"Ăn với hoa, ngủ với hoa" là điều đầu tiên mà chàng trai mắt híp Lâm Chí Văn tiết lộ để làm ra món xôi hoa đậu cán đẹp, tự nhiên nhất.
Những cánh hoa mỏng manh, đẹp lung linh được ghép và đặt lên xôi, ít ai biết nguyên liệu của chúng lại là một loại hạt rất phổ biến trong đời sống, bột đậu trắng. Nhờ kết hợp với các nguyên liệu đi kèm, đặc biệt nhờ vào sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã làm cho đĩa xôi không còn đơn điệu, trở nên độc đáo, mới lạ hơn, đó chính là xôi hoa đậu cán.
Xôi hoa đậu cán du nhập từ Hàn Quốc về Việt Nam hơn một năm nay nhưng cách làm hoa đậu cán tự nhiên, chân thật có lẽ rất ít người có bí quyết riêng. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng Lâm Chí Văn – chàng trai 9X sống tại Sài Gòn hiện được biết đến là một trong những người làm xôi hoa đậu cán tả thực, tự nhiên nhất.
Lâm Chí Văn - chàng trai 9X được biết đến với bí quyết làm xôi hoa đậu tự nhiên, chân thật.
Có lẽ, cũng vì không gò ép mình vào khuôn mẫu, luôn để mọi thứ diễn ra tự nhiên và đặc biệt ăn, ngủ cùng hoa đã khiến cho những đĩa xôi hoa đậu cán của Lâm Chí Văn như được thổi hồn vào trong đó. Cũng từ đam mê đó, Lâm Chí Văn có thể kiếm được 100 triệu/ tháng.
“Làm hoa đậu đẹp cần ăn với hoa, ngủ với hoa. Mình thường mua hoa cắm và xem hoa ráp cánh, sắp xếp, pha màu tự nhiên như thế nào. Văn không phải người đầu tiên làm hoa đậu cán, có nhiều người đã làm nhưng Văn đi theo hướng khác, không đi theo hoa đều mà theo hoa tả thực hơn nên khác ở điểm đó. Nhờ có niềm đam mê ẩm thực này, mỗi tháng thu nhập trung bình của mình khoảng hơn 100 triệu chưa trừ chi phí”, Lâm Chí Văn chia sẻ.
Dưới đây, Lâm Chí Văn sẽ chia sẻ bí quyết riêng của mình về nấu xôi hoa đậu cán dẻo, thơm, ngon và đẹp nhất:
Bước 1: Công thức nấu xôi dẻo, mềm, thơm bóng
Nguyên liệu nấu 3 đĩa xôi
- 1kg gạo nếp Bắc
- Hỗn hợp 1:
+ 20ml dầu ăn (dầu hạt cau càng tốt làm xôi sáng, tốt cho sức khỏe)
+ 15gr muối
+ 30gr sữa chua
+ 400ml nước cốt dừa
+ 100gr đường
Món xôi thành công sẽ dẻo, thơm, hạt bóng đều, căng mẩy. Xôi có thể để trong tủ lạnh ăn dần trong 3 ngày mà không bị cứng và lại gạo.
Chế biến:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm. Để ráo nước rồi cho hỗ hợp 1 trộn cùng gạo, ủ 30 phút. Trong thời gian ủ chuẩn bị nồi hấp.
- Hấp xôi 30 phút.
- Hấp xong lần 1, để xôi nguội, trộn dầu ăn lần 2 vào xôi đã nguội và tiếp tục ủ xôi trong 20 phút.
- Hấp xôi lần 2 trong 30 phút.
- Sau khi hấp xong trải xôi ra khay, phơi cho nguội lạnh 20 độ. Cảm nhận bằng tay khi hạt xôi gần nguội hoàn toàn, sờ vào vẫn hơi ấm nhưng đã khô ráo hạt.
- Nấu nước cốt dừa và đường, khi đường đã tan thì trộn vào xôi, để xôi ngậm nước dừa.
- Cho xôi đã trộn nước dừa, đường vào nồi hấp, hấp lại lần cuối trong 15 phút và để nguội.
Lưu ý:
- Mọi người hấp xôi đủ 3 lần, căn thời gian ủ và nghỉ của mỗi lần hấp xôi.
- Đặt nồi hấp lên bếp khi nước trong nồi đã sôi, không hấp từ khi nước còn đang lạnh
- Món xôi thành công sẽ dẻo, thơm, hạt bóng đều, căng mẩy. Xôi có thể để trong tủ lạnh ăn dần trong 3 ngày mà không bị cứng và lại gạo.
Bước 2: Công thức Beanpaste (hoa đậu)
Nguyên liệu cho 5 đĩa xôi
- 1kg đậu khô (đậu xanh, đậu trắng hoặc hạt sen)
- 1,5 lon sữa đặc (hoặc 400gr đường)
- 50gr bột mì
- 50gr bơ (bơ nhạt không muối)
Cách làm
- Đậu vo sạch, ngâm qua đêm.
- Sau đó cho đậu vào nồi nước lạnh luộc đến khi đậu chín nhừ.
- Xay và rây đậu với rây mịn.
- Trộn đều đậu với sữa đặc và bột nếp
- Sên đậu tới khi nhân đặc, không dính chảo và quện thành một khối là thành công.
Những bông hoa đậu như được thổi hồn vào trong đó, chân thực, tự nhiên.
Bước 3: Công thức Beancraft
Nguyên liệu: cho 5 đĩa
- 1350gr Beanpaste
- 135gr bột mì
- 90gr bột bắp
- 90gr bột nếp
Cách làm
- Trộn tất các các nguyên liệu trên rồi đem hấp với lửa vừa trong 20 phút. Khi hấp cho vải lót dưới nắp nồi, không cho nước nhỏ giọt lên đậu sẽ giúp thành phẩm đạt chuẩn hơn.
- Nên chia nhỏ nguyên liệu hấp cho chín đều. Nếu hấp xong hơi khô, bạn có thể cho một chút xíu dầu ăn và Corn syrup (mật ngô).
Bước 4: Ráp hoa đậu cán
- Sau khâu chế bột, khâu cuối là quan trọng nhất tận hưởng thành quả. Bột được cán mỏng, lấy khuôn cắt cắt định hình.
Cán mỏng đậu, lấy khuôn định hình cánh có sẵn cắt.
- Những cánh hoa sau khi được cán mỏng cắt định hình sẽ được cho vào khuôn để ép vân. Khi ép vân, ấn 2 đầu chặt, ấn ở giữa nhẹ một lần. Cứ như thế công việc này được làm thủ công nhưng sẽ cho ra những cánh hoa đặc sắc.
Ép cánh được cắt vào khuôn để có những đường gân như thế này.
- Từ những cánh hoa mỏng manh, chiếc lá nhỏ, người thợ sẽ lắp ghép thành những bông hoa đẹp lung linh bằng cách bôi chút nước lên phần cuống cánh để tạo độ dính cho các cánh hoa dính vào nhau.
Lấy một ít nước bôi lên phần cuống để tạo độ dính.
Thành phẩm những bông hoa đậu cán.
- Lưu ý: Những cánh hoa bên ngoài sẽ thấp hơn những cánh hoa bên trong. Mỗi một lớp cánh chỉ cần 5-7 cánh hoa được ép.
Chúc các bạn thành công!
Cách tạo màu tự nhiên cho xôi hoa đậu cán Màu xanh lá dứa - Lá dứa mua về rửa sạch, đem phơi nắng gắt hoặc sấy khô với 100 độ đến khi lá rứa khô giòn, có thể xay nhuyễn là được. Lá dứa khô có thể phơi nhiều rồi dùng dần. - Bạn dùng lá xay nhuyễn, lọc lấy nước màu xanh để trộn vào xôi trước khi hấp xôi. - Ngoài ra bạn có thể dùng lá dứa tươi hoàn toàn, chưa phơi khô cũng sẽ có hiệu quả màu xanh đẹp mắt ngày tức thì. - Để xôi lên màu đẹp nhất, bạn chọn phần lá dứa xanh xay với nước, để lắng 2 ngày trong tủ lạnh. Bỏ phần nước trong đi, sử dụng phần lắng cặn bên dưới để trộn cùng gạo khi hấp. Màu xanh từ hoa đậu biếc - Hoa đậu biếc khô hoặc tươi, bạn ngâm nước nóng cho phôi màu ra. - Cho xôi vào ngâm cùng với nước màu qua đêm bạn sẽ có màu xôi đẹp mắt. - Nước hoa đậu biếc khi được chế thêm vào giọt chanh sẽ cho ra màu tím. Màu đỏ từ thanh long ruột đỏ - Dùng thanh long ruột đỏ bỏ vào tủ đông, sau đó cắt miếng bỏ lên rây để rây lấy nước đỏ. - Nước này trộn cùng xôi khi hấp hoặc dùng chính nước đó để hấp xôi cùng đều cho ra gam màu đỏ nhạt, đỏ đậm tùy ý. Màu đỏ từ quả gấc - Trộn thịt gấc với rượu, sau đó trộn cùng gạo nếp trước khi hấp Màu vàng từ lõi nghệ tây hoặc hoa dành dành - Với hoa dành dành, bạn cũng có thể ngâm để lấy nước tương tự hoa đậu biếc. - Với lõi nghệ tây, bạn giã nhuyễn và hòa, lọc lấy nước vàng ngâm gạo. |