Hướng dẫn cách làm bánh gối đơn giản từ bột mì, bột gạo với nhân trứng, thịt đậm đà ngon thơm ai ăn cũng thích mê. Tham khảo công thức làm bánh siêu ngon dưới đây.
Bánh gối là một trong những món bánh ngon của người Hà Nội. Loại bánh này có lớp vỏ giòn ngon cùng lớp nhân thơm, đậm đà chấm với nước mắm chua ngọt thêm chút dưa góp giòn giòn thanh mát cả nhà tấm tắc khen.
Dưới đây là cách làm bánh gối nhân trứng, thịt từ bột gạo, bột mì siêu đơn giản, cùng tham khảo nhé.
Cách làm bánh gối nhân thịt từ bột mì
Bột mì là nguyên liệu chính làm nên những chiếc bánh gối thơm ngon. Cách làm bánh gối nhân thịt rất đơn giản, vụng mấy cũng làm được.
Nguyên liệu làm 20 chiếc bánh gối
Phần vỏ bánh:
- Bột mỳ đa dụng: 500gr; 1,5gr bột nở (không có có thể bỏ qua)
- Sữa tươi: 220ml loại ít đường
- Bơ: 50gr loại bơ mặn hoặc nhạt, nếu không có thay thế bằng 50ml dầu ăn
- Muối: ½ thìa cà phê
Phần nhân bánh:
- 4-5 cái mộc nhĩ; 1/2 củ đậu hoặc su hào; 1/2 củ hành tây; hành tím.
- Một nắm miến dong; bột nêm, hạt tiêu;
- 200gr thịt lợn xay; trứng cút hoặc trứng gà
Phần nước chấm:
- 3 Nước mắm ăn, 2 thìa nước đun sôi để nguội
- Đường 1 thìa, ½ thìa cà phê bột ngọt
- Ớt băm, tỏi, nước cốt chanh.
Nguyên liệu chính làm bánh gối: bột mỳ, sữa, bơ…
Hướng dẫn cách làm bánh gối nhân thịt, trứng đơn giản tại nhà
Cách làm vỏ bánh gối từ bột mì: Phần bơ cần đun chảy trước. Cho 220ml sữa tươi + men nở + 2 quả trứng gà + muối và bơ đã đun nóng trước vào âu rồi khuấy thật đều sau đó cho từ từ bột mỳ vào nhồi đến khi thành khối mịn dẻo rồi đậy kín cho bột nghỉ trong 30 phút, khi nhào bột nếu thấy bị khô quá bạn nên vẩy vài giọt nước.
Bột nhào phải mịn, có độ bóng, nên vo tròn lại và ủ khoảng 30 phút
Bước chuẩn bị phần nhân bánh:
- Mộc nhĩ ngâm nước ấm khoảng 30 phút cho nở thái sợi nhỏ. Miến ngâm nước lạnh cho nở cắt nhỏ. Hành tây gọt vỏ thái nhỏ, kiểu hạt lựu. Su hào hoặc củ đậu bào sợi cắt nhỏ. Trứng cút hoặc trứng gà luộc chín, bỏ vỏ.
- Phi thơm hành tím, cho 200gr thịt lợn xay và hành tây vào xào, các loại nhân khác vẫn giữ nguyên không xào chung để giữ độ ngọt.
- Sau đó trộn đều thịt với các nguyên liệu khác: mộc nhĩ, miến, củ đậu hoặc su hào, thêm 1 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu.
Trộn đều thịt đã xào với mộc nhĩ, miến, củ đậu…
- Bước tạo hình vỏ bánh: Bột sau khi ủ 30 phút mang ra cán mỏng bằng cây cán bột, có thể dùng chai thay thế. Bột mỳ khô rắc một lớp mỏng xuống mặt bàn để chống dính, đổ bột ra và cán thật mỏng. Sau khi cán mỏng bột lấy một bát to hơn bát ăn cơm ấn xuống làm thành một khuôn hình tròn.
Dùng chiếc bát lớn hơn bát ăn, tạo thành từng khối hình tròn
Nên rắc từng lớp bột mỏng để vỏ bánh không bị dính, biến dạng
- Bước làm bánh gối: Đập một quả trứng gà, chỉ lấy lòng đỏ ra bát, đánh tan và chuẩn bị sẵn chổi để quết. Sau khi làm xong vỏ bánh, thì xếp vỏ bánh ra, quét một lớp mỏng lòng đỏ trứng gà quanh mép vỏ bánh gối, cho phần nhân vào giữa, rồi đặt miếng trứng cút vào. Từ từ gấp mép bánh lại và tạo hình gập thành nếp.
Cho nhân bánh vào giữa, trước đó quét một lớp mỏng lòng đỏ trứng gà lên vỏ bánh
Sau đó từ từ gấp các mép bánh lại như trong hình
- Bước chiên bánh: Đổ dầu ra chảo hoặc nồi có đế dày, nhỏ để tiết kiệm dầu, đảm bảo chiên ngập bánh trong chảo dầu với lừa vừa. Bánh gối chiên làm 2 lần, lần 1 chiên cho tới khi bánh vừa chín, chưa vàng. Lần 2 thì ăn đến đâu chiên đến đấy để bánh được giòn.
Chiên từng chiếc bánh trong chảo đủ dầu, lừa vặn vừa, không nên vặn to
Lưu ý: Nếu thích vỏ bánh gối giòn mỏng thì có thể làm vỏ theo công thức này: 250gr bột mỳ + 40gr bột nếp + 120ml nước + 30gr dầu ăn + chút xíu bột nghệ.
Cách làm nước chấm bánh gối ngon
- 3 thìa nước mắm + 2 thìa nước lọc đun sôi để nguội + 1 thìa đường + tỏi, ớt băm nhuyễn, trộn đều cho tan đường thêm một thìa nước cốt chanh hoặc dấm, trộn thêm su hào, cà rốt thái mỏng.
Thành phẩm của món bánh gối, ăn kèm dưa góp và rau sống
Thành phẩm và trình bày
- Bánh gối vàng ruộm, vỏ giòn lâu, bên trong nhân thịt và các gia vị phải quyện đều, vừa chín tới.
- Xếp bánh gối ra đĩa, cắt thành miếng và ăn kèm với các loại rau như rau thơm, rau húng…và đặc biệt là dưa góp.
Cách làm bánh gối hấp bằng bột gạo
Bên cạnh món bánh gối chiên, người ta còn có thêm bánh gối hấp làm bằng bột gạo ăn cũng rất ngon.
Nguyên liệu
Để làm món bánh gối hấp bằng bột gạo, bạn cần có những nguyên liệu sau:
Nguyên liệu làm bánh gối hấp có: Bột gạo, thịt xay…
Phần vỏ bánh
- Bột gạo: 350g
- Bột năng: 100g
- Nước sôi: 500ml
Phần nhân bánh
- Thịt lợn xay: 150g
- Cà rốt: 1 củ
- Miến dong: 25g
- Đậu xanh: 50g
- Hành tím, hành lá.
- Các loại gia vị: Bột nêm, muối, đường, hạt tiêu, dầu ăn
Phần nước chấm:
- Xì dầu
- Ớt tươi
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Miến dong ngâm mềm rồi thái miếng nhỏ.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu.
- Đậu xanh ngâm nở, vo sạch, hấp chín và tán nhuyễn.
- Hành tím, hành lá thái nhỏ.
Sơ chế các nguyên liệu làm bánh gối
Bước 2: Làm nhân bánh gối
Tương tự như món bánh gối chiên, nhân của bánh gối hấp cũng không có quá nhiều sự khác biệt.
- Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn vào và đun nóng.
- Trút phần hành tím vào phi cho thơm sau đó thêm thịt xay. Dùng đũa đảo đều cho thịt săn lại thì bắt đầu cho cà rốt thái nhỏ vào xào.
Xào nhân bánh gối
- Kiểm tra nhân thịt, cà rốt chín thì tắt bếp.
- Múc nhân thịt ra bát tô rồi cho miến dong cắt nhỏ, hành lá, đậu xanh tán nhuyễn cùng bột nêm, hạt tiêu, đường và nêm nếm cho vừa ăn.
- Đảo đều để các nguyên liệu quyện vào nhau, nhân dậy mùi thơm.
Bước 3: Làm vỏ bánh gối hấp bằng bột gạo
- Lần lượt cho vào trong tô 350g bột gạo, phần bột năng sau đó từ từ đổ nước sôi vào sau đó trộn đều hỗn hợp bột lên.
Lưu ý, để phần bột bánh dẻo, không bị chảy thì bí quyết là dùng nước sôi 90 - 100 độ C. Nên cho nước từ từ vào như thế sẽ giúp bạn căn được lượng nước phù hợp.
Nhào bột làm bánh gối
- Tiến hành nhào bột cho tới khi thấm đều nước, bột tạo thành khối mịn, trơn, không dính tay là được.
Bước 4: Làm bánh
Khi đã chuẩn bị được hết vỏ và nhân thì bạn có thể bắt tay vào tạo hình bánh gối rồi.
- Trước hết bạn chia bột thành từng phần bằng nhau sau đó dùng thanh cán bột cán mỏng ra. Lấy dao cắt bột thành các miếng vừa ăn.
Nặn bánh gối
- Cho nhân đã trộn ở bước 2 vào giữa vỏ bánh rồi gấp mép bánh lại. Lần lượt thực hiện cho tới hết các nguyên liệu.
* Mẹo hay: Dùng chiếc nĩa ấn nhẹ vào các mép bánh để tạo thành viền trông đẹp mắt hơn mà giúp bánh không bị bung mép trong quá trình hấp.
Bước 5: Hấp bánh
- Đặt bánh đã nặn vào trong xửng hấp. Lưu ý, vì bánh làm từ bột gạo sẽ rất dính nên bạn cần đặt vị trí của các bánh xa nhau.
- Cho xửng lên bên trên nồi hấp khoảng 10 - 15 phút là bánh chín.
Hấp chín bánh gối
Bước 6: Làm nước chấm cho bánh gối hấp
Nếu như bánh gối chiên truyền thống chấm cùng nước mắm chua ngọt thì bánh gối hấp lại chấm cùng nước tương (xì dầu).
Bạn chỉ cần rót nước tương ra bát (chén) sau đó thêm một vài lát ớt tạo vị cay là có thể thưởng thức rồi.
Bánh gối hấp làm từ bột gạo cực ngon chấm với xì dầu cay cay
Thành phẩm
Bánh gối hấp làm bằng bột gạo sau khi chín sẽ có độ trong nhất định giúp bạn có thể quan sát được cả phần nhân rực rỡ sắc màu ở bên trong.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ bánh dẻo, dai không bị quá mềm hay quá cứng. Nhân thịt cà rốt, đậu xanh, miến đậm đà, béo ngậy thêm chút giòn sần sật ăn rất ngon.
Bánh gối ăn kèm với gì?
Bánh gối sau khi chiên/hấp xong bạn nên cắt thành miếng vừa ăn để dễ thưởng thức.
Thông thường, người ta sẽ ăn bánh gối kèm với rau sống, dưa góp và chấm nước mắm chua ngọt hoặc xì dầu. Bánh gối với đầy đủ nhân thịt cuốn thêm rau thơm lại cùng vị nước chấm đậm đà cay cay, nghĩ thôi đã thấy ngon khó cưỡng rồi.
>> Tham khảo cách làm dưa góp đơn giản mà ngon, ăn với món gì cũng hợp
Hướng dẫn bảo quản bánh gối
Bánh gối nếu không ăn hết cần bảo quản đúng cách để bánh luôn mềm thơm và không bị mất đi hương vị.
Đối với phần bánh chưa chiên/hấp
Nếu bạn trót nặn quá nhiều bánh gối thì hãy rải 1 lớp bột vào trong hộp bảo quản thực phẩm sau đó xếp từng chiếc bánh gối lên trên. Nếu cẩn thận, bạn có thể dùng giấy nến lót bên dưới đế bánh như thế sẽ giúp tránh được tình trạng bánh bị dính vào nhau.
Đậy kín nắp hộp rồi để vào ngăn mát (nếu bạn dùng bánh sau 1 - 2 ngày) và ngăn đông (nếu bạn dự tính để sau 1 tuần).
Bánh gối chiên vàng giòn, thơm ngon
Bánh đã hấp/chiên chín
Với phần bánh đã hấp hoặc chiên/rán rồi, bạn chỉ cần cho vào hộp thực phẩm đậy nắp lại rồi đặt vào ngăn đá hoặc ngăn mát. Khi ăn, lấy bánh ra chiên/hấp lại rồi sử dụng.
Tuy nhiên, việc để bánh quá lâu có thể sẽ khiến cho hương vị của bánh không được như ban đầu, vì thế đừng để lâu quá nhé.
Bánh gối bao nhiêu calo?
Bánh gối được chia làm 2 phần là vỏ và nhân. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vì vỏ bánh làm từ bột mì, bột gạo, nhân bánh có sự góp mặt của rất nhiều nguyên liệu khác vì thế hàm lượng calo trong bánh gối là khá cao.
Chưa kể tới là món bánh gối chiên còn được chiên ngập trong dầu ăn vì thế con số calo sẽ cao ngất ngưởng.
Trung bình, cứ 1 chiếc bánh gối có đầy đủ nhân sẽ chứa khoảng từ 200 - 300 calo tùy vào hấp hoặc chiên.
Việc ăn bánh gối nhiều không chỉ dễ gây tăng cân mà còn không tốt cho sức khỏe.
Trên đây là 2 cách làm bánh gối từ bột mì, bột gạo với nhân trứng, thịt siêu ngon mà mẹ đảm nào cũng nên biết. Tham khảo thêm công thức làm các món ăn vặt ngon khác tại Bếp Eva nhé.