Ngay tại nhà chị em cũng có thể làm được những loại giấm thơm ngon, an toàn.
Thông tin giấm có pha axit khiến nhiều người dùng lo sợ. Để tránh dùng phải giấm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và gia đình, chị em hãy tham khảo 4 cách tự làm giấm tại nhà dưới đây nhé!
1. Giấm gạo
- Chuẩn bị: Cơm; miếng vải mịn để bọc; đường trắng, men bia, lòng trắng trứng, nồi nấu; lọ thủy tinh to (rửa sạch, úp ngược cho ráo nước)
- Cách làm: Ngâm cơm trong nước sạch ít nhất 4 giờ. Tuy nhiên, cách tốt nhất là ngâm qua đêm trong tủ lạnh. Sau khi ngâm đủ thời gian, chị em hãy dùng miếng vải mịn bọc hỗn hợp cơm lại, lọc bỏ xác cơm và chỉ lấy phần nước.
Tính theo tỷ lệ, pha mỗi bát nước cơm này với ¾ bát đường thành hỗn hợp, rồi khuấy đều đến khi tan. Cho hỗn hợp nước cơm, đường này vào nồi rồi bắc lên bếp nấu trong khoảng 20 phút với mức lửa vừa. Sau đó tắt bếp, cho sang một bên, để nguội.
Cho hỗn hợp đã nguội trên với men bia theo tỷ lệ 1:1. Hỗn hợp lên men trong vòng từ 4 đến 7 ngày và dậy hương thơm sau 4 tuần. Bước cuối cùng trước khi lấy ra sử dụng, bạn nên đun sôi hỗn hợp này với lòng trắng trứng với tỷ lệ 40 cốc hỗn hợp: 2 lòng trắng trứng. Sau đó, cho giấm ra, để nguội và dùng dần. Qua công thức này, chắc chắn chị em sẽ thấy tự làm giấm gạo tại nhà thực sự không khó!
Giấm gạo làm rất đơn giản (Ảnh: Thaqfny)
2. Giấm chuối
- Chuẩn bị: 1 lít nước dừa tươi; nước lọc nấu sôi để nguội; 100 nl rượu trắng trên 30 độ, không mùi; 5 hay 6 quả chuối sứ, hay chuối xiêm chín (khoảng 500 - 700 gram). Lột vỏ, tước chỉ bao quanh thân trái chuối (Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các loại chuối quả lớn thông thường); Lọ thủy tinh có nắp đậy, thể tích khoảng 10 lít. Lọ đem rửa sạch, úp ngược cho khô
- Cách làm: Cho nước dừa tươi, chuối, rượu vào lọ thủy tinh, đổ nước lọc vào khoảng 8/10 thể tích lọ, đậy nắp, để chỗ thoáng mát, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp và không xê dịch. Để trong khoảng 45 - 60 ngày, tùy thời tiết, trên mặt hỗn hợp sẽ kết một lớp men vi sinh nhìn như một lớp váng trắng đục, đó là "con giấm". Càng để lâu, con giấm càng dày lên và trở thành trong đục như một con sứa lớn. Khi có con giấm là nước trong hũ bắt đầu trở thành giấm chua, để càng lâu càng chua, canh chừng thời gian, nếm thử thấy độ chua vừa ý, nhẹ tay chiết giấm ra, đừng để con giấm trôi theo bể ra.
Sau khi chiết giấm ra, vẫn để xác chuối và con giấm trong lọ, pha nước đường với công thức: 1 bát đường cát trắng + 6 bát nước lọc, khuấy cho tan đường, cho vào lọ giấm và cũng chỉ cho đến 8/10 lọ. Thời gian nước đường thành giấm sẽ nhanh hơn lần đầu tiên và sẽ kết thành một lớp con giấm khác. Khi giấm đã chua, lại chiết ra rồi thêm nước đường vào theo công thức trên.
Giấm làm bằng chuối có màu trắng trong, hơi đục. Có thể thay chuối chín bằng dứa thật chín, cắt lát nhưng giấm làm bằng dứa thường có màu vàng (Ảnh: Internet)
Cứ mỗi lần lấy giấm ra và cho thêm nước đường vào, sẽ có thêm một lớp con "giấm mới", mỏng hơn và lớp "con giấm" đầu tiên sẽ rất dày.
Phải gây lọ giấm khác khi trong hũ đã phải có kết vài lớp "con giấm" vì những lớp "con giấm" sẽ dày lên làm choáng hết thể tích hũ. Dùng một lọ thủy tinh khác, nhẹ tay hớt một lớp "con giấm" sang hũ mới rồi châm nước đường theo công thức trên, thời gian sau nước đường trong hũ mới sẽ trở chua thành giấm.
Giấm sau khi chiết ra lọc lược cho trong bằng túi vải thưa, có thể dùng được ngay, muốn để dành, nấu sôi giấm lại, để nguội, cho vào chai đậy kín. Nếu để lâu mà chưa dùng đến, giấm trong chai sẽ tiếp tục kết màng thành con giấm, hiện tượng này bình thường, giấm sẽ chua hơn và vẫn dùng được.
Sau khi gây được hũ giấm thứ ba, vớt bỏ xác chuối ở hũ làm lần đầu. Lưu ý trong khi làm giấm cũng như giấm đã làm xong, luôn để hũ, chai giấm chỗ thoáng mát, bóng râm không để ra nắng.
Giấm làm bằng chuối có màu trắng trong, hơi đục. Có thể thay chuối chín bằng dứa thật chín, cắt lát nhưng giấm làm bằng dứa thường có màu vàng.
3. Giấm táo
- Chuẩn bị: Táo tây, bình thủy tinh
- Cách làm: Táo mua về rửa sạch trong nước lạnh rồi tráng qua với nước đun sôi để nguôi. Cho lên rổ để ráo hết nước. Để cả vỏ và thái lát mỏng rồi cho vào xoong lớn. Cho nước sôi để nguội vào ngập táo khoảng 1cm. Thêm 4 muỗng cà phê đường vào hỗn hợp trên rồi lấy một chiếc đĩa và bát nhỏ để nén xuống.
Dùng thìa hớt váng nổi lên trên bề mặt. Sau một - hai tuần, bạn hãy đổ nước giấm táo vào bình thủy tinh sạch.
- Để lọ giấm táo ở nơi khô ráo và râm mát. Sau 6 tuần mới đem ra sử dụng. Cách làm giấm táo kiểu này thực sự rất đơn giản mà an toàn.
4. Giấm táo mèo
- Chuẩn bị: 3kg táo mèo; đường; 2 chai giấm gạo; vật nặng để chèn táo, rửa sạch, để khô; lọ thủy tinh to, rửa sạch, úp ngược cho khô
- Cách làm: Táo mèo rửa sạch, ngâm với nước muối khoảng 30 phút để loại bỏ bớt độc tố (nếu có). Đun một xoong nước sôi, đổ ra chậu, đổ táo vào rồi đảo đều táo lên sau đó vớt táo ra để ráo nước (lưu ý không nên để lâu vì nếu để lâu vỏ táo sẽ đổi màu và chảy mật vì đã được ngâm qua nước sôi). Thái táo thành những lát vừa, lưu ý để cả hạt, chỉ cần bỏ phần ở cuống và dưới của quả táo là được vì phần này thường khá bẩn.
Chuẩn bị một lọ thủy tinh to, cứ xếp một lát táo thì lại đổ một lớp đường. Sau khi xong, đổ 2 chai giấm gạo loại ngon vào sao cho ngậm táo là được. Lấy vật nặng chèn lên làm sao cho táo luôn ngập trong nước, nếu để táo nổi lên những những miếng táo này sẽ thâm và không ngon nữa.
Chuẩn bị một miếng khăn sạch, đậy lên nắp lọ thủy tinh là được, lưu ý không nên đậy kín nắp vì cần phải để quá trình trao đổi oxy giữa lọ giấm táo và không khí trong vòng khoảng 2 tuần, sau 2 tuần đó bạn có thể đậy nắp được.
- Cứ ngâm như vậy khoảng 1 tháng là có thể dùng được, lúc này bạn sẽ có một lọ giấm táo vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng (lưu ý sẽ có váng nổi lên trên bề mặt nhưng mà không sao, chỉ cần vớt bỏ lớp váng đó và bạn vẫn có thể sử dụng được bình thường).
Giấm táo mèo có vị chua thanh, thơm, nếu được dùng để trộn salad sẽ rất ngon.
Giấm không chỉ là gia vị cho món ăn mà giấm còn có nhiều công dụng khác trong nhà bếp của bạn, vì thế, bạn có thể tự tay làm tại nhà nhé!