Quả lựu chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe người bình thường và mẹ bầu.
Con có má lúm đồng tiền là mong muốn của nhiều bà mẹ ngay từ khi đang mang bầu. Một số người quan niệm, để con có má lúm đồng tiền thì nên ăn lựu hoặc véo nhẹ vào má bé có má lúm trong thời gian mang bầu. Điều này thực hư thế nào? Để làm rõ quan niệm này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ. Hiện làm việc tại Phòng khám sản phụ khoa Song Hà) về vấn đề trên.
|
Rất nhiều chị em quan niệm rằng trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu ăn nhiều quả lựu sau này sinh con ra sẽ có má lúm đồng tiền. Xin bác sĩ cho ý kiến về vấn đề này?
Lúm đồng tiền trên mặt là do sự co cơ của một loại cơ bám da mặt gọi là cơ cười. Muốn tạo nên lúm đồng tiền phải có sự phối hợp giữa da mặt và một cơ bám phía dưới để khi cười sẽ làm cơ cười co lại tạo nên lúm đồng tiền.
Hiện tại theo y văn và các nghiên cứu trên thế giới chưa có bài viết nào chứng minh là bà bầu ăn nhiều quả lựu sẽ đẻ con có má lúm đồng tiền. Tuy nhiên, theo tôi đây là phương pháp dân gian vô hại chị em có thể áp dụng mà không gây ảnh hưởng gì đến sự phát triển em bé.
Theo bác sĩ, mẹ bầu ăn lựu có gây hại gì cho sức khỏe và thai nhi không?
Quả lựu chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe người bình thường và phụ nữ mang thai.
- Nước quả lựu giàu chất chống ôxy hoá polyphenol. Chất này rất quan trọng nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây lão hóa, các bệnh tim mạch, bệnh Azheimer và ngăn ngừa ung thư.
- Ngoài ra, nước ép quả lựu rất tốt cho thai phụ và sự phát triển trí não của thai nhi, giúp đứa trẻ sinh ra giảm nguy cơ bị tổn thương ở não và các bệnh lý tim mạch …
- Nước quả lựu chứa nhiều thành phần Natri, vitamin B2, sinh tố B, niaxin, vitamin C, canxi và photpho cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
Chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ ăn lựu hay véo nhẹ má khi mang thai sẽ làm bé sinh ra có lúm đồng tiền. (Ảnh minh họa)
- Nước quả lựu cũng có tác dụng kháng khuẩn, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Nước ép lựu còn làm giảm quá trình hình thành các mảng bám trong các động mạch hạn chế được các bệnh tim mạch.
- Dầu hạt quả lựu có khả năng ngăn ngừa ung thư và nhanh liền vết mổ đối với các bà mẹ sinh mổ hay nhanh liền vết may tầng sinh môn đối với các bà mẹ sinh thường.
Đối với những bà mẹ đang mang thai bị chứng huyết áp cao, ngoài việc khám thai để theo dõi huyết áp cũng có thể sử dụng nước ép lựu. Uống nước quả lựu mỗi ngày trong 2 tuần liên tục có thể giảm huyết áp.và giảm cholesterol. Nước quả lựu còn hỗ trợ giúp phụ nữ giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo…
Lựu cũng đã được sử dụng trong y học như một biện pháp tự nhiên để điều trị viêm họng, ho, nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt là các rối loạn tiêu hóa, rối loạn da, viêm khớp…Tuy nhiên, khi mang thai, bà bầu cần chú ý nguồn gốc xuất xứ của loại trái cây mình cần mua, vì hiện nay trên thị trường có một số loại hoa quả chứ hàm lượng chất bảo quản thực phẩm cao, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Ngoài lựu, bà bầu nên ăn những loại trái cây nào để tăng cường vitamin tự nhiên cho cơ thể, thưa bác sĩ?
Trái cây tự nhiên rất tốt cho sức khỏe nói chung và bà mẹ mang thai nói riêng. Trái cây giống như rau tươi, đây được coi là nguồn thực phẩm không thể thiếu đối với phụ nữ mang thai vì ngoài cung cấp vitamin còn cung cấp chất xơ, chống táo bón. Những chất có trong trái cây sẽ giúp hai mẹ con cùng khỏe mạnh, giảm nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ.
Các loại trái cây như: táo, lê, cam, chuối, mãng cầu, nho… rất dễ tiêu hóa, tốt sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, bà bầu có thể lựa chọn loại quả mình ưa thích. Thêm nữa, với người mang thai nên uống nước cam, chanh, bưởi… chứa rất nhiều vitamin C có tác dụng làm cho răng lợi khỏe mạnh, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể để phòng ngừa cảm cúm. Trái cây còn giàu axit folic có tác dụng ngăn ngừa chứng khuyết tật ống thần kinh ở trẻ. Chất này có trong những loại quả màu vàng đậm như: mơ, đào, dâu tây… Rau xanh đậm màu cũng cung cấp nhiều chất sắt rất tốt cho mẹ và bé.
Trái cây cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho bà bầu (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ, trong thai kỳ, bà bầu nên chú ý chế độ ăn như thế nào để cân nặng không tăng quá nhiều mà em bé vẫn khỏe?
Đây là điều mà bất cứ bà bầu nào cũng mong muốn. Việc tăng cân không nhiều không chỉ giúp bạn kiểm soát được tình trạng sức khỏe mà còn tránh được sự nặng nề làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khó khăn trong việc giảm cân về sau.
Nếu trong thai kỳ, tăng cân quá nhiều có thể dễ mắc những bệnh do cao huyết áp gây ra như: tiền sản giật, sản giật, sinh non, tiểu đường, xương khớp... Tuy nhiên, khi mang thai, không thể ăn uống khắc nghiệt, kiêng khem quá mức để giảm cân hay áp dụng những bài tập thể dục với cường độ cao. Những điều này đều không tốt cho bà bầu và sự phát triển của em bé.
Để tránh tăng cân quá mức, bà bầu nên hạn chế thức ăn nhiều đường và sản phẩm nhiều năng lượng như bánh kem, bánh ngọt, kẹo và kem, hạn chế dầu mỡ trong thức ăn, giảm bớt lượng tinh bột, tăng các thực phẩm nhiều đạm như thịt bò, tôm, cua, cá… Ngoài ra, lựa chọn ăn thêm trái cây, uống nước cam hay chanh…
Bà bầu cũng nên tập thể dục, yoga nhẹ nhàng đều đặn cùng với thực đơn ăn uống hàng ngày lành mạnh khi mang thai sẽ giúp tăng cân ít hơn nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe cho em bé. Nói tóm lại, ăn uống và tập thể dục đúng cách và khoa học sẽ giúp bạn và bé giảm nguy cơ mắc phải những bệnh tật không mong muốn.
Xin cảm ơn bác sĩ đã trả lời phỏng vấn!