Có những lần anh chị đi lạc cả vào rừng trên chiếc xe máy cũ, tìm mãi không thấy đường ra chỉ vì có người mách trong rừng ấy có ông lang bắt mạch cắt thuốc mát tay.
Năm 2004, anh Dũng chị Thành tổ chức kết hôn bằng một đám cưới giản dị mà theo lời chị là “cái gì cũng thiếu, chỉ có tình cảm là đủ đầy”. Suốt 13 năm, xung quanh anh chị chỉ toàn là những tiếng thở dài, niềm xót xa in hằn trên nét mặt của cặp vợ hiếm muộn. Mãi đến tuổi trên dưới 40, anh chị mới nở được nụ cười khi cô con gái đầu lòng kháu khỉnh chào đời.
Bố viêm tinh hoàn năng vô tinh trùng do biến chứng quai bị
Anh Dũng chị Thành nên duyên vợ chồng khi chị mới 25 tuổi. Lúc đó, điều kiện vật chất của hai bên gia đình đều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, tuy nhiên vì ông bà đều đã có tuổi nên anh chị cũng tính có con luôn để rồi tập trung làm kinh tế sau.
Thế nhưng “người tính chẳng bằng trời tính”, cả năm trôi qua dù không dùng bất kỳ biện pháp nào mà anh chị vẫn chẳng thấy tin vui. Những lời bàn ra tán vào bắt đầu xôn xao, gia đình chồng luôn bóng gió rằng nguyên nhân là do chị “tậm tịt không biết đẻ ”.
Em bé có cái tên dễ thương Nguyễn Ngọc Lê hay còn gọi là Sushi chính là thành quả của quá trình IVF hiện đại.
Thêm một năm nữa trôi đi, tin vui vẫn không đến, anh chị quyết định dùng số tiền dành dụm được ít ỏi của mình khăn gói đến một bệnh viện sản lớn ở Hà Nội tìm căn nguyên. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ làm anh chị như chết lặng: Anh bị viêm tinh hoàn năng do biến chứng của bệnh quai bị nên trước đây dẫn đến vô tinh (không có tinh trùng).
Trở về nhà với bao ánh mắt dị nghị của người đời lại khiến chị lại càng thương anh hơn, chị nói: “Chị thấy thương chồng, anh ấy hiền lành, chịu khó, chăm vợ từng chút một, không nghĩ lại có ngày ông trời thử thách vợ chồng như vậy. Mặc dù vẫn biết căn nguyên không phải xuất phát từ mình như mọi người xung quanh vẫn thường chì chiết nhưng tâm trạng chị cũng chẳng hề nhẹ nhõm chút nào”.
Những năm tháng ấy bóng mây đen như bao phủ gia đình anh chị, liên tiếp chỉ có những nỗi buồn chồng chéo nhau tưởng như vô tận: Kinh tế khó khăn, con mãi mà không có, họ hàng, hàng xóm bàn tán, dị nghị…
Suốt 13 năm trời mòn mỏi "tìm con" đã có lúc bố mẹ bé đã lạc cả vào rừng sâu không tìm được lối ra.
Hai vợ chồng đi “tìm con” lạc cả vào rừng trên chiếc xe máy cũ
Cảnh hiếm muộn chỉ 3 năm đã đủ xót xa, thế mà 3 chỉ là con số lẻ của những năm chị Thành anh Dũng gian khổ đi tìm con. Những năm tháng ấy càng nặng nề hơn vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Bởi vậy anh chị chỉ biết tìm đến những loại thuốc nam, thuốc bắc với mong mỏi điều kỳ diệu sẽ đến.
Chị tâm sự: “Khi ấy đúng là “lên rừng xuống biển”, rong ruổi hết tỉnh này sang tỉnh khác để cắt thuốc rồi cùng uống. Có những lần anh chị đi lạc cả vào rừng trên chiếc xe máy cũ, tìm mãi không thấy đường ra chỉ vì có người mách trong rừng ấy có ông lang bắt mạch cắt thuốc mát tay".
Mười năm trôi qua, không biết bao nhiêu thang thuốc anh chị đã uống, bao nhiêu nơi anh chị đã đi, bấy nhiêu lần định buông tay nhau mà không đành, anh chị quyết định vay mượn thêm tiền để đặt niềm tin vào phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại: Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Năm 2016, anh chị tới trung tâm công nghệ phôi tại Hà Nội, sau thủ thuật PESA (chọc hút tinh trùng từ mào tinh), bác sĩ vui mừng thông báo anh chị có thể làm IVF vì có tìm thấy một số lượng nhỏ tinh trùng của anh. Ngay từ lần đầu tiên chuyển phôi, chị có thai.
Thế nhưng, dường như “những cái gì dễ đến thì lại dễ mất đi”, được 9 tuần thì bác sĩ báo với anh chị rằng “không có tim thai”. Anh chị suy sụp, lại một lần nữa anh chị tìm đến thuốc bắc, thuốc nam với hi vọng mong manh sẽ cứu được em bé, nhưng chỉ 2 tuần sau đó, chị phải nhập viện cấp cứu vì thai đã lưu lâu trong bụng mẹ.
Sau hơn 1 năm trải qua nỗi đau sảy thai, khi hạnh phúc chưa kịp chạm tay đã vụt tan biến, anh chị quyết định vay mượn một lần nữa để viết tiếp giấc mơ về một đứa con.
Trong cơn túng quẫn tìm con, anh chị được một người bạn giới thiệu tới một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nơi điều trị những ca hiếm và khó về sinh sản. Được lời như cởi tấm lòng, anh chị không chút chần chừ, ngay sáng hôm sau khăn gói lên đường tới bệnh viện để được bác điều trị.
Tại đây, cũng giống như bao cặp đôi cần sự hỗ trợ của phương pháp hiện đại, chị được tiến hành chọc hút trứng, sau đó chuyển phôi. Rất may mắn, chị đã đậu thai ngay.
Để cán đích sinh hạ bé Sushi chị Thành đã gặp muôn vàn khó khăn.
Song, hành trình từ khi có thai đến khi cán đích sinh hạ bé Sushi của chị Thành cũng gặp muôn vàn khó khăn, theo lời chị nói, đó là: “Ông trời phải thử thách mình rồi mới trao mình quả ngọt được”.
Đến giữa thai kỳ, chị được chẩn đoán là bị nhau tiền đạo - một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Đến tuần thứ 31, chị bị ra máu bất thường ồ ạt, hai vợ chồng vượt gần 20km để đến bệnh viện cấp cứu.
Hình ảnh bàn tay anh lấm lem bùn vữa, bế vợ bầu chạy vào bệnh viện, đôi mắt ướt nhòa hốt hoảng khiến ca trực ngày hôm ấy không thể nào quên được. Được bác sĩ thăm khám và theo dõi, bằng mọi biện pháp giữ bé trong bụng mẹ từng ngày. Đến tuần thứ 36, chị đã hạ sinh bé Sushi khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ. Bé Sushi được anh chị đặt tên là Nguyễn Ngọc Lê - cùng tên với bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê – người trực tiếp khám, theo dõi và đón bé đến với thế giới giống như một lời tri ân người bác sĩ đã tận tình tận tâm giúp đỡ chị.
Cuộc trò chuyện với chị Thành khép lại bằng lời nhắn nhủ của chị: “Em ơi, nếu em có thể thì hãy động viên các mẹ đang làm IVF là hãy thật vững tin lên nhé, cứ đặt niềm tin vào bác sĩ, chắc chắn sẽ thành công thôi, đừng mẹ nào nản chí.”