"Nhìn chị Thư gói bánh dễ thương thiệt!", "Coi không nhịn được cười", "Bánh hấp dẫn quá chị ơi"... là những bình luận của người hâm mộ.
Nữ diễn viên Kim Thư từng là một "ngôi sao phòng vé" rồi trở thành "bà trùm" triệu đô sống trong nhung lụa. Nhưng nhiều năm nay, Kim Thư vất vả khởi nghiệp, từ bán xôi, đồ ăn online đến bà chủ nhà hàng. Yêu thích ẩm thực, Kim Thư còn "lên rừng xuống biển" để khám phá những món ăn khắp mọi miền và học hỏi những chiêu nấu nướng để rèn luyện tay nghề của mình.
Mới đây, "nàng thơ một thời" về Bến Tre và khám phá cách làm bánh lá dừa. Bến Tre vốn được mệnh danh là xứ dừa và cũng có rất nhiều đồ ăn ngon từ dừa. Bánh lá dừa là một trong những món đặc sản nổi tiếng nhất, giữ được nếp quê hồn hậu, mộc mạc, hương vị thơm ngon khó quên.
Kim Thư hào hứng học làm bánh lá dừa
Bánh lá dừa vừa có độ dẻo của nếp, vị bùi của đậu, ngọt thơm của chuối, dịu nhẹ của lá dừa quyện vào vị béo nước cốt dừa đã tạo nên hương vị đặc trưng. Được người dân hướng dẫn, Kim Thư đã tự tay làm những chiếc bánh lá dừa dù các công đoạn với cô còn nhiều bỡ ngỡ.
Dù đã uống nhiều dừa Bến Tre ở Sài Gòn nhưng Kim Thư khoái chí khi được uống dừa ở nơi chính gốc. Cô cảm giác dừa vừa chặt xuống uống cảm giác mát, lạnh và như có một chút xíu ga.
"Đó là lý do khi người ta chặt trái dừa xuống, người ta có thể bỏ con tôm vào, tự động một hồi con tôm nó chín luôn", cô thích thú với điều kỳ diệu này.
Để làm bánh lá dừa, Kim Thư và người dân địa phương tự đi chặt lá dừa nước. Lá dừa nước to và dẻo hơn dừa ta nên cuốn lại dễ.
Kim Thư chặt lá dừa đầy hào hứng dù lóng ngóng.
Đến những sợi lá dừa với cô cũng thấy "dễ thương".
Nguyên liệu chính để làm nên bánh lá dừa là cơm dừa, nếp, đậu đen, đậu xanh, chuối và lá dừa để gói bánh.
Đây là cách để vắt nước cốt dừa truyền thống. Đổ một chút xíu nước vào và vắt tinh chất của dừa qua một lớp vải lưới hoặc rây.
Nếp đã được ngâm 1 tiếng đồng hồ (ngâm qua đêm càng tốt). Sau đó sẽ đem xào với nước cốt dừa.
Kim Thư cho biết nên để thật ráo nước để khi xào sẽ không làm loãng nước cốt dừa, như vậy vỏ bánh sẽ thật béo và thơm.
Cho nước cốt dừa vào chảo đun, thêm 1 tí muối vào để cho có độ cân bằng.
Đổ nếp vào đảo đều. Mùi thơm làm Kim Thư liên tục tấm tắc.
Kim Thư thích thú khi tự mình tước lá dừa "chuyên nghiệp" để làm vỏ bánh.
Cô ngưỡng mộ bàn tay khéo của cô Tuyết - người địa phương khi cuộn lá dừa rất đẹp mắt.
Tự tay Kim Thư cũng đã làm được vỏ bánh bằng lá dừa.
Nhân bánh gồm thêm cả đậm đen và chuối. Kim Thư và cô Tuyết trộn chảo gạo - nước cốt dừa đã xào khi nãy cùng đậu đã được ngâm cả đêm, nấu chín.
Chuối xiêm trái to và chín mùi được bóc vỏ, bỏ vào giữa bánh. Kim Thư bật cười phát hiện lỗi sai của mình khi cho quá nhiều nếp làm trái chuối bị đội lên.
Tiếp đến là giai đoạn buộc bánh, tưởng đơn giản mà cũng không kém phần công phu.
Bánh được đem đi hấp. Cuối cùng Kim Thư phải trầm trồ với thành quả món bánh mà mình vừa học được: "Hấp dẫn hết biết luôn", cô tự nhận xét. Người hâm mộ khi xem cũng khoái chí với Kim Thư: "Nhìn chị Thư gói bánh dễ thương thiệt!", "Coi không nhịn được cười", "Chị ăn làm em thèm dễ sợ"...