Chỉ 30% số ca sẩy thai tìm được nguyên nhân và có cách chữa trị, phòng ngừa cho những lần mang thai sau.
Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén. Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con. |
PHẦN 6: Sẩy thai
Phần lớn các ca sẩy thai thường diễn ra trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Tỷ lệ sẩy thai thực tế có thể cao hơn nhiều, với khoảng một nửa số trường hợp mang thai bị sẩy, thường là ngay sau khi thụ thai.
Ngay cả hiện nay, khi việc kiểm tra có thể được thực hiện sớm và cho kết quả chính xác thì phần lớn các phụ nữ bị sẩy thai cũng không hề biết họ đã có thai. Trong nhiều trường hợp, trứng đã thụ tinh thậm chí còn chưa bám vào niêm mạc tử cung.
“Thai chết lưu” là một thuật ngữ được sử dụng cho trường hợp sẩy thai mà đứa trẻ đã chết, nhưng tử cung của người phụ nữ không trục xuất thai nhi, nhau thai và các mô trong một số tuần, vì vậy người đó có thể không biết rằng thai đã hỏng. Số ca bị thai chết lưu vào khoảng 1% trong số phụ nữ mang thai.
Khoảng từ 2 đến 5% các cặp vợ chồng phải trải qua việc “sẩy thai định kỳ”, nghĩa là họ đã trải qua ba lần hoặc thậm chí hơn ba lần sẩy thai liên tiếp. Đó là một số liệu thống kê đau lòng trong khi chỉ khoảng 30% số trường hợp bị sẩy thai định kỳ có thể xác định được nguyên nhân để tiến hành điều trị.
Dấu hiệu nhận biết sẩy thai
Người phụ nữ có thể không hề biết đã bị sẩy nếu việc này diễn ra trong vài tuần đầu của thai kỳ.
Trong tuần đầu tiên của thai kỳ, tế bào phân chia và tăng trưởng rất nhanh, và việc cấy ghép vào niêm mạc tử cung xảy ra khoảng một tuần sau khi thụ tinh. Hàm lượng nội tiết tố tăng lên một cách nhanh chóng và nếu bạn thử thai, bạn có thể nhận được kết quả dương tính. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, phôi thai hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.Có nhiều lý do khiến một phôi thai ngừng phát triển. Nếu điều này xảy ra trong những tuần đầu, nhiều phụ nữ sẽ không cảm thấy điều gì bất thường.
Đối với mỗi người các dấu hiệu sẩy thai có thể sẽ khác nhau, nhưng đặc trưng cơ bản là sẽ có chảy máu (có thể rất ít nhưng thường rất nhiều) và bị chuột rút – thường là mạnh hơn chuột rút bình thường và có thể khá đau đớn.
‘Dọa sẩy” là một thuật ngữ y tế cho các triệu chứng có thể xảy ra trong giai đoạn đầu của việc sẩy thai (mặc dù cũng có nhiều phụ nữ có những triệu chứng này khi mới mang thai nhưng sau đó các triệu chứng này biến mất và việc mang thai của họ vẫn bình thường.)Các triệu chứng của sẩy thai sớm bao gồm:
- Mất cảm giác điển hình khi mang thai như ngực căng lên và ốm nghén.
- Tiết dịch âm đạo (giống như một đốm chất nhầy, có thể là cả vết máu)
- Ra máu lấm chấm hoặc chảy máu.
- Chuột rút nhẹ
Nếu bạn thấy các dấu hiệu này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ, người chăm sóc hoặc vào bệnh viện ngay lập tức.Đáng tiếc là không thể làm gì để ngăn việc sẩy thai nhưng điều quan trọng là có được sự tư vấn từ bác sĩ, kiểm tra xem bạn cần phải nhập viện hay không, và để đảm bảo bạn không gặp nguy hiểm.
Khoảng từ 2 đến 5% các cặp vợ chồng phải trải qua việc “sẩy thai định kỳ”. (ảnh minh họa)
Những nguyên nhân sẩy thai
Nhìn chung đa phần phụ nữ bị sẩy thai thường cảm thấy có lỗi và họ rất muốn biết vì sao mình lại bị sẩy.
Trong một số trường hợp, có thể tiến hành kiểm tra để xác định nguyên nhân sẩy thai, nhưng đa phần là không thể tìm ra lý do chính xác.
Việc sẩy thai thường phức tạp, và thường do một số yếu tố khác nhau.Tuy nhiên, chúng ta biết rằng có rất nhiều lý do phổ biến dẫn đến việc sẩy thai và trong đa số trường hợp, việc này nằm ngoài kiểm soát của các cặp vợ chồng.Các lý do bao gồm:
- Nhiễm sắc thể bất thường ở em bé (đây là nguyên nhân gây ra một nửa số trường hợp bị sẩy thai).
- Trứng đã thụ tinh không bám được vào thành tử cung.
- Có vấn đề về hàm lượng nội tiết tố hoặc nhau thai.
- Sức khỏe của mẹ có những vấn đề như nhiễm trùng, sốt cao hoặc bị các bệnh như tiểu đường hoặc bệnh về tuyến giáp.
- Cổ tử cung có vấn đề.
- Tiếp xúc với chất độc hóa học, trong đó có khói thuốc lá và uống rượu.
- Sử dụng ít nhất 200mg caffeine mỗi ngày.
- Bà mẹ đã cao tuổi.
Một số nguyên nhân dẫn đến sẩy thai có thể được điều trị thành công, và một số thói quen sống cần phải thay đổi, nhưng đa số trường hợp không biết nguyên nhân.
Có bầu sau khi sẩy thai
Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau khi bị sẩy thai. Một số cặp vợ chồng cảm thấy buồn bã và chưa vội vã có bầu ngay, nhưng cũng có người muốn có bầu sớm sau khi sẩy thai để nhanh chóng vượt qua được mất mát vừa trải qua.
Ở góc độ y học, phụ nữ có thể để “dính bầu” sau khi vừa bị sẩy thai khoảng 4-6 tuần. Hầu hết các bác sĩ khuyên bạn nên kiểm tra sức khỏe trong vòng sáu tuần sau khi sẩy thai để đảm bảo rằng tử cung đã trở lại kích thước bình thường.Hầu hết các trường hợp, bạn tình cờ bị sẩy thai và không có nguy cơ bị tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn đã bị sẩy đến 3 lần liên tiếp, hoặc đang điều trị nguyên nhân sẩy thai, bạn cần chú ý nhiều hơn trước khi định có bầu lần nữa.
Giảm nguy cơ sẩy thai
Đối mặt với việc sẩy thai là điều không hề dễ dàng với cả người mẹ và gia đình thai phụ, tuy nhiên chị em nên biết rằng, tỷ lệ mang thai thành công sau khi sẩy thai liên tiếp trên 3 lần vẫn rất cao, lên đến 60%. Ngoài ra, cũng có thể làm 1 xét nghiệm tiên đoán nguy cơ sẩy thai trước khi mang thai bằng cách đo mức nội tiết tố luteinizing (LH), 1 loại nội tiết tố đóng vai trò kiểm tra các nội tiết tố khác quan hệ đến việc mang thai, bao gồm cả estrogen. Theo đó, nếu mức LH này quá cao trong suốt kỳ kinh nguyệt trước khi rụng trứng thì sẽ làm gia tăng nguy cơ sẩy thai.
Để ngăn ngừa sẩy thai, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ; bổ sung dưỡng chất đầy đủ, đặc biệt là các loại vitamin cần thiết cho thai kỳ như axit folic, sắt, canxi, vitamin C, E; giảm thiểu tối đa tiếp xúc với các chất độc bên ngoài môi trường; giảm căng thẳng, stress trong thai kỳ; sử dụng thuốc bổ và các loại thực phẩm hỗ trợ nội tiết tố vì khoảng 80% phụ nữ bị sẩy thai tái phát do mất quân bình nội tiết; nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc; giảm hoặc không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê v.v…
Để hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ, mời các mẹ đón đọc các kỳ dưới đây vào 0h00 thứ 4 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ: Phần 7: Các bất thường về nhau thai Phần 8: Tiền sản giật Phần 9: Vỡ ối non Phần 10: Huyết khối tĩnh mạch sâu Phần 11: Tiểu đường thai kỳ Phần 12: Ứ mật thai kỳ Phần 13: Đa ối - Thiểu ối |