm cho hai mẹ con.
Mình phân vân mãi, đến 39 tuần vẫn lì không nhập viện chỉ vào Từ Dũ khám lại. Lúc đó siêu âm bé được 3350gr. Cả nhà mình đều nghĩ không thể sinh thường được vì bé to hơn 3kg rồi. Đến đúng ngày dự sinh vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ nên mình bị "ép" phải vào viện mổ lấy thai".
Đã nhập viện sinh mổ nhưng có dấu hiệu chuyển dạ, chị Cầm lại xin về để sinh thường.
Nhập viện chiều thứ 6, chị Cầm được chỉ định mổ trong buổi sáng ngày thứ 7. Nhưng đến sáng thứ 7, chị lại cảm thấy bụng gò gò đau đau nên hy vọng đẻ thường lại trỗi dậy. Đến 9 giờ bác sĩ gọi chị ra để làm thủ tục chuẩn bị 10 giờ mổ.
"Lúc này mình đau hơi nhiều nhiều nên khá nhăn nhó. Bác sĩ thấy vậy nên kêu lên bàn để khám. Khám xong bác nói cổ tử cung mở 2 phân rồi. Máu báo cũng có rồi. Mình mừng quýnh, lập tức xin xuất viện", chị Cầm kể tiếp.
Để được xuất viện, chị Cầm phải ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có biến chứng xảy ra. Chị ký ngay và gọi điện cho chồng con báo không xuống viện nữa. Sau đó, chị tự lấy xe máy chở mẹ đẻ về nhà dù cơn gò đang "hành hạ".
Ca sinh thành công mỹ mãn, bé chào đời nặng 3,5kg
Khi chị Cầm về đến nhà thì cơn gò đã bắt đầu theo chu kỳ khoảng 7-10 phút/lần. Vì chưa đau lắm nên chị vẫn ăn uống, tắm rửa bình thường, đợi đến khi đau dồn mới đến bệnh viện.
Đến 16h chiều, khi cơn đau nhiều hơn, chị gọi taxi đến bệnh viện để sinh thường. Sau khi khám và làm mọi thủ tục, 19h chị được lên nằm phòng chờ sinh.
"Lúc đó bác sĩ vào khám bảo mới mở 2cm thôi, mình hoang mang lắm. Trời ơi chịu đau cả ngày trời mà vẫn cứ 2 phân thì bao giờ mới được đẻ. Lát sau mình được đặt máy theo dõi tim thai thì tự nhiên lại không có cơn đau nữa. Mình lúc đó chỉ sợ cổ tử cung không mở tiếp như lần trước và lại phải sinh mổ", chị Cầm nhớ lại.
Qua cả một đêm chịu đau, đến 9h10 sáng hôm sau, chị Cầm càng hoang mang khi bác sĩ tiếp tục khẳng định cổ tử cung vẫn mới mở được 2cm.
"Khoảng 20 phút sau thì mình bị vỡ ối. Đau đến mức không đứng vững nữa, chân run run luôn. Mình lại nhờ bác sĩ khám nữa, bác sĩ nhăn mặt kêu mới khám xong mà nhưng mình khẳng định đau lắm và vỡ ối rồi nên bác sĩ khám cho và không ngờ đã mở 4 phân.
Hai bé nhà chị Cầm khi mới sinh.
Mình mừng quá vì mình đăng ký phòng sinh gia đình, theo quy định thì khi cổ tử cung mở 4cm người nhà sẽ được vào phòng. Gặp được chồng giúp mình yên tâm hơn nhiều.
Đến 22h chị nữ hộ sinh qua khám cho mình bảo là mở 7-8 phần rồi, ráng chút nữa. Chị ấy cũng đi gọi bác sĩ xuống chuẩn bị luôn. Khoảng 5 phút sau, bác sĩ khám thì cổ tử cung đã mở trọn rồi. Lúc mở 7-8p thì mình ráng kiềm lại không rặn, đến khi mở trọn bác sĩ kêu rặn thì mình lại không mắc rạn nữa mới oái oăm.
Sau đó mình cố rặn 7-8 hơi theo hướng dẫn mà em bé cứ trồi thụt vào mà tim thai giảm còn 78-80 thôi. Lúc đó bác sĩ sợ em bé thiếu oxy nên nói với mình ráng thêm hơi nữa, nếu vẫn không được thì sẽ dùng kẹp trợ sinh. Nghe tới đó mình sợ lắm rồi. Cùng lúc đó bác sĩ rạch tầng sinh môn nên mình rặn hơi cuối cùng là em bé ra luôn. May quá!", chị Cầm kể lại từng chi tiết trong quá trình sinh bé.
Vậy là cuối cùng chị đã thực hiện được mong muốn sinh thường sau sinh mổ. Em bé chào đời lúc 40 tuần 1 ngày, nặng 3,5kg, dài 52cm.
Sinh thường nên bé thứ 2 nhà chị Cầm được hưởng trọn 72 giờ vàng sữa non.
Chị Cầm cho biết mình hoàn toàn hài lòng với ca sinh này và khẳng định nó hoàn toàn không "liều" như nhiều người nghĩ. Bản thân chị đã tìm hiểu rất kỹ càng và cũng luôn làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau ca sinh, chị thấy bản thân được nhiều cái lợi hơn.
"Mình sinh 22h30 hôm trước thì đến 6h sáng hôm sau đã tự dậy và làm vệ sinh được rồi. Không như lần trước sinh mổ phải mất 2 ngày mới ngồi dậy được. Mình sinh thường, bé khoẻ nên theo mẹ luôn và được thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh, được bú ngay khi lọt lòng nên giờ bé ti mẹ trực tiếp rất nhàn", chị Cầm cho biết.
Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Cầm hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho những bà mẹ đã từng sinh mổ và mong muốn sinh thường lần thứ hai.
"Sinh thường sau sinh mổ không có gì là bất khả thi cả. Theo kinh nghiệm của mình thì các mẹ trước tiên phải quản lý cân nặng khi mang thai hợp lý. Mình chỉ tăng 8kg nên lúc đi đẻ rất nhẹ nhàng. Quan trọng hơn, mẹ phải giữ được sự lạc quan, ý chí vững vàng và tin vào bác sĩ", chị nhắn nhủ.