Lẩu cua đồng là món ăn ngon được nhiều người yêu thích. Vị lẩu cua thơm ngọt, béo ngậy thưởng thức cùng với thịt bò và các loại rau nấm khiến bạn muốn ăn mãi không ngừng.
Cua đồng là nguyên liệu được rất nhiều chị em lựa chọn để chế biến các món ăn chiêu đãi gia đình. Ngoài canh cua hay bún riêu cua thì lẩu cua đồng cũng là một trong các món ăn ngon được mọi người yêu thích.
Món lẩu cua ngon ai ăn cũng thích mê
Cách nấu lẩu cua đồng không khó, chỉ cần bớt chút thời gian là bạn đã có ngay món lẩu ngon, đậm đà hương vị quê nhà.
Cách chọn mua cua đồng nhiều thịt, gạch “ú nu”
- Màu sắc: Theo kinh nghiệm, những con cua có màu cam và màu xám sẽ cho nhiều thịt, nhiều gạch hơn so với bình thường.
- Độ nhanh nhạy: Những con cua bò càng nhanh, càng khỏe thì chúng càng chắc, càng tươi. Tuyệt đối không mua cua đã chết vì khi chế biến món ăn chúng không còn hương vị đặc trưng, thậm chí còn dễ gây ra bệnh về đường tiêu hóa.
Nên chọn những con cua bò nhanh, mập mạp, bụng chắc
- Hình dáng: Bạn nên mua những con cua mập mạp. Dùng ngón tay ấn nhẹ vào phần yếm ở dưới bụng cua. Nếu thấy bụng cua chắc, không bị lún xuống thì đó là cua ngon.
Tùy vào mục đích sử dụng mà bạn có thể chọn cua đực hay cua cái. Thường cua cái sẽ nhiều gạch, cua đực sẽ nhiều thịt. Ngoài ra, bạn cũng nên mua cua vào thời gian đầu và cuối tháng âm lịch. Đây là lúc cua nhiều thịt, nhiều gạch nhất. Ngược lại, không nên mua cua vào giữa tháng vì cua lúc này thịt bở, ít thịt, không ngon.
Hướng dẫn sơ chế cua
- Cua đồng mua về rửa sạch sau đó tách riêng phần mai cua và thịt cua để riêng, loại bỏ phần yếm và miệng cua.
- Phần gạch ở mai cua dùng thìa con tách ra để vào bát con. Thân cua thì cho vào ngâm nước muối trong 15 phút để loại bỏ ký sinh sau đó rửa lại với nước, vớt ra để ráo.
Các bước sơ chế cua đồng
- Cho cua vào cối giã nhuyễn rồi cho vào rây lọc sau đó lấy 3 lít nước lọc lấy nước cốt. Lọc đi lọc lại đến khi nào róc hết cốt cua thì thôi. Nước cốt lọc được dùng để làm nước lẩu. (Khi giã cho thêm chút muối để không bị bắn, riêu cua đóng thành bánh ngon hơn, nước cua đậm đà).
1. Cách nấu lẩu cua đồng miền Bắc ăn với rau mồng tơi
Ngoài các món như canh cua, bún riêu cua thì lẩu cua đồng cũng được nhiều người miền Bắc yêu thích.
Nguyên liệu nấu lẩu cua đồng
- 600g cua đồng
- 500g thịt bò
- 05 bìa đậu phụ
- Rau nhúng lẩu: Rau muống, rau chuối, tía tô, giá, mồng tơi
- 04 quả cà chua, 10 quả sấu, sả, hành khô
- Gia vị: Mắm tôm, bột canh, hạt nêm, mì chính, dầu ăn
Làm lẩu cua đồng ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Hành khô bóc vỏ đập dập băm nhỏ, sả đập dập cắt khúc, cà chua thái múi cau, sấu cạo vỏ rửa sạch.
- Rau sống các loại rửa sạch với nước rồi để ráo.
- Đậu thái miếng nhỏ cho vào rán vàng.
- Cua rửa sạch, bỏ riêng phần gạch và phần thit mang đi xay lọc lấy nước như phần hướng dẫn sơ chế cua
Cua đồng tách phần gạch và thịt riêng
Bước 2: Làm nước lẩu cua đồng
- Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn rồi cho hành khô vào phi thơm, cho tiếp cà chua vào đảo đều. Thêm chút đường để tạo màu sánh vàng đẹp mắt rồi cho gạch cua vào đảo tiếp khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Đổ hỗn hợp ra tô.
- Bắc nồi lên bếp, cho nước cốt cua đã lọc vào nồi, thêm gia vị bột canh, mì chính, hạt nêm sao cho vừa ăn rồi đun nhỏ lửa đến khi riêu cua nổi lên trên mặt thì tắt bếp, dùng thìa vớt riêu cua ra để riêng.
Lưu ý: Bắt đầu đun nước lẩu cua thì dùng đũa quấy nhẹ 1, 2 lần để riêu cua không bị cháy sát đáy nồi. Khi nước lẩu bắt đầu lăn tăn bọt thì tuyệt đối không được dùng đũa khuấy, đun nhỏ lửa, hớt nhẹ nhàng để riêu cua không bị vỡ.
Nước lẩu cua đồng
Bước 3: Lẩu cua đồng
- Vớt riêu cua xong, bật bếp đun nhỏ lửa rồi đổ hỗn hợp cà chua và gạch cua đã xào vào nồi, cho thêm sấu, sả sau đó đun sôi nhỏ lửa trong 10 phút thì vớt sấu ra dầm nhuyễn rồi đổ vào nồi.
- Chuẩn bị ăn thì thả đậu đã rán vào nồi đun sôi rồi tắt bếp. Chế nước lẩu ra bếp điện hoặc bếp ga lẩu, thả riêu cua vào đun nóng rồi thưởng thức. Tiếp đó nhúng thịt bò, các loại rau đã chuẩn bị sẵn.
- Nên thưởng thức riêu cua trước sau đó nhúng các loại đồ lẩu vào sau, lẩu riêu cua ngon nhất là riêu cua kết thành bánh ăn rất ngon. Nước lẩu vị chua chua và thơm.
Lẩu cua đồng thơm ngon trứ danh
- Khi gần hết nước lẩu thì chế thêm nước còn sẵn mà không phải chế nước lọc vào. Lẩu riêu cua đồng vị ngọt thơm, ăn kèm với bún hoặc mì tôm thì rất tuyệt. Chúc các bạn thành công!
2. Cách nấu lẩu cua đồng thập cẩm kiểu miền Nam
Để nấu lẩu cua đồng thập cẩm theo phong cách của người miền Nam bạn cần:
Nguyên liệu
- Cua đồng: 600g
- Thịt bò nhúng: 400 - 500g (tùy theo khẩu phần ăn)
- Đậu phụ: 3 miếng
- Hành, tỏi, gừng băm nhuyễn
- Rau nhúng lẩu: Bông bí, rau đắng, bông súng, mồng tơi, bắp chuối bào sợi
- Nước mắm, bột canh, mì chính, muối, bột nêm, dầu ăn…
Nguyên liệu nấu lẩu cua miền Nam
Chi tiết cách nấu lẩu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cua làm sạch, tách gạch, thịt cua. Xay thịt cua rồi lọc lấy phần nước.
- Thịt bò rửa sạch, thái mỏng và ướp với gia vị gồm: Tỏi, hành, gừng băm, hạt nêm, đường, mì chính, dầu ăn để chừng 20 phút.
- Các loại rau ăn lẩu nhặt bỏ phần lá già, rửa sạch, để cho ráo nước.
- Đậu phụ thái miếng vuông vừa ăn. Bạn có thể để đậu sống hoặc rán vàng 2 mặt cũng được.
Đậu phụ thái miếng, thịt bò ướp gia vị
Bước 2: Nấu nước lẩu cua
- Xương ống heo rửa sạch, chần qua nước sôi để làm sạch các chất bẩn có trong xương. Rửa lại xương với nước sạch sau đó cho vào nồi, thêm nước ngập mặt xương.
Nước lẩu hầm từ xương heo
Để nước dùng thơm, ngon bạn bỏ vào đây 1 củ hành tây, 1 - 2 củ hành tím đập dập.
- Ninh xương trong khoảng 30 - 50 phút là được.
Bước 3: Xào gạch cua đồng
- Bắc chảo sạch lên bếp rồi thêm vào đây 1 chút dầu ăn cùng hành tím, phi thơm. Trút cà chua bổ múi cau vào đảo đều.
Xào gạch cua với cà chua
- Khi cà chua chín, bạn cho gạch cua vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Bước 4: Hoàn thành
- Gạn nồi nước xương, lấy phần nước dùng trong đổ vào nồi nấu lẩu. Nước sôi thì bạn từ từ cho nước thịt cua đã lọc trước đó vào đun sôi. Trút gạch cua xào cà chua vào, nêm nếm cho nước vừa ăn là có thể thưởng thức.
Nồi nước dùng cua sôi sùng sục, lần lượt thả rau, đậu phụ rồi nhúng thịt bò ăn kèm.
Chỉ vài bước đã có ngay nồi lẩu riêu cua thơm nức mũi
Bạn nên pha thêm 1 bát nước mắm ớt hoặc bột canh ớt quất để chấm rau và thịt cho đậm đà hơn.
Thành phẩm
Nồi lẩu cua đồng kiểu miền Nam này có hương vị rất đặc trưng. Là mùi thơm ngọt của nước cua, béo ngậy của gạch cua, thanh thanh từ rau củ, chua chua của cà chua, thơm mát từ đậu phụ. Phần nước lẩu đậm đà chan bún tươi thì ngon hết ý.
3. Nấu lẩu cua đồng hải sản kiểu miền Tây
Người miền Tây có cách chế biến lẩu cua đồng không quá khác biệt so với 2 miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, phần nhân lẩu nhúng kèm sẽ sử dụng thêm hải sản là cua cốm và các loại rau như bông bí, mướp hương hay nấm rơm.
Các nguyên liệu nấu lẩu cua
- Cua đồng: 500g
- Cua cốm: 3 - 5 con (tùy vào khẩu phần ăn. Bạn có thể chọn cua hoặc bất cứ loại hải sản nào mà mình yêu thích)
- Cà chua: 4 - 5 quả
- Sả tươi: 2 - 4 nhánh
- Hành tím, tỏi, ớt đem băm nhỏ
- Rau nhúng lẩu: Mồng tơi, bông bí, mướp hương, nấm rơm
- Đường, nước mắm, muối, mì chính, hạt nêm, dầu ăn
- Bún tươi
Cua, bông bí, mồng tơi là nguyên liệu không thể thiếu
Cách nấu lẩu cua đồng miền Tây
Bước 1: Sơ chế
- Cua đồng sơ chế tách riêng phần gạch và nước cua.
- Cua cốm làm sạch rồi bổ đôi.
- Sả tươi đem rửa sạch, đập dập và cắt thành từng khúc dài khoảng 2 lóng tay.
- Cà chua thái múi cau.
- Rau rửa sạch, để ráo nước.
Sơ chế các loại nguyên liệu
Bước 2: Nấu nước dùng lẩu
- Bạn cho nước cua xay vào nồi rồi bật bếp đun sôi. Chú ý, không để lửa quá to, chỉ nên vặn lửa vừa như thế thịt cua vừa chín, đóng tảng đẹp mắt mà không bị vỡ.
- Khi thịt cua nổi lên trên là đã chín. Lúc này, bạn cho sả vào và để lửa liu riu.
Đun sôi nước thịt cua
Bước 3: Xào cua
- Bắc chảo sạch lên bếp, thêm dầu ăn, đun nóng rồi phi thơm hành, tỏi ớt.
- Trút phần cà chua đã thái múi cau vào đảo đều. Khi cà chua chín thì cho vào nồi nước dùng ở bước 2.
- Tận dụng lại chảo xào cà chua, bạn cho dầu ăn rồi trút gạch cua đã tách lúc trước vào xào. Thêm phần cua cốm vào đảo chung cho tới khi cua săn lại thì tắt bếp.
Bước 4: Hoàn thành
- Trút cua cốm cùng gạch cua đã xào vào nồi nước dùng. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi đổ phần nước dùng sang nồi ăn lẩu chuyên dụng.
Hoàn thành món lẩu cua miền Tây
- Chuẩn bị phần rau ăn lẩu và một vài món đi kèm như đậu phụ, váng đậu… (nếu thích). Chờ nước lẩu sôi là bạn đã có thể thưởng thức món lẩu siêu ngon này rồi.
Thành phẩm
Món lẩu cua đồng thơm ngon được chế biến đơn giản theo kiểu miền Tây có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phần nước dùng ngọt thơm từ thịt cua xay, cua cốm nấu chung cùng phần gạch cua béo ngậy.
Rau ăn kèm phong phú giúp tăng thêm hương vị cho món ăn dân dã này. lẩu cua phải ăn khi còn nóng. Bạn có thể làm thêm bát nước mắm cay cay để chấm rau nhúng và ăn kèm bún tươi cũng rất tuyệt vời.
Ăn lẩu cua đồng dùng rau gì?
Có rất nhiều lựa chọn đối với rau cho món lẩu ngon này. Tùy vào từng vùng miền mà phần rau ăn kèm sẽ có sự khác biệt. Theo kinh nghiệm và hiểu biết của Bếp Eva, một số loại rau dưới đây sẽ được lựa chọn để nhúng lẩu cua.
- Rau muống
- Hoa chuối bào sợi
- Rau mồng tơi
- Rau nhút/rau rút
- Tía tô
- Giá đỗ
- Mồng tơi
- Rau đắng
- Bông điên điển
- Mướp hương
- Bông súng
- Nấm rơm
…
Các loại rau nhúng lẩu cua đồng rất đa dạng
Lẩu cua đồng nhúng gì ngon?
Ngoài việc nấu nước dùng, món lẩu cua đồng muốn tròn vị phải có những món ăn kèm vừa tăng thêm hương vị lại bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
Một số món ăn kèm dùng để nhúng lẩu cua mà bạn có thể tham khảo:
- Thịt thăn bò/thịt bắp bò
- Chả cá/chả tôm
- Hải sản: Mực, tôm, ngao
- Đậu phụ
- Nội tạng heo: Lòng, dạ dày, gan
Lẩu cua đồng bao nhiêu calo?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, để xác định chính xác 1 nồi lẩu cua đồng có chứa bao nhiêu calo là rất khó. Bởi tùy vào cách chế biến của mỗi gia đình mà hàm lượng calo trong lẩu sẽ có sự thay đổi. Ước tính, cứ 1 nồi lẩu cua sẽ có calo dao động khoảng từ 1100 - 2000.
Để tính được nồi lẩu riêu cua đồng của gia đình mình là bao nhiêu, bạn có thể tham khảo hàm lượng calo của các thành phần chính trong lẩu được Bếp Eva liệt kê dưới đây:
Thành phần lẩu cua đồng | Trọng lượng (g) | Hàm lượng calo |
Cua đồng | 500 | 445 |
Thịt thăn bò | 300 | 801 |
Rau ăn lẩu | 300 | 100 |
Gia vị | 10 - 30 | |
Cua cốm | 300 | 270 |
Món lẩu cua đồng ở đâu ngon?
Mỗi một vùng miền sẽ có những cách nấu lẩu cua riêng vì thế hương vị sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả là lẩu cua đồng ở Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn, Cần Thơ.
Trên đây là 3 cách nấu lẩu cua đồng chuẩn vị miền Bắc, miền Nam và miền Tây đơn giản, chuẩn vị ai cũng có thể làm được. Đừng quên tham khảo thêm các món lẩu ngon khác tại Bếp Eva nhé. Chúc bạn sẽ có món lẩu ngon chiêu đãi cả gia đình.