Ối vỡ non là một biến cố nguy hiểm trong thai kỳ, là mối lo lắng của các mẹ bầu, mối đau đầu với các bác sĩ.
Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén. Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con. |
PHẦN 9: Vỡ ối non
Vỡ ối non mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Vì vậy, bà bầu cần hiểu rõ bệnh lý và mối nguy hiểm để có kế hoạch dự phòng trước, tránh không để xảy ra điều đáng tiếc.
Nguyên nhân gây vỡ ối non
Theo các chuyên gia khoa sản, nguyên nhân của ối vỡ non không được xác định rõ ràng. Hiện nay, một số các yếu tố nguy cơ gây ra ối vỡ non đã có những bằng chứng xác thực đó là các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, lậu, herpers sinh dục... và các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm âm đạo do vi trùng, do nấm, do Trichomonas, viêm cổ tử cung. Đây là thủ phạm đóng vai trò gây ra ối vỡ non.
Những nguyên nhân làm thai nhi phát triển không tốt gây ra ối vỡ non như ngôi thai bất thường, ngôi ngang, ngôi mông, nhau tiền đạo, đa ối, đa thai, khung chậu hẹp. Người mẹ trong lúc mang thai mà hút thuốc lá, gây ối vỡ non cao gấp đôi ở những không hút thuốc lá trong thai kỳ. Ngoài ra các yếu tố khác, cơ địa cổ tử cung ngắn dưới 35 cm, hở eo tử cung, thể trạng suy dinh dưỡng ăn uống kém. Có tiền căn ối vỡ non.
Ối vỡ non là một biến cố trong quá trình thai kỳ, là mối lo lắng của các bà mẹ khi mang thai, mối đau đầu với các bác sĩ. (ảnh minh họa)
Hậu quả của vỡ ối non
Ối vỡ non làm tăng tỷ lệ sinh non, tăng tỷ lệ tử vong của trẻ ở thời kỳ sinh, tỷ lệ nhiễm trùng trong tử cung và tỷ lệ nhiễm trùng sau khi sinh tăng cao. Khi ối vỡ sớm, thai nhi vẫn chưa chào đời, thì cuống rốn là con đường vận chuyển chất dinh dưỡng và ôxy từ người mẹ cho thai nhi, có hai động mạch rốn và một tĩnh mạch rốn.
Sau khi cuống rốn trôi ra ngoài, thì những mạch máu trong cuống rốn bị đè ép, làm cho máu và ôxy của người mẹ không thể đi vào cơ thể thai nhi một cách thuận lợi, hay đi vào rất ít, làm cho thai nhi do thiếu ôxy mà dẫn đến ngạt thở trong tử cung, có khi ở cuống rốn bị cản trở hoàn toàn, gây tử vong thai nhi. Ối vỡ sớm có thể dẫn đến sinh non, thai nhi bú phải nước ối bị nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh bị ngạt thở, trụy thai nhi trong tử cung...
Ối vỡ sớm còn gây cho trẻ sơ sinh bị viêm phổi, kéo dài thời gian sinh, làm nên hiện tượng nhiễm khuẩn tử cung của thai phụ. Khi nước ối chảy ra hết, cũng có thể dẫn đến việc tử cung co rút không có sức, làm cho thời gian sinh càng kéo dài hơn. Trẻ lâu quá không sinh ra được, có thể phát sinh nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Dấu hiệu vỡ ối non
Ra dịch ối
Chẩn đoán ối vỡ non dựa trên các dấu hiệu: ra dịch ở âm đạo và xác định đó là dịch ối. Trong trường hợp điển hình người mẹ thấy ra dịch âm đạo lượng nhiều hoặc ra dịch rỉ rả âm đạo, đặc biệt khi đóng băng vệ sinh thấy dịch trắng thấm ướt băng vệ sinh, có mùi tanh nồng.
Đau bụng, sốt
Trong một số trường hợp kèm đau bụng, sốt. Vì nguy cơ nhiễm trùng do giai đoạn tiềm thời của cuộc chuyển dạ kéo dài cho đến lúc sanh, không nên khám âm đạo bằng tay nhiều lần. Đặt mỏ vịt vô trùng để chẩn đoán xác định ối vỡ, quan sát thấy nước ối đọng lại ở âm đạo hay chảy ra từ cổ tử cung, có thể ấn vào đáy tử cung trên thành bụng hay nói người mẹ ho lên một tiếng sẽ làm tăng áp lực ổ bụng để thấy dịch ối chảy ra từ lỗ cổ tử cung.
Từ những dấu hiệu nhận biết sớm trên, bà bầu nên đến kiểm tra ngay tại cơ sở y tế uy tín đề có cách điều trị kịp thời.
Đau bụng kèm sốt có thể là dấu hiệu mẹ bị vỡ ối non. (ảnh minh họa)
Điều trị vỡ ối non như thế nào?
Mục tiêu làm sao duy trì thai nhi trong tử cung người mẹ càng đến ngày đủ tháng là lý tưởng nhất. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi thai lúc vỡ ối, tình trạng sức khỏe của thai nhi, khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh, có chuyển dạ chưa, có nhiễm trùng hay không, lượng nước ối còn lại qua siêu âm và mức độ trưởng thành của thai nhi. Ngoài ra còn phụ thuộc các yếu tố khác như: số con, tiền căn mổ lấy thai…
Cách phòng ngừa vỡ ối non
Do nguyên nhân về ối vỡ non chưa xác định rõ ràng, mà chỉ xác định các yếu tố liên quan đến việc ối vỡ non. Do vậy công tác dự phòng hiện nay đã đi trước một bước. Chăm sóc ngay từ giai đoạn trước thụ thai cho các cặp vợ chồng có kế hoạch muốn sinh bé, bao gồm tổng thể từ bản thân của vợ và chồng và tìm hiểu gia đình về các bệnh lý di truyền và bệnh lý truyền nhiễm. Để có kế hoạch điều trị ngay trước khi thụ thai. Điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt viêm nhiễm đường sinh dục của người vợ. Mong muốn làm sao chất lượng tinh trùng và chất lượng trứng được tốt.
Ngoài ra, trước và khi đã thụ thai, mẹ cần điều trị dứt điểm nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung. Các bệnh nhiễm trùng qua đường sinh dục phải điều trị tốt. Khâu eo tử cung khi bị hở eo tử cung. Không hút thuốc lá. Dinh dưỡng trong lúc mang thai cần chú trọng đặc biệt sẽ giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Để hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ, mời các mẹ đón đọc các kỳ dưới đây vào 0h00 thứ 4 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ: Phần 10: Huyết khối tĩnh mạch sâu Phần 11: Tiểu đường thai kỳ Phần 12: Ứ mật thai kỳ Phần 13: Đa ối - Thiểu ối |