Khi tiến hành phẫu thuật, cả gia đình bé gái vô cùng ngỡ ngàng vì kích thước cục tóc trong dạ dày con quá lớn.
TS.BS Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại bệnh viện vừa phẫu thuật lấy ra một búi tóc khổng lồ trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi.
Đó là trường hợp của bé gái M.Q.T. (ở Hà Nội), có tiền sử bứt tóc ăn từ khi 2 tuổi, tuy nhiên gia đình không để ý. Thời gian gần đây, bé T. có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ kèm theo nôn ra dịch vàng và phát hiện có khối vùng thượng vị nên gia đình mới đưa đi khám.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi tiếp nhận các bác sĩ thấy dấu hiệu sinh tồn bình thường, trẻ không nôn, không sốt, thể trạng gầy. Qua thăm khám, kiểm tra các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có bụng mềm, chướng vùng thượng vị, sờ thấy khối cứng vùng thượng vị, không có phản ứng thành bụng, không có cảm ứng phúc mạc.
Hình ảnh búi tóc của bé gái khi được phẫu thuật lấy ra ngoài.
Tiến sĩ Trần Anh Quỳnh - Phó trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp khám bệnh nhi cho biết, các xét nghiệm máu của bé T. đều trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, khi tiến hành siêu âm ổ bụng các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có khối bã thức ăn lớn trong dạ dày.
Khi chỉ định cho bệnh nhi nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện khối u tóc lớn chiếm gần hết dạ dày nên không thể lấy khối u tóc bằng nội soi dạ dày. Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật mở dạ dày, sau 1 giờ phẫu thuật, khối u tóc kích thước 20x10x8cm đã được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Hiện tại, sau thời gian được chăm sóc hậu phẫu và điều trị tâm lý, tình trạng sức khỏe của bé T. đã ổn định và được ra viện.
Theo tiến sĩ Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khối u tóc dạ dày là một rối loạn hiếm gặp, hầu như chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ. Hầu hết bệnh nhân có khối u tóc dạ dày bị rối loạn tâm thần bao gồm chứng bứt tóc (Trichotillomania) và hội chứng nghiện ăn tóc (Trichophagia)
Nghiện nhổ tóc và ăn tóc là một rối loạn tâm thần.
Cũng theo tiến sĩ Hiền, khối u tóc nếu không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi sẽ dẫn đến các biến chứng khác bao gồm loét dạ dày, vàng da tắc mật, viêm tụy cấp. Ngoài ra, bệnh nhi còn gặp các biến chứng liên quan đến kém hấp thu bao gồm mất protein, thiếu sắt và thiếu máu…
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Mỹ, chứng nhổ tóc bệnh lý được xếp vào nhóm “Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan”. Chứng nhổ tóc bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỉ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17.
Chứng nhổ tóc có các biểu hiện khá đặc trưng như:
- Tự nhổ tóc/lông của mình;
- Chối bỏ hành vi nhổ tóc/lông - trẻ em thường thực hiện lén khi không có người lớn; nhổ lông/tóc từ người hoặc vật khác, như các vật nuôi hoặc những đồ vật có dạng sợi;
- Né tránh các tình huống xã hội (để được nhổ tóc riêng tư và không bị xấu hổ);
- Gia tăng mức độ stress hay lo âu;
- Than phiền về các triệu chứng dạ dày, ruột.
Trên những người mắc chứng nhổ tóc, thường thấy thêm chứng ăn tóc (trichophagia), từ đó tạo ra dị vật lông/tóc trong dạ dày, ruột. Những dị vật này làm bệnh nhân đau bụng, nôn ói, táo bón, xuất huyết tiêu hóa và các triệu chứng tắc nghẽn đường ruột khác.
Nguyên nhân của chứng nhổ tóc này đến nay chưa thật rõ ràng nhưng có những giả thuyết sau: cơ chế ứng phó với stress; liên quan với tình trạng thiếu serotonin và bất thường cấu trúc bộ não; do các yếu tố tâm lý (một số giả thuyết cho rằng việc nhổ tóc ở trẻ em có thể làm giảm stress, điều hòa cảm xúc và kích thích cảm giác)…