Nhờ có vườn rau trái, ao cá rộng do ba chị Tuyết Vân ở Long An chăm sóc khiến chị chẳng cần phải đi chợ, chỉ cần nằm võng đu qua đu lại là thấy món ăn hàng ngày.
Chị Lê Thị Tuyết Vân (8X) từng gây bão like khi hoàn thành xuất sắc tiệc cưới phục vụ 30 khách người Đức thành công với những món ăn Việt khiến ai cũng phải trầm trồ. Mới đây, chị lại một lần nữa làm “điên đảo” hội những người yêu bếp với khu vườn rau trái ao cá rộng 1500m2 của ba ở quê và những mâm cơm nhà với những thực phẩm “của nhà trồng được” không hề tốn kém khi về 3 tháng hè thăm ba má ở Long An.
Chị Tuyết Vân cho biết, chị sang Đức sinh sống được khoảng 6 năm nay. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát chị không thể về thăm quê được, mãi đến đợt hè vừa rồi chị mới về thăm gia đình được 3 tháng. Và đó là 3 tháng vô cùng hạnh phúc và ý nghĩa của chị với cuộc sống yên bình, giản dị ở quê hương lâu lắm chị mới được tận hưởng.
Chị Tuyết Vân bên ba mẹ trong 3 tháng hè về thăm gia đình.
Con rể bất ngờ vì không ai trong nhà đi chợ
Chị Tuyết Vân kể, chị quê ở Long An trong gia đình có tổng cộng 10 anh chị em với khoảng 40 cháu nội ngoại. Tuy nhiên ba mẹ chị hiện nay vẫn ở một mình và tự chăm nhau vì các con đã có gia đình riêng, công việc ở xa, chỉ có một người anh trai ở gần đó chạy tới chạy lui thường xuyên thăm ba mẹ. Ba chị năm nay 83 tuổi, tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày vẫn tỉ mẩm chăm sóc khu vườn, ao cá từng ly từng tí. Chính vì vậy, gia đình chị ở quê rất ít tốn tiền đi chợ vì khu vườn tràn ngập rau trái và ao cá rộng 1500m2 ba chăm chút.
“Khu vườn của ba mình rộng khoảng 1500m2 tính cả nhà ở và ao cá nhưng không thua gì siêu thị mini vì ba trồng mỗi loại rau một ít nên tới giờ cơm chỉ cần đi vòng quanh vườn là có bữa cơm ngon với toàn rau sạch, cây trái trong vườn. Ba trồng chủ yếu cho các cháu ăn thôi chứ ba mẹ già rồi ăn uống cũng không đáng bao nhiêu, mỗi bữa ăn chỉ cần một nắm rau và vài ba con cá là xong”, chị Tuyết Vân chia sẻ.
Khu vườn toàn ngập rau trái khiến chị không phải đi chợ hay tốn tiền mua thức ăn.
Được biết, hiện nay khu vườn của ba chị có trên 40 loại cây khác nhau như bầu, bí, mướp, mùng tơi, rau dền, bồ ngót, rau má,… Ngoài ra còn đủ các loại củ quả như khoai môn, khoai lang, chanh, quất, cóc, ổi, me, mãng cầu, chuối, dừa, xoài, mít, bưởi, đu đủ, sake, khóm và nhiều loại cây cảnh khác nữa. Bên cạnh đó, khu vườn của ba chị còn có đủ loại rau thơm, rau gia vị như tiêu, ớt, ngò gai, húng, diếp cá, hẹ,…xanh mướt mắt.
Chính vì khu vườn rộng như vậy nên suốt ngày ba chị “say đắm” ở ngoài vườn, trồng cây này đến cây khác cả ngày không hết. Đặc biệt, ba chị còn đi gom đủ các loại bã café hay đi xin trái cây mọi người bỏ đi về làm phân bón cây rồi thức ăn cho cá.
Mùa hè vừa rồi, chị về ở cùng ba mẹ 3 tháng, những tưởng thời gian lâu nhưng cuối cùng lại qua rất nhanh, chị còn chưa ăn và nấu hết món đồng quê là đã phải đi về Đức. Chị Vân tâm sự, ai cũng bảo ở quê buồn lắm, ở không nổi nhưng chị lại ngược lại vì thấy ở quê rất vui. Suốt ngày chị quanh quẩn bên vườn rau, ao cá, bày món nọ món kia đã hết ngày hết giờ rồi nên không có gì buồn hết. Đặc biệt, ở quê chị chẳng phải lo lắng chuyện đi chợ hay “hôm nay ăn gì?” mà chỉ cần đến giờ ra vườn đi một vòng là đã có mâm cơm với đủ thứ món vô cùng ngon miệng.
Chị chỉ cần nằm võng đu đưa là có ngay món ăn trước mặt không cần đau đầu suy nghĩ "Hôm nay ăn gì?"
Nói đến đây, chị cười khi nhớ lại lần đầu tiên ông xã về quê chơi, anh đã rất ngạc nhiên khi không thấy ai đi chợ hết và tròn mắt khi thấy chị cầm rổ và dao đi một vòng trong vườn rồi về nấu mâm cơm đầy ắp.
“Đợt đó anh về thấy sáng cả nhà không ai đi chợ hết, anh hỏi mình “ủa trưa nay nhà không có nấu cơm hay sao vậy hay là nhà mình đi ăn tiệm mà không thấy ai đi chợ hết”. Mình nói “Đâu có trưa nay ăn ở nhà đó”. Anh bảo “Sao không thấy gì hết” rồi mình đi vòng trong vườn hái đủ thứ rau nấu nồi canh chua, ba ngồi trong vườn câu cá. Vậy là xong bữa cơm không cần đi chợ. Đến giờ câu chuyện đó vẫn được ông xã mình kể đi kể lại với bạn bè về cuộc sống ở dưới quê”, chị Tuyết Vân chia sẻ.
Chỉ nằm võng ở vườn là thấy món ăn
Mới đây, sau 3 năm dịch bệnh, chị Vân mới được trở về nhà thăm gia đình, ăn món ăn đồng quê do chính mình nấu, rau vườn ba trồng, cá nhà nuôi. Mỗi bữa ăn như vậy ký ức tuổi thơ của chị lại tràn về. Dù bữa ăn đơn giản không cầu kỳ nhưng đối với chị đó là bữa cơm ngon nhất, mà theo như chị nói là “ngon dữ lắm, khác hẳn bữa ăn hàng ngày chỉ có 2 vợ chồng”.
Những món ăn không tốn kém nhiều chi phí mang mùi quê hương ấm áp.
Vì ở quê nên việc ăn uống cũng đơn giản không mất nhiều thời gian, mỗi bữa chị chỉ cần vào bếp 1 tiếng là xong mâm cơm. Rau chị chỉ cần đi vào vườn là có, con khô con mắm lúc nào cũng có sẵn trong tủ lạnh còn trái cây chín theo mùa nên chị không phải đau đầu suy nghĩ ăn gì mà chỉ cần nằm võng nghỉ ngơi, thư giãn là thấy món ăn trước mặt hàng ngày. Lâu lâu, ăn cá ngán, chị lại đổi qua thịt gà, vịt, heo, thịt bò đổi bữa cơm gia đình.
3 tháng về quê vừa rồi, chị thích nhất món cá tai tượng chiên xù. Cá ba vừa kéo lên chiên thơm ngon cuộn với bánh tráng, rau trong vườn ngon “nút lưỡi”. Hay những ngày cơn mưa đầu mùa vừa tạnh, chị lại xách thùng đi vòng quanh ruộng được mớ cua đồng về nấu canh rau mồng tơi. Ba lại ra sau vườn câu thêm vài con cá dưới ao lên kho tiêu. Mâm cơm đơn giản vậy thôi nhưng đối với chị là mâm cơm ngon nhất, ấm áp nhất.
“Đối với mình bữa ăn ngon nhất có tình yêu thương ba mẹ, gia đình bên cạnh và ăn ở chính ngôi nhà anh chị em mình có kỷ niệm rất là đẹp một thời tuổi thơ ở đó. Đúng như lời bài hát "Về sông ăn cá, về đồng ăn cua". Về quê mà không biết ăn cá, ăn mắm là không được. Ở quê không có được nhiều món như ở thành thị nhưng món cá kho, cá chiên, cá muối xả ớt, cá khô, mắm kho, canh chua, canh rau, rau luộc thôi cũng ngon miệng và đưa cơm”, chị Tuyết Vân thổ lộ.
Những bữa cơm ngon miệng cây nhà lá vườn bằng những thực phẩm tự cung tự cấp của gia đình.
Chị Tuyết Vân dự định vài năm nữa sẽ sắp xếp công việc để về Việt Nam ở với ba mẹ. Với chị không đâu bằng chính quê hương, bằng những mâm cơm quê giản dị nhưng đầy ắp tình yêu, ở đó có mùi rất lạ chỉ có người xa quê hương mới cảm nhận được chính hương vị đó mà chị vẫn hay gọi đó là mùi quê hương.