Xin chúc mừng mẹ, đến tuần thai nay coi như mẹ đã kết thúc hành trình 9 tháng 10 ngày mang thai và em bé đã sẵn sàng chào đời bất cứ lúc nào.
Thai nhi
Ở tuần thai cuối cùng này, cân nặng trung bình của bé vào khoảng 3,2-3,5 kg (tương đương một quả mít nhỏ) và tổng chiều dài đạt khoảng 48-52 cm.
Ngày trọng đại đã đến rất gần và không còn lâu nữa bạn có thể âu yếm, ngắm nhìn bé thỏa thích. Nhưng cũng đừng lo lắng nếu đến cuối tuần này mà bé vẫn chưa “chịu” chào đời. Chỉ khoảng 5% các bé sinh đúng ngày thôi, còn lại 75% bé thường chào đời sớm hoặc muộn hơn so với dự kiến 1-2 tuần. Và hầu hết các bác sĩ sẽ đợi thêm 2 tuần nữa kể từ ngày dự sinh, nếu bé nhất định không chịu chui ra, mới chỉ định sinh mổ.
Thai nhi tuần 40, xương sọ của bé vẫn chưa hoàn toàn khép kín, điều đó cho phép chúng có thể gối lên nhau một chút nếu sọ cần phải khít lại trong quá trình sinh. Khi đầu bé bị “cho vào khuôn” khi chào đời chính là nguyên nhân khiến đầu của bé bị nhọn sau khi sinh. Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm vì điều này hoàn toàn bình thường và chỉ là tạm thời thôi.
Thời gian này, dịch ối của bạn chuyển màu nhợt hơn , lớp da ngoài cũng đang bong tróc, nhường chỗ cho lớp da mới ở dưới.
Thai nhi 40 tuần tuổi
Cơ thể mẹ bầu
Đến tuần cuối cùng này, mẹ sẽ nhận thấy mình không tăng cân nữa. Thậm chí có một số trường hợp, sản phụ còn giảm cân nhẹ khi chỉ còn 2 – 3 tuần cuối. Đó cũng có thể coi là một trong những dấu hiệu bạn sẽ chuyển dạ trong vòng khoảng 10 ngày tới.
Bé đang nằm sát vùng xương chậu của bạn và chèn ép mạnh vào bàng quang của mẹ. Do đó, bạn sẽ thấy rất khó chịu và thường xuyên phải đi tiểu. Tuy nhiên vì bé đã ổn định trong vùng chậu của bạn nên các áp lực lên cơ hoành sẽ giảm đi, giúp bạn thở dễ dàng hơn.
Vào thời điểm này mẹ cũng thường thấy rất mỏi mệt và khó ngủ, đặc biệt vì bụng bạn đã quá to. Tử cung bạn cũng mềm dẻo và đàn hồi hơn để chuẩn bị thích nghi cho cuộc chuyển dạ sắp tới. Ngoài ra, mẹ còn có thể thấy bứt rứt và tê ở chân. Da bụng bạn cũng căng ra và có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Mẹ cũng sẽ thấy xuất hiện cơn “chuyển dạ giả vờ” với một loạt các cơn co ở lưng, vùng chậu và bụng dưới. Tuy nhiên, bạn nên nhận biết rằng, cơn chuyển dạ thật sự thường bắt đầu ở phía trên tử cung, qua vùng lưng dưới và sẽ lan tỏa ra toàn bộ tử cung. Cơ thể bạn đã sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ, thể hiện ở việc tiết dịch nhầy ở âm đạo.
Trong vòng khoảng 1 tuần sau đó, nắp nhầy đậy tử cung sẽ mất đi (nắp nhầy này có tác dụng bảo vệ tử cung bạn khỏi bị nhiễm khuẩn trong suốt thai kỳ). Khi nắp nhầy mất đi, nó có thể vẫn nằm ở đấy đến trước khi bạn chuyển dạ khoảng 1 tuần. Nếu bạn thấy ra chất màu hồng, nâu ở quần lót thì nên thông báo cho bác sĩ.
Bản năng "làm tổ" sẽ xuất hiện ở mẹ bầu trong những tuần cuối thai kỳ. (ảnh minh họa)
Túi ối có thể vỡ bất cứ lúc nào kể từ tuần 37 trở đi. Thông thường, sản phụ có thể thấy từng đợt nước ứa ra khỏi cửa mình. Nhưng cũng có trường hợp nước ối ra rất ít, tuy nhiên nếu xuất hiện thêm các cơn co đều đặn thì bạn nên đến thẳng bệnh viện.
Mẹ đang ở tuần cuối cùng của thai kỳ và bạn lo lắng mình có thể bị quá ngày. Tuy nhiên việc bạn bị quá ngày chỉ xảy ra khi bạn đã quá 42 tuần. Bạn cũng không nên quá lo lắng. Trên thực tế có rất nhiều sản phụ sinh lần đầu phải chờ đến 2 tuần sau ngày dự sinh mới chuyển dạ.
Mẹo hay cho mẹ
Những việc mẹ nên làm trong tuần này là:
- Kiểm tra lại mọi thứ một lần cuối để chắc chắn là không quên thứ gì.
- Sau sinh, sẽ có nhiều người muốn đến thăm. Tốt nhất là cố gắng hạn chế tối đa mọi người đến thăm trong tuần đầu sau sinh hoặc bất đắc dĩ thì không nên để thai phụ tiếp chuyện khách.
- Lúc này cả sản phụ và em bé đều đang cần được nghỉ ngơi.
Những ngày tháng sắp tới, mẹ sẽ vô cùng vất vả với việc chăm bé vì vậy lúc này, tốt nhất bạn nên tranh thủ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Bạn cũng nên để ý đến số lần bé cử động trong ngày. Dù bé không còn cử động nhiều nữa nhưng nếu số lần bé cử động trong ngày là ít hơn 10, bạn nên nhờ bác sĩ kiểm tra nhịp tim của bé đề phòng trường hợp bé bị mệt. Mẹ cũng đừng quên giúp chồng hiểu hơn về chuyện sinh nở và sau sinh để anh ấy có thể đỡ đần bạn trong thời gian sắp tới khi bạn ở cữ.
Triệu chứng mang thai 40 tuần
- Những triệu chứng phổ biến khi mang thai 40 tuần là:
- Cơn đau chuyển dạ giả
- Thai nhi ít hoạt động hơn
- Sôi bụng, khó tiêu
- Xuất hiện dịch nhầy ở cổ tử cung
- Tiêu chảy
- Đau vùng chậu
- Chuột rút
- Mất ngủ
- Bản năng làm tổ