Từ xưa đến nay, mọi người vẫn quan niệm đẻ bọc điều (trẻ sinh ra khi vẫn nằm trong túi ối) là có số may mắn, mang lại nhiều may mắn cho cả gia đình.
Sinh bọc điều là bé sơ sinh dù đã chào đời nhưng em bé vẫn nằm gọn trong túi nước ối chưa vỡ của người mẹ. Theo quan niệm xưa, đẻ bọc điều được coi là dấu hiệu của sự may mắn và những trẻ chào đời như thế này sẽ luôn được chở che, bảo vệ, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng, chúng còn có thể trở thành những vĩ nhân trong tương lai. Tuy nhiên, đây là trường hợp khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1/80.000 ca và tại Việt Nam cũng đã ghi nhận những ca sinh đặc biệt này.
Theo như TS. BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Đại học Y Dược Tp. HCM, Trưởng Phòng khám Phụ sản Hoàng Gia cho biết đẻ bọc điều một trong những trường hợp rất hiếm gặp trong sản phụ khoa. Và trong gần 20 năm làm nghề cho đến nay, anh chỉ gặp 2 trường hợp trẻ sinh bọc điều.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung. |
“Từ bọc điều là từ dân gian thường dùng cho trường hợp em bé sinh ra trong bọc ối còn nguyên vẹn. Sau khi bọc ối chứa thai nhi được sinh ra khỏi âm đạo, bọc ối vỡ ra và em bé chào đời.
Trẻ sinh bọc điều rất hiếm gặp bởi thông thường khi chuyển dạ, sau khi cổ tử cung đã mở, dước tác động của cơ gò tử cung làm tăng áp lực trong buồng ối, màng ối sẽ vỡ, và nước ối chảy ra ngoài. Thông thường, màng ối rất mềm, mỏng và dễ vỡ. Do đó, tình trạng màng ối được giữ nguyên vẹn cho đến lúc em bé sinh ra rồi mới vỡ rất hiếm gặp”, bác sĩ Trung cho hay.
Cũng theo bác sĩ Trung chia sẻ thêm, trẻ sinh bọc điều có thể gặp ở cả sinh thường lẫn sinh mổ và trẻ sinh bọc điều không hề có nguy cơ đáng lo sợ nào vì em bé được bao bọc và bảo vệ hoàn toàn bởi màng ối trong suốt cuộc chuyển dạ sinh. Tuy nhiên, đối với trẻ sinh bọc điều ngả âm đạo hiếm gặp hơn rất nhiều so với sinh mổ.
“Trong 20 năm làm nghề tôi mới gặp 2 trường hợp. Trường hợp đầu tiên là sinh mổ cách đây khoảng 1 năm và trường hợp gần đây nhất là sinh thường ngả âm đạo. Cả hai trường hợp có đặc điểm chung là sinh thai thứ 2 trong song thai và đều là ngôi mông (ngôi ngược).
Thông thường, sau khi nguyên bọc ối chứa thai nhi được sinh ra, bọc ối sẽ tự động vỡ ra và em bé chào đời. Tuy nhiên, nếu bọc ối không tự động vỡ các bác sĩ làm ối vỡ để em bé chào đời và việc cắt dây rốn được thực hiện sau khi mạch máu dây rốn ngừng đập”, bác sĩ Trung giải thích.
Ca sinh nở mà bác sĩ Trung mới chứng kiến là một bé gái được sinh ra nguyên trong bọc ối (bọc điều) với ngôi thai ngược (ngôi mông).
Nói về câu nói trẻ sinh bọc điều có số sướng, bác sĩ Trung cũng cho biết đó là trường hợp hiếm gặp nên cha ông xưa quan niệm như vậy còn hiện nay chưa có những bằng chứng nào để xác định được quan niệm này là đúng hay không. Tuy nhiên, những trường hợp sinh bọc điều như vậy, cả ekip phẫu thuật và sản phụ đều vui mừng vì là trường hợp hiếm gặp và thú vị.
Với hai trường hợp trẻ sinh bọc điều mà bác sĩ đã gặp, tuổi thai đều khoảng 35-36 tuần tuổi và trẻ sinh ra nặng hơn 2kg.
Trẻ sinh bọc điều có thể nhìn rõ tay, chân và các bộ phận trên cơ thể qua màng ối. (Ảnh Internet)
“Vấn đề chăm sóc em bé sinh ra trong những trường hợp sinh thường khác và và những trường hợp sinh bọc điều không khác nhau. Trẻ sinh bọc điều là cuộc sinh nhẹ nhàng và sức khỏe em bé cũng giống như những em bé sinh thường khác nên các bà mẹ không phải lo lắng gì”, Bác sĩ Trung tư vấn.
Được biết, vào tháng 9/2016, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội đã gặp một trường hợp sản phụ ở Thái Nguyên sinh con hy hữu khi cả 3 em bé (trong một ca sinh ba) ra khỏi bụng mẹ với bọc ối vẫn còn nguyên vẹn bao quanh người. Có thể nói trường hợp sinh bọc điều rất hiếm gặp và trường hợp sinh ba mà cả 3 bé khi lấy ra khỏi bụng mẹ vẫn còn nguyên trong bọc ối lại càng hiếm gặp hơn.