Tôi vừa nêu ý kiến đã bị cả nhà chồng xúm vào xỉa xói, nhưng có ở hoàn cảnh của tôi thì mọi người mới thấu.
Vợ chồng tôi lấy nhau 5 năm rồi. Cưới được 1 năm thì bố mẹ chồng chủ động cho chúng tôi ở riêng dù chỉ có một người con trai. Ông bà bảo không có nhiều tiền, chỉ có chút ít dưỡng già nên không hỗ trợ được gì, vợ chồng tự túc. Khi sinh bé lớn, hết thời gian nghỉ thai sản thì tôi có nói chuyện, nhờ bà nội trông cháu giúp để đi làm.
Tuy nhiên bà nói bình thường nếu thuê giúp việc phải hết 5-6 triệu, bà trông giúp thì phải trả bà 3 triệu/tháng. Tôi hơi bất ngờ vì nghĩ rằng con cái khó khăn đáng lẽ bà nên giúp đỡ. Nhưng suy đi tính lại không còn phương án nào tốt hơn nên chúng tôi đồng ý.
Bố chồng muốn tôi nghỉ việc để chăm sóc mẹ chồng đang bệnh. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng tôi gửi cháu cho bà trông 1 năm, sau đó cho bé đi mẫu giáo. Trong thời gian đó, ngoài tiền công 3 triệu/tháng, thi thoảng tôi vẫn mua thêm trái cây, quần áo biếu bà, dịp lễ Tết vẫn sắm đầy đủ quà cáp. Gần đây, mẹ chồng tôi bị bệnh, phải nằm một chỗ nên cần người chăm sóc. Tôi có một người chị chồng nhưng chị ấy lấy chồng ở tận miền Nam nên không thể về chăm sóc mẹ được. Nhà chồng tôi mở cuộc họp gia đình và muốn tôi sẽ nghỉ việc để sang chăm bà.
Tôi không đồng ý vì bây giờ nghỉ việc là mất một khoản thu nhập. Hơn nữa, tôi lại đang mang thai lần 2 được 9 tuần, bị nghén và rất mệt mỏi. Trong khi đó, bố chồng tôi còn khỏe, có thể chăm bà, nếu không thì tính đến phương án thuê người giúp việc xem sao.
Tuy nhiên, mẹ chồng tôi không thích người lạ chăm. Bố hay chồng tôi thì là đàn ông, việc chăm bà không tiện nên bà nhất định muốn tôi nghỉ việc để chăm. Lúc này, tôi nói: “Vậy mỗi tháng bố mẹ hỗ trợ con 3 triệu đồng nhé ạ”. Tôi vừa dứt lời thì cả nhà chồng nổi đóa, mắng mỏ con dâu không ra gì, bất hiếu, vô ơn, vô trách nhiệm.
Tôi không hiểu mình đã sai ở chỗ nào? Tôi đi làm lương được 5 triệu/tháng, chồng tôi thì cao hơn, khoảng 9 triệu/tháng. Với thu nhập đó, tôi phải khéo chi tiêu lắm mới đủ vì tiền học của con đã hết gần 3 triệu, tiền thuê nhà hơn 3 triệu, còn lại là ăn uống, ma chay, cưới hỏi,... Tôi lại đang có em bé thứ 2, áp lực kinh tế đè nặng, đến việc muốn mua gì đó ngon ngon ăn còn phải tính toán. Giờ tự nhiên nghỉ việc chăm mẹ chồng, thu nhập của chồng tôi thực sự không đủ trang trải.
Ngày xưa bà trông cháu lấy công 3 triệu/tháng, thì giờ tôi chăm bà cũng lấy công 3 triệu/tháng, tại sao tôi lại bị cả nhà chồng sỉ vả?
Nếu bây giờ tôi nghỉ việc, kinh tế của gia đình tôi sẽ rất khó khăn, nhất là khi tôi đang mang thai bé thứ 2. (Ảnh minh họa)
Chồng tôi thương vợ, bảo để anh nghỉ việc chăm mẹ nhưng bà nhất định không đồng ý. Anh khuyên tôi cứ bình tĩnh, đừng suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Mọi việc anh sẽ tìm cách giải quyết. Mặc dù vậy tôi vẫn ấm ức, khóc suốt khi bị nhà chồng xúc phạm, mắng mỏ không ra gì. Thương con nhưng không ngăn được nước mắt cứ rơi. Có lẽ tôi phải giục chồng tìm giải pháp cho chuyện này thôi, tôi sợ mình căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi trong bụng.
Stress trong thời gian mang thai ảnh hưởng thế nào đến mẹ và em bé?
- Trong thời gian mang thai, người phụ nữ phải đối diện với tình trạng thay đổi hormone nên nhạy cảm hơn rất nhiều, khả năng chịu áp lực cũng giảm đi. Khi đối diện thêm với những vấn đề không thuận lợi trong cuộc sống, áp lực không được giải tỏa, mẹ bầu có thể phải đối mặt với những tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe.
- Bà bầu bị stress sẽ có thể kèm theo những biểu hiện như đau ngực, đau tim, đau đầu, rối loạn nhịp thở, tim đập nhanh, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, giảm thị lực, tăng nguy cơ cao huyết áp,... Không chỉ vậy, phụ nữ mang thai bị stress còn dễ dẫn đến nguy cơ: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, hay quên, không tập trung, lo lắng, giận giữ, khóc nhiều,...
- Phụ nữ mang thai stress kéo dài làm tăng nguy cơ sinh non trong những tháng cuối thai kỳ.
- Tâm trạng của mẹ không tốt cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như: Thai bị nhẹ cân, dị tật, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi,...
- Để giữ được tâm trạng tốt trong thời kỳ bầu bí, thai phụ cần giữ lối sống lành mạnh, khoa học, vận động nhẹ nhàng, suy nghĩ tích cực, chia sẻ với những người xung quanh, đọc sách, nghe nhạc,... nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.