Nếu chưa từng một lần sinh nở, mẹ sẽ ngạc nhiên khi bác sĩ phát cho bộ đồ thùng thình mà không hiểu mình mặc thế nào hay được thăm khám “vùng kín” liên tục cũng như thụt rửa khi đẻ mổ…
Dưới đây là những việc sẽ diễn ra trong phòng sinh mà không phải bà mẹ nào cũng biết trước:
Thay bộ đồ chỉ riêng sản phụ mới có
Khi có dấu hiệu chuyển dạ và được khám sơ qua tình hình, bác sĩ sẽ cho mẹ thời gian khoảng 15 phút chuẩn bị trước khi vào phòng chờ sinh và bạn cũng sẽ được phát một bộ đồ rộng thùng thình, có thể là quần áo hoặc váy liền. Sở dĩ bộ đồ này rất rộng là bởi để thuận lợi cho việc khám cổ tử cung cũng như việc đỡ đẻ sau này.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên chuẩn bị sẵn quần lót giấy để mặc sẽ tiện lợi hơn rất nhiều so với quần lót vải.
Mẹ sẽ được mặc bộ đồ sản phụ rộng rãi để bác sĩ dễ dàng khám trong quá trình chuyển dạ. (ảnh minh họa)
Vệ sinh “vùng kín”
Không phải tất cả các trường hợp đi đẻ nhưng hầu như các mẹ sẽ được làm sạch vùng bikini dù sinh thường hay sinh mổ nhằm đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khi em bé chào đời. Thao tác làm sạch này rất nhanh và chuyên nghiệp. Việc làm sạch này cũng để không cản trở tầm nhìn của bác sĩ khi đỡ đẻ và khám trong quá trình chuyển dạ.
Tháo thụt hậu môn
Sản phụ sẽ được bơm thuốc tháo thụt trước khi chính thức nhận giường nằm đặc biệt là những bà mẹ sinh mổ. Thao tác này rất nhanh, và bạn phải nhanh chóng đi vào nhà vệ sinh vì bạn không thể kìm chế được nhu cầu “xả hàng”. Tháo thụt sẽ giúp ruột bạn sạch sẽ, không bị khó chịu hoặc không bị rơi vào tĩnh trạng bỗng dưng mắc đi nặng khi đang đau đẻ. Dĩ nhiên, sau đó nếu bạn đói bạn vẫn có thể được ăn uống đúng bữa bình thường (trong trường hợp bạn chuyển dạ lâu hơn bình thường).
Khám âm đạo
Hầu như các mẹ rất sợ khám vùng kín. Đó là thủ thuật để bác sĩ đo độ dãn cổ tử cung. Bác sĩ sẽ đeo găng tay và dùng ngón tay đưa vào cửa mình của bạn để xem chừng cổ tử cung. Nếu bạn gồng mình, thao tác khám trong của bác sĩ sẽ khó hơn và dĩ nhiên bạn sẽ đau hơn. Trong mỗi lần sinh con, có thể bạn sẽ “được” khám trong cả chục lần có dư, từ lúc bạn bước vào phòng nhận bệnh cho đến khi bạn sinh con thành công. Và hầu như là các bà đẻ rất sợ thủ thuật khám trong này.
Rặn ra cả...phân
Thật không may, đại tiện không kiểm soát khi chuyển dạ làm nhiều sản phụ lo lắng vì xấu hổ. Nguyên nhân là do các cơ để đẩy em bé ra ngoài cũng thuộc nhóm cơ khi đi đại tiện. Vì vậy, nếu bạn đang rặn đẻ, có khả năng bạn cũng rặn ra cả… phân. Mặc dù trước khi lên bàn đẻ bạn đã được y tá tháo thụt hậu môn nhưng nếu chẳng may lúc đẻ bạn vẫn rặn ra chút phân thì đừng ngại vì rặn ra phân trong cơn chuyển dạ không phải chuyện quá nguy hiểm. Bác sĩ và y tá sẽ cảm thông với bạn trong tình huống này.
Đại tiện trong quá trình sinh nở khá phổ biến. (ảnh minh họa)
Rạch tầng sinh môn
Khoảng 80% bà mẹ khi đẻ thường sẽ bị rạch tầng sinh môn. Thực tế thì việc làm này rất có lợi giúp quá trình sinh nở của em bé nhanh chóng và dễ dàng hơn, tuy nhiên đây lại là nỗi ám ảnh với tất cả các bà mẹ. Khi rạch tầng sinh môn, có thể mẹ đang trong cơn đau đẻ nên sẽ không cảm thấy quá đau đớn nhưng sau khi em bé đã chào đời thì thật là kinh khủng khi bác sĩ tiến hành khâu tầng sinh môn. Những ngày sau đó, mỗi lần đi vệ sinh mẹ cũng sẽ vô cùng đau đớn, thậm chí nhiều bà mẹ còn không dám đi tiểu.
Để giảm bớt tình trạng này, mẹ nên sử dụng vòi hoa sen, xịt nhẹ nhàng khi đang đi tiểu sẽ giúp giảm bớt tình trạng đau.
Đẻ xong vẫn… rặn
Dù em bé đã chào đời an toàn thì những cơn co thắt vẫn còn để bạn rặn đẩy nhau thai. Sau khi bé được cắt dây rốn, các bác sĩ nhẹ nhàng kéo dây rốn và yêu cầu bạn rặn thêm. Rặn đẩy nhau thai có chút phiền toái khó chịu nhưng cũng không gì so sánh bằng niềm hạnh phúc em bé đã chào đời khoẻ mạnh.