Dù lấy chồng và sống ở Thụy Sỹ nhưng chị Chi Mai vẫn nấu món ăn Việt đều đặn 3 lần/ tuần cho chồng Tây và các con thưởng thức.
Gần 1 năm theo chồng sang Thụy Sĩ sinh sống, mỗi tuần chị Phương Chi Mai vẫn dành 3 buổi vào bếp nấu những món ăn Việt Nam và làm Youtube chia sẻ cuộc sống ở đây để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Ông xã chị là một người rất yêu thích ẩm thực Việt nên anh luôn hào hứng, thích thú với những bữa ăn Việt đổi vị cho cả gia đình và anh luôn cố gắng cùng chị đi chợ hay đi siêu thị hoặc ra những cửa hàng bán đồ Việt ở đây để mua đồ.
Tổ ấm nhỏ của chị Chi Mai ở Mỹ.
Một tuần nấu ăn 3 lần mâm cơm Việt
Chị Mai hiện đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc với ông xã người Pháp và con gái nhỏ gần 3 tuổi ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Chia sẻ về chuyện tình yêu của vợ chồng mình, chị Mai tâm sự, vợ chồng chị gặp nhau ở Hà Nội qua công việc. Ban đầu chị không để ý đến ông xã vì chị không thích yêu và lấy người nước ngoài. Ông xã biết điều đó nên luôn cố gắng rất nhiều để chinh phục chị. Vì thấy anh chân thành, tốt bụng nên chị đã nhận lời yêu và sau 2 năm, anh chị quyết định kết hôn vào năm 2019. Khi có em bé, vợ chồng chị chuyển vào Sài Gòn. Tháng 10/2021 chị theo chồng sang Thụy Sĩ sinh sống.
Chị Mai cho biết, trước khi sang Thụy Sĩ, chị cũng hay nấu ăn. Nhất là khoảng thời gian sống ở Sài Gòn sau kết hôn, không hợp khẩu vị của người Nam nên chị hay nấu nướng để được thưởng thức đúng khẩu vị nhất. Thường thì vào buổi tối khi đi làm về hay ngày cuối tuần chị lại vào bếp nấu nướng cho ông xã và con gái. Khi sang Thụy Sĩ, chị vẫn duy trì nấu 3 lần/tuần những mâm cơm Việt để cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
“Mình chỉ nấu những món cơm nhà rất đơn giản như mình hay ăn khi còn ở Việt Nam. Chồng mình từng sống ở Việt Nam một thời gian dài nên anh rất hiểu và yêu thích ẩm thực Việt Nam. Anh rất thích các bữa cơm mình nấu. Món yêu thích nhất của anh ấy là món phở và thịt kho tiêu ăn kèm với cơm trắng. Còn con gái mình thì thích cơm, trứng rán và nem rán,…”, Chị Chi Mai chia sẻ.
Mỗi tuần chị nấu 3 lần mâm cơm Việt cho gia đình.
Sự thú vị khi đi chợ, siêu thị ở Thụy Sĩ
Mặc dù sống xa Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng chị Chi Mai không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mua những nguyên liệu Việt. Tuy nhiên cũng có đôi lúc chị phải biến tấu món ăn theo một cách khác vì không có một vài thứ nguyên liệu mình muốn. Như nấu món bún thang, chị tự muối củ cải theo công thức của mẹ ở Việt Nam. Dù thiếu món trứng vịt muối nhưng bún thang Thụy Sĩ của chị hương vị cũng không hề thua kém bún thang Việt Nam. Hay những ngày Tết Nguyên Đán, chị cũng có thể dễ dàng tìm mua bánh chưng của người Việt ở đây rồi tự tay làm nem rán để cho ngày Tết xa quê của mình vẫn đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Món bún thang và bánh chưng nem rán xa quê những ngày Tết.
Chị Chi Mai tâm sự, ở Thụy Sĩ có những cửa hàng của người Việt làm chủ và bán hầu như tất cả các loại thực phẩm của Việt Nam cũng như các nước châu Á nên chị không gặp khó khăn trong việc tìm mua nguyên liệu Việt. Thường thì khoảng 1,5 tháng chị lại ra cửa hàng này để mua đồ Việt hoặc có thể lâu hơn.
Hơn nữa, ở chợ Thụy Sĩ, thực phẩm rất tươi ngon, nhiều loại rau củ đặc trưng của xứ lạnh vô cùng phong phú. Còn ở siêu thị rất lớn và có rất nhiều đồ để lựa chọn.
“Ở Geneva, thành phố mình sống không có chợ phổ biến như ở Việt Nam. Chợ sẽ chỉ họp từ 1-2 lần/ tuần và chủ yếu là đồ nông sản tại các trang trại, bánh mỳ, phô mai, … nói chung là các loại thực phẩm cơ bản. Chất lượng thực phẩm khá tốt và sạch sẽ. Theo mình thấy thì một số loại rau củ có giá đắt hơn siêu thị một chút. Đối với siêu thị thì nhìn chung không có gì khác biệt nhiều so với Việt Nam hay các nước khác. Có điều mua rau củ ở siêu thị sẽ phải tự cân chứ không có người cân hộ. Túi đựng đồ cũng phải tự mang hoặc mua ở siêu thị chứ không có sẵn như ở Việt Nam. Và hầu hết là túi dùng nhiều lần hoặc túi giấy chứ rất ít dùng túi ni lông”, chị Chi Mai chia sẻ sự khác biệt khi đi chợ và siêu thị ở Thụy Sĩ.
Thực phẩm Việt vô cùng phong phú.
Ngoài ra, theo chị Chi Mai, siêu thị ở Thụy Sĩ khác siêu thị ở mọi nơi về giờ hoạt động khi mở cửa từ 7h30 sáng, đóng cửa muộn nhất lúc 7h tối và đa phần đóng cửa lúc 6h30 tối. Thứ Bảy có thể đóng cửa sớm hơn còn Chủ Nhật thì đóng cửa hoàn toàn bởi ở Thụy Sĩ hầu như tất cả mọi thứ đều đóng cửa vào Chủ Nhật.
Nếu mọi người muốn sử dụng xe đẩy ở siêu thị thì phải có tiền xu để mở khoá xe, thường là 1chf ( franc TS) hoặc 50 cent euro. Nếu không muốn dùng xe đẩy, mọi người có thể dùng giỏ xách của siêu thị. Khi sử dụng xe đẩy xong, mọi người trả xe và lấy lại tiền xu ban đầu. Khi thanh toán mọi người có thể thanh toán tại quầy hoặc qua máy scan sản phẩm để tính tiền tự động cho ai không muốn phải chờ và mọi người có thể trả bằng thẻ hoặc tiền mặt ở máy tự thanh toán.
Thực phẩm ở siêu thị vô cùng phong phú, đa dạng.
Mọi người phải bỏ tiền xu vào mới lấy được xe đẩy và phải tự cân thực phẩm mình mua hoặc tự scan sản phẩm để tính tiền tự động.
Máy thanh toán tiền tự động.
Về giá cả, vì đồ Việt Nam là hàng nhập khẩu nên đắt hơn rất nhiều. Mỗi lần đi chợ Việt chị chi tiêu khoảng 40-100 franc Thụy Sĩ, tương đương 900 nghìn đến 2 triệu rưỡi tiền Việt.
Tuy vậy, dù sống xa xứ nhưng nấu ăn đã giúp chị nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và quê hương ở Việt Nam rất nhiều. Nấu ăn như một liệu pháp giúp chị giải tỏa tinh thần mỗi khi buồn hay nhớ nhà bởi với mỗi người sống xa quê, điều đầu tiên nhớ đến chính là ẩm thực quê hương, là những món cơm mẹ nấu khi còn bé.