Thai nhi tuần 19: Sự thay đổi của mẹ và bé như thế nào?

Ngày 21/05/2020 15:38 PM (GMT+7)

Thai nhi tuần 19 có nghĩa là bé yêu của mẹ đang ở tháng thứ 4 của thai kỳ và mẹ bầu đã vượt qua được một nửa chặng đường thai nghén. Vậy ở mốc này, bé phát triển như thế nào, cơ thể mẹ sẽ thay đổi ra sao?

Thai 19 tuần phát triển như thế nào?

Mẹ bầu đang gần bước qua một nửa hành trình mang thai, vậy đã bao giờ mẹ tự hỏi rằng thai 19 tuần nặng bao nhiêu và so sánh em bé của bạn với quả gì chưa? Thai nhi tuần 19 có kích cỡ ngang một quả xoài to, với trọng lượng khoảng 240g và dài khoảng 15,24 cm.

Bên cạnh đó, thai nhi còn có nhiều sự thay đổi mới mẻ. Lúc này, thận của bé đang sản xuất nước tiểu. Bộ não của bé cũng đang dần định hình các vùng đặc biệt về khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác và xúc giác.

Phổi của bé đang phát triển, với các đường dẫn khí chính (được gọi là tiểu phế quản) cũng bắt đầu hình thành trong tuần này. Tóc của bé đang dần xuất hiện. 

Thai nhi tuần 19: Sự thay đổi của mẹ và bé như thế nào? - 1

Thai nhi tuần 19 có kích cỡ ngang một quả xoài to. (Ảnh minh họa)

Lớp lông tơ mềm mại bao phủ cơ thể bé cũng đang dần hình thành. Vào thời điểm này, một lớp chất sáp gọi là vermix caseosa đang bao phủ lên da em bé, chất sáp này có tác dụng bảo vệ làn da nhạy cảm của bé khỏi bị nhăn nheo, trầy xước trong dịch ối.

Vậy vị trí của thai nhi tuần thứ 19 như thế nào trong bụng mẹ? Do còn quá nhiều không gian nên em bé sẽ di chuyển thoải mái trong bọc nước ối. Tuy nhiên, hầu hết thời gian, đầu của thai nhi sẽ hướng lên ngực của mẹ, trong khi bàn chân kéo dài tới đáy tử cung. 

Thai 19 tuần biết làm gì? 

Thai nhi tuần 19 bắt đầu kiểm soát được nhiều hành động của mình hơn, vì những noron vận động giữa cơ bắp và não bộ được kết nối. Bé có thể đá chân, cuộn mình và trải dài người bất kỳ khi nào bé thích, tuy nhiên vào thời điểm này, có thể chỉ có mẹ mới cảm nhận những chuyển động này. 

Ở tuần 19, em bé cũng đang phát triển chu kỳ giấc ngủ. Điều đó có nghĩa là mẹ sẽ bắt đầu nhận thấy em bé di chuyển nhiều hơn trong những thời điểm nhất định trong ngày. Đây là lúc em bé thức và bơi xung quanh trong bọc ối. 

Không chỉ vậy, thai nhi 19 tuần đã biết biểu lộ cảm xúc thông qua các cú đá, uốn người. Bé còn có thể nghe rõ nhịp tim cũng như sự chuyển động của hệ tiêu hóa vì tai đã phát triển ổn định.

Siêu âm thai tuần 19

Khi siêu âm, bác sĩ sẽ quét gần như toàn bộ cơ thể của em bé, bao gồm não, cột sống và tim, để biết các cơ quan có phát triển bình thường hay không. Thông qua hình ảnh thai nhi 19 tuần trong bụng mẹ, các bác sĩ đã có thể xác định được giới tính của bé.

Thai nhi tuần 19: Sự thay đổi của mẹ và bé như thế nào? - 2

Siêu âm thai 19 tuần sẽ xác định được giới tính của bé. Ảnh minh họa

Nếu em bé của bạn là gái thì tử cung, âm đạo, ống dẫn trứng của bé đã hình thành và buồng trứng của bé chứa khoảng 6 triệu trứng. Nếu đó là một bé trai, cơ quan sinh dục của bé đang dần phát triển và tinh hoàn của bé đã hình thành. 

Ngoài siêu âm, mẹ bầu có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm nước tiểu, đường huyết, kiểm tra thể chất trong lần này. 

Thai 19 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg?

Khi mang thai 19 tuần, mẹ bầu có thể sẽ bắt đầu lo lắng về việc tăng cân, vì có lẽ tới thời điểm này, mẹ bầu đã tăng khoảng 2-6 kg tính từ lúc bắt đầu mang thai. Nếu cân nặng của mẹ bầu tăng cao hơn hoặc thấp hơn mức đó, mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ để tránh tình trạng lo lắng mỗi ngày.

Những triệu chứng mẹ gặp phải khi mang thai tuần thứ 19

1. Đau bụng dưới

Đau dây chằng do áp lực của thai nhi đang phát triển có thể là nguyên nhân khiến mẹ bị đau bụng dưới khi mang thai. Nếu cơn đau này không dữ dội hoặc không kèm theo dấu hiệu nguy hiểm khác thì nó sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

2. Hoa mắt, chóng mặt

Hoa mắt, chóng mặt khi mang thai có thể là do tử cung ngày càng phát triển gây áp lực lên các mạch máu trong cơ thể người mẹ. Thêm vào đó, thai nhi phát triển lớn hơn khiến tử cung giãn ra, chèn lên trên gây tắc nghẽn phổi, khiến lượng oxy trong phổi ít đi, gây ra tình trạng chóng mặt. Tuy nhiên, triệu chứng chóng mặt đi kèm một số dấu hiệu khác, bao gồm mất nước, thường xuyên cảm thấy đói thì mẹ nên chú ý tới sức khỏe của bản thân cũng như chế độ dinh dưỡng hơn.

3. Chuột rút

Nếu chân bị chuột rút khi mang thai, mẹ có thể giảm cơn đau bằng cách duỗi thẳng chân, hoặc uốn cong ngón chân về phía ống chân, hoặc xoa bóp bắp chân và dùng khăn ấm để chườm vùng bị chuột rút.

Thai nhi tuần 19: Sự thay đổi của mẹ và bé như thế nào? - 3

Mẹ bầu có thể bị chuột khi mang thai. Ảnh minh họa

4. Đau hông

Nếu mẹ bầu bị đau hông khi nằm ngủ vào ban đêm thì mẹ hãy thử nằm nghiêng với một cái gối kẹp ở giữa hai đầu gối.

5. Buồn nôn

Triệu chứng buồn nôn thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất, nhưng nếu tới tuần 19 mà mẹ vẫn cảm thấy buồn nôn hoặc ốm nghén, tốt hơn hết mẹ nên trao đổi với bác sĩ để chấm dứt tình trạng này. Chia nhỏ các bữa ăn cũng giúp mẹ giảm bớt cơn buồn nôn.

6. Khó ngủ

Nếu bị khó ngủ, mẹ có thể chèn thêm gối xung quanh bụng. Tạp thể dục nhẹ nhàng trong ngày, tránh xa thức uống chứa caffein cũng giúp mẹ ngủ ngon hơn.

7. Tóc

Nếu vài tuần trước, bạn đang than vãn tóc rụng nhiều thì ở tuần này, tình trạng rụng tóc đã giảm bớt. Tóc của bạn có thể dày và óng mượt hơn trước.

Ngoài những triệu chứng trên, mẹ bầu có thể gặp một số triệu chứng khác ở mốc thai nhi tuần 19, chẳng hạn như mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, tăng cân, ngực nở, thèm ăn, táo bón, rạn da, nghẹt mũi, có đường sọc nâu ở bụng,...

Lời khuyên cho mẹ bầu trong tuần 19

1. Hỏi bác sĩ về nhiễm trùng nấm men

Mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng nấm men trong tam cá nguyệt thứ 2 hơn so với các giai đoạn khác. Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh trong thời gian này là rất khó, nên mẹ đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu của nhiễm trùng nấm men.

2. Ăn thành nhiều bữa nhỏ

Thai nhi tuần 19: Sự thay đổi của mẹ và bé như thế nào? - 4

Mẹ bầu nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh đầy bụng. Ảnh minh họa

Ăn nhiều thực phẩm một lúc sẽ tích hơi trong dạ dày, khiến hệ thống tiêu hóa bị quá tải. Vì vậy, mẹ bầu nên ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn. Bổ sung chất xơ vào bữa ăn hàng ngày là rất quan trọng, nhưng nếu mẹ bầu ăn quá nhiều chất xơ có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, chướng bụng.

3. Tìm lớp học tiền sản

Mẹ có thể sẽ không tham gia lớp học tiền sản cho tới tam cá nguyệt thứ 3, thế nhưng lúc này mẹ bầu cũng nên lên danh sách, chọn lọc những lớp học uy tín để tham gia sau này. Lớp học tiền sản sẽ trang bị nhiều kiến thức bổ ích cho các mẹ từ việc các dấu hiệu trong thai kỳ cho tới chuyện “vượt cạn”.

4. Hạn chế phơi nắng

Sự thay đổi màu da là rất phổ biến trong thai kỳ. Mặc dù bạn không thể làm bất cứ điều gì vì thủ phạm gây ra sự thay đổi này chính là hormone, nhưng bạn có thể hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời để làm chậm quá trình thay đổi. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay và luôn thoa kem chống nắng khi đi ra ngoài.

5. Đặt lịch siêu âm 3D

Siêu âm 3D hoặc 4D ở mốc thai nhi tuần 19 không chỉ giúp bạn được nhìn thấy con yêu mà còn cho biết những chỉ số phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện những bất thường nếu có.

NGUỒN THAM KHẢO

19 weeks pregnant - What To Expect

Pregnancy week by week - The Bump

19 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and More - Healthline

19 weeks pregnant - FLO

Thai nhi 19 tuần mẹ bị đau bụng dưới có nguy hiểm không?
Khi mang thai 19 tuần, người mẹ có thể bị đau bụng dưới là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó lại là dấu hiệu nguy hiểm, ảnh...

Hà Phương (Dịch từ What To Expect; The Bump; Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thai nhi 19 tuần