Việc lạm dụng corticoid hoặc tự ý sử dụng loại thuốc này khiến không ít trẻ phải nhập viện vì những biến chứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn.
Thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa Medlatec liên tiếp tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi nhập viện do lạm dụng corticoid. Trường hợp đầu tiên là bé gái L.M.T. (11 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, mặt béo, cơ thể xuất hiện tình trạng mọc nhiều lông.
Gia đình cho biết, ban đầu thấy con mặt béo, tăng cân... thì nghĩ rằng có thể con dậy thì nên vậy. Tuy nhiên, khi khai thác bệnh sử thì phụ huynh bé T. cho biết, cháu có tiền sử 1 năm dùng corticoid dạng xịt để điều trị viêm mũi dị ứng.
Bé gái có những dấu hiệu bất thường khi sử dụng corticoid.
Cùng thời điểm bé T. đến khám, bệnh viện cũng tiếp nhận bé N.Đ.M. (13 tuổi, ở Bắc Từ Liêm) vào viện khám trong tình trạng tăng cân không kiểm soát liên tục trong 4 năm, trên cơ thể xuất hiện nốt bầm tím trên da không rõ nguyên nhân.
Qua thăm khám trực tiếp và làm các xét nghiệm cần thiết bác sĩ chuyên khoa nhi Trần Thị Kim Ngọc cho biết, cả hai bệnh nhi mắc hội chứng Cushing.
Bác sĩ Ngọc cho biết, nguyên nhân chủ yếu mắc hội chứng này là do thuốc (corticoid). Ngoài ra, còn do một số nguyên nguyên nhân khác là rối loạn ở tuyến yên thượng thận hoặc do tiết ACTH lạc chỗ...
Theo bác sĩ Ngọc, hội chứng Cushing có thể nhận biết bằng mắt thường qua các triệu chứng điển hình như:
- Mập/phì: Đây là triệu chứng thường gặp nhất với sự phân bố mỡ đặc trưng ở mặt, ở thân người nhiều hơn tứ chi cùng các đặc điểm: mặt tròn, u mỡ ở gáy, mỡ dày ở ngực, bụng, nhưng không nhiều ở mông và chân tay. Tăng cân thường là triệu chứng đầu tiên.
- Những thay đổi ở da thường gặp: Da mỏng, mặt đỏ, bầm máu sau va chạm gặp khoảng 45%, vết nứt da gặp 50-70% thường có màu đỏ tím lún sâu dưới da. Các vết nứt thường nằm ở: bụng, ngực, háng, mông, đùi.
- Rậm lông tóc: Lông mày rậm, nhiều lông tơ ở mặt, ở thân mình, có thể mọc râu, ria mép, lông nách.
- Rối loạn sinh dục do tăng androgen ở nữ và tăng cortisol ở nam: tắc kinh ở nữ hoặc mọc lông sớm ở trẻ chưa dậy thì.
- Có thể đau đầu, giảm trí nhớ, kém tập trung, nặng hơn có thể có các rối loạn tâm thần.
Do vậy, nếu con có yếu tố nguy cơ hoặc xuất hiện những biểu hiện bất thường, cha mẹ không nên chủ quan và nên đưa con đi khám ở các địa chỉ tin cậy,…
Bé M. biến dạng cả cơ thể vì lạm dụng corticoid.
Riêng đối với corticoid, bác sĩ Ngọc cho rằng nếu dùng đúng cách, đúng liều lượng và theo chỉ định thì mới có tác dụng điều trị. Ngược lại, thuốc sẽ phản tác dụng nếu dùng quá liều và sẽ gây ra các biến chứng như: tăng đường huyết, tăng cân, loãng xương, tăng cortisol máu, thoái hóa cơ, yếu cơ, mỏng da, vết rạn da, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, suy thượng thận, suy giảm miễn dịch, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, rối loạn kinh nguyệt, chậm dậy thì…
Để phòng tránh hoặc hạn chế tiến triển của bệnh bác sĩ Ngọc khuyến cáo:
1. Không tự ý mua các thuốc kháng viêm giảm đau không có đơn của bác sĩ, thuốc không có nguồn gốc rõ ràng (ví dụ: một số bệnh nhân thường hay ra cửa hàng thuốc Tây khai bệnh và tự mua thuốc giảm đau nhức xương khớp, hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang, … về uống).
2. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng quá nhiều thuốc chứa steroid trong thời gian dài.
3. Thận trọng sử dụng các thuốc nam, thuốc bột trong điều trị
4. Ăn ít mỡ và calories hơn, tăng cường rau quả trong bữa ăn.
5. Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao.
6. Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng huyết áp, đường huyết, mật độ xương.