Muốn giữ gìn và đảm bảo sức khỏe, những người có thói quen mang cơm đi làm cần chú ý những điều sau.
Ở thời buổi bão giá hiện tại, một suất cơm bình dân “ăn được” ở những thành phố lớn cũng có giá 30-35 nghìn đồng và thậm chí là 60-70 nghìn đồng với cơm văn phóng “máy lạnh”. Đắt đỏ nhưng chất lượng thì chẳng ai dám đảm bảo. Do đó, phong trào tự mang cơm đi làm đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, nhất là với các chị em văn phòng, công sở.
Theo tính toán của nhiều bà nội trợ, chỉ cần bỏ ra khoảng từ 15 – 20 nghìn đồng tiền thực phẩm là đã có được một hộp cơm trưa ngon, sạch và đầy đủ dưỡng chất. Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc tự nấu cơm mang đi làm còn giúp chị em đảm bảo được tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu mắc những sai lầm dưới đây, hộp cơm văn phòng có thể không phát huy được tác dụng mà còn gây hại sức khỏe.
1. Cho cơm vào hộp ngay sau khi nấu
Sợ thức ăn mang đến công ty sẽ nguội lạnh, một số chị em đã quyết định bỏ ngay đồ ăn mới chế biến vào hộp, đậy nắp và mang đi làm với hy vọng khi mở ra ăn, cơm vẫn còn phần nào nóng ấm.
Thực chất, cách làm này sẽ khiến thức ăn bị bí, hơi nước tích tụ, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến thực phẩm nhanh bốc mùi, ôi thiu và thậm chí có thể gây ra hàng loạt các bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa.
Cách tốt nhất là sau khi nấu đồ ăn xong nên đợi thức ăn nguội bớt mới cho vào hộp đậy kín.
2. Nấu sẵn thức ăn để qua đêm
Vì thời gian mỗi sáng không có nhiều, một số chị em đã tiết kiệm công sức bằng cách chế biến sẵn thực phẩm từ tối hôm trước. Cách làm này “lợi bất cập hại” bởi khi để qua đêm, thức ăn đã bị biến chất một phần hoặc hoàn toàn, không có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt với canh, rau và trứng gà thì tuyệt đối không được.
Trong rau xanh có hàm lượng nitrat cao. Khi để qua đêm, lượng nitrat này sẽ lại tạo thành nitrite – chất gây ung thư, cho dù là bạn có đun lại cũng không thể khử được. Còn đối với trứng đã chết biến để qua đêm, chỉ cần nhiệt độ trên 10 độ C là đã khiến cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Vì thế, khi ăn vào, các bạn có thể mắc phải các triệu chứng như đầy hơi, nóng, chướng khí, dạ dày khó chịu, thậm chí là tiêu chảy…
3. Dùng hộp nhựa không rõ nguồn gốc chất lượng
Việc chọn hộp đựng cơm tưởng đơn giản nhưng có thể mang đến cả nguy cơ ung thư cho nhưng ai sai lầm. Khi chọn mua hộp đựng cơm, nếu là hộp nhựa, chị em tuyệt đối không chọn những loại hộp không có nhãn mác, xuất xứ, không ghi rõ các thông số cần thiết.
Những loại hộp này thường làm từ nhựa tái chế, khả năng chịu nhiệt thấp. Khi cho thức ăn nóng vào trong thời gian dày có thể gây méo mó, chảy nhựa, tạo ra các chất hóa học cực độc như chất monostyren hay polystyrenetrong gây ảnh hưởng đến gan, thận, lâu dần có thể phát triển thành bệnh ung thư.
Lựa chọn tối ưu nhất cho hộp đựng cơm nên là hộp bằng thủy tinh. Thủy tinh vốn là một loại chất rắn, trơ, hoàn toàn không thấm nước và không xốp. Điều này sẽ đảm bảo rằng các loại thực phẩm được bảo quản trong hộp thủy tinh không bị làm ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị.
Ngoài ra, có thể chọn những loại hộp mà nắp đậy có nút thông hơi để giúp cơm, thức ăn không bị mùi sau nửa ngày đậy kín.
4. Mang canh đi làm
Những món canh, nước tưởng dễ ăn nhưng thực ra lại không hợp mang đi làm. Canh và đặc biệt các loại canh có dầu mỡ như canh sườn, canh gà, chân giò hâm sẽ có một lớp váng mỡ trên mặt. Lớp váng này là môi trường thuận lợi để vi khuẩn và mầm bệnh trú ẩn.
Ngoài ra, việc vận chuyển canh suốt một quãng đưỡng có thể gây chảy, tràn, mất vệ sinh và thẩm mỹ bữa ăn.
5. Dùng hộp nhựa quá 6 tháng chưa thay
Dù là sản phẩm uy tín, hộp nhựa được dùng liên tục mỗi ngày trong suốt 6 tháng cũng nên được thay mới vì trong quá trình sử dụng, chúng ta sẽ không tránh được làm hộp bị trầy xước, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
6. Để chung cơm với đồ ăn
Mỗi món ăn có một thời điểm chế biến và thời điểm hỏng, mốc, lên men khác nhau. Do đó, nếu để chung, nguy cơ lây nhiễm khuẩn sẽ tăng cao, nhất là khi để đồ xào nấu có nước sốt chung với cơm trắng. Chị em nội trợ nên lựa chọn loại hộp cơm có nhiều ngăn hoặc dùng giấy bạc siêu thị để gói riêng từng loại thực phẩm.