Bày những món ăn này lên mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp đảm bảo ai cũng phải trầm trồ vì quá hấp dẫn.
Dưới đây là gợi ý những món ăn hấp dẫn bạn có thể thêm vào mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp nhé:
1. GÀ LUỘC
- Để gà không bị hôi mùi lông sau khi luộc, rửa kỹ lại gà kể cả ngoài hàng đã làm thịt sạch sẽ, dùng vài muỗng muối hạt xoa nhẹ nhàng lên thân từ trên xuống dưới không nên chà xát quá mạnh sẽ khiến lớp da bị rách đến lúc luộc sẽ không còn đẹp nữa.
- Cho gà nghỉ khoảng 5 phút rồi xả lại bằng nước lạnh, ngoài tác dụng khiến cho gà sạch hơn thì một phần muối sẽ thấm vào giúp da sau khi luộc sẽ trở nên giòn hơn.
- Sau đó để gà trên rổ ráo nước rồi cho vào nồi đổ ngập nước.
- Nồi nước luộc cho thêm vài củ hành khô hay nửa củ hành tây, vài thìa nước mắm, một ít muối để thịt gà đậm đà hơn.
- Sau khi đun sôi ở lửa to được khoảng 10 phút, hạ lửa thật nhỏ, đậy nắp nồi lại rồi thêm 5 phút thì tắt hẳn.
- Vớt gà ra, cho ngay vào 1 thau nước đá đã chuẩn bị sẵn, gà gặp lạnh co lại, da dai giòn, thịt săn mà không bị nứt thiếu thẩm mỹ. Bạn có thể cúng gà nguyên con đối với gà trống, còn gà mái thì chặt miếng rồi bày ra đĩa.
2. CANH MĂNG KHÔ MÓNG GIÒ
Nguyên liệu:
- 500g móng gò lợn trước.
- 170g măng vầu khô hoặc măng lưỡi lợn khô.
- 50g hành củ khô bằm nhuyễn.
- 20g hành hoa lấy phần củ gốc cắt dài 7cm.
- 3 lá mùi tàu.
- 1 ít hạt tiêu.
- Nước mắm mặn ngon.
- 30g hạt nêm rau củ.
- 2 lít nước vo gạo để ngâm măng.
- Một ít ớt thái chỉ để trang trí.
- Nước lọc hoặc nước dùng xương.
- Dầu ăn.
Cách làm:
- Chân móng giò trước lợn loại ngon 1 cái cỡ 500gr đem cạo sạch lông và rửa sạch.
Sau đó chẻ bổ đôi móng giò rồi chặt miếng vừa ăn. Mỗi miếng dày khoảng 2,5cm.
- Măng vầu khô rửa sạch, ngâm vào nước vo gạo để qua một đêm sau đó rửa sạch. Cho măng vào luộc với nước sạch khoảng 2 tiếng. Lưu ý khi luộc măng nên thay nước liên tục khoảng 3 lần trong quá trình luộc để măng được trắng, ra hết mùi và vị đắng chát của măng khô cũng như chất độc còn sót lại trong măng. Nếu luộc 2 tiếng mà măng chưa mềm hẳn bạn có thể luộc thềm.
- Khi măng đã được luộc kỹ, kiểm tra thấy măng đã mềm, vớt ra ngâm măng vào nước lạnh. Lúc này, tiến hành nhặt sạch các lá măng vụn bên ngoài bỏ đi để bát canh măng được gọn và ngon hơn. Sau đó vớt măng ra để ráo nước và tiến hành thái miếng vừa ăn khoảng 2,5cm x 3,5cm.
Cho nồi lên bếp, thêm 1 muỗng canh dầu ăn, cho 1/2 chỗ hành củ khô bằm nhuyễn vào phi thơm. Khi hành đã thơm, cho chân giò vào, xào qua và nêm nếm thêm nước mắm, hạt nêm, một chút tiêu vào, xào đến khi chân giò ngấm đều gia vị.
Tiếp đến, cho nước lọc vào xâm xấp mặt chân giò, ninh nhỏ lửa khoảng 15 phút sau khi nước sôi.
- Tiếp đến, bắc chảo nóng, phi thơm lượng hành củ băm nhỏ còn lại vào phi thơm. Sau đó, cho măng vào xào. Nêm thêm nước mắm, hạt nêm, xào cho ngấm măng.
- Khi măng săn lại và ngấm gia vị, cho chảo măng ra và trút vào nồi chân giò đã ninh trước đó, đun cho sôi lại. Tiếp đến, thêm lượng nước vửa đủ, tiếp tục ninh canh măng khô khoảng 60 phút hoặc cho đến khi thấy chân giò đã mềm, măng ngấm, nêm nếm lại một lần nữa để vị vừa ăn là hoàn thành.
Trong quá trình nấu canh măng và chân giò, đun nhỏ lửa và liên tục hớt bỏ bọt cùng lượng mỡ thừa nổi trên bề mặt nước canh để nước canh măng được trong, không bị váng mỡ quá nhiều.
Lấy bát tô to múc lượng măng và chân giò ra bát, xếp chân giò vào giữa bát, chần sơ hành hoa cho lên trên.
Sau đó chan nước canh vào và trang trí thêm một chút lá mùi tàu thái nhỏ, một chút ớt thái sợi là xong.
Yêu cầu thành phẩm:
Măng khô chín mềm, chân giò chín mềm, nước dùng trong màu nâu nhạt, vị vừa ăn và có mùi thơm đặc trưng của măng khô.
Canh măng khô móng giò phù hợp với mâm cơm cúng ngày Tết và bữa cơm đầm ấm trong gia đình khi tiết trời se lạnh. Món ăn này còn phù hợp ăn với cơm trắng hoặc bún.
3. XÔI NGŨ SẮC
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc:
- Gạo nếp ngon
- Nguyên liệu tạo màu: bột nghệ làm màu vàng, thanh long đỏ để làm mà đỏ, lá dứa để làm mà xanh lá, hoa đậu biếc để làm màu xanh dương, hoa đậu biếc + nước chanh để ra màu tím nhạt
- Nước cốt dừa
Cách làm:
Bước 1: Ngâm gạo
Gạo nếp đem vo sạch, để ráo, rồi chia làm 6 phần để lúc sau ngâm với 6 màu.
Bước 2: Tạo màu
- Màu vàng: Pha bột nghệ với nước, rồi đổ một phần gạo nếp vào để ngâm.
- Màu đỏ: Xay thanh long đỏ rồi lọc lấy nước cốt, sau đó đổ gạo nếp vào ngâm với nước cốt thanh long.
- Màu xanh lá: Xay lá dứa (chọn lá dứa già màu đậm) với nước, lọc lấy nước, để nước lắng xuống, đổ phần nước trong đi, lấy phần nước xanh đậm. Phần nước này đem ngâm với gạo nếp.
- Màu xanh dương: Ngâm hoa đậu biếc với nước nóng là ra màu xanh, sau đó đem ngâm nước này với phần gạo nếp đã chia.
- Màu tím nhạt: Cũng là nước hoa đậu biếc mà em vắt vô miếng chanh là ra tím ấy.
- Màu trắng: Gạo nếp nguyên bản, chỉ ngâm với nước bình thường.
- Nước cốt dừa: Cho thêm đường, muối, dầu ăn vào nước cốt dừa, khuấy đều.
Sau khi ngâm các màu gạo nếp qua đêm để gạo nếp thấm màu. Sau đó rửa lại gạo nếp sơ qua với nước, để ráo.
Bước 3: Hấp xôi bằng nồi chiên không dầu
Lót giấy nến dưới khay, sau đó đổ từng loại gạo nếp lên khay, ngăn lá chuối/hoặc giấy nến giữa các màu.
Bỏ vào nồi chiên không dầu, hấp 100 độ C trong 20 phút, sau đó đổ thêm hỗn hợp nước cốt dừa vào từng loại xôi, xới đảo lên cho xôi nở đều, để thêm 1 lúc là được.
Sau khi xôi chín, rắc thêm cùi dừa bào sợi.
Nếu không có nồi chiên không dầu bạn có thể sử dụng chõ đồ xôi hoặc nồi hấp bình thường để hấp xôi nhé!
Xôi ngũ sắc lên màu đẹp mắt như thế này đảm bảo mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp nhà bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều!
4. NẤM ĐÙI GÀ XÀO
Nguyên liệu:
- 3 cây nấm đùi gà to, một ít hành lá, 1 muỗng canh dầu ăn, 3 muỗng canh dầu hào, đường vừa đủ.
Cách làm:
Nấm đùi gà rửa sạch, thái lát dày khoảng 0,5cm. Sau đó khứa thành các đường vuông góc nhau ở trên mặt cắt.
Hành lá nhặt rửa sạch, chia làm 2 phần, phần đầu trắng và phần lá xanh. Thái nhỏ mỗi phần.
Cho dầu hào ra bát, thêm 1 thìa nhỏ đường, trộn đều. Sau đó thêm 80ml nước vào trộn đều.
Đun nóng dầu ăn trong chảo, cho đầu trắng hành lá vào xào rồi cho nấm vào, không dùng lửa lớn. Để lửa vừa.
Xào nấm một lúc rồi rưới nước sốt vào.
Tiếp tục xào trong khoảng 4 phút.
Khi gần hết thời gian, nêm nếm lại, nếu thấy nhạt có thể thêm chút muối. Hết thời gian, rắc hành lá xanh thái nhỏ, tắt bếp.
Nấm đùi gà sốt dầu hào mềm hơi giòn nhẹ, thơm ngon, đậm đà, beo béo, ăn với cơm vô cùng hấp dẫn.
5. MIẾN CUỘN TÔM CHIÊN
Nguyên liệu:
- 10 con tôm tươi, 2 bó miến, lượng gừng tỏi thích hợp, nửa thìa muối, nửa thìa hạt tiêu, 1/3 thìa rượu nấu ăn.
Cách làm:
Cố gắng mua tôm tươi và to. Sau đó bóc vỏ, bỏ chỉ tôm, giữ lại vỏ ở đuôi. Rửa sạch sau đó dùng giấy thấm khô tôm.
Cho muối, tiêu, rượu nấu ăn và gừng, tỏi băm vào tôm rồi trộn đều ướp 20 phút, nếu có thời gian bạn có thể cho tôm vào ngăn mát tủ lạnh để ướp lâu hơn cũng được.
Khi ướp tôm, chúng ta sơ chế miến, ngâm miến vào nước ấm cho mềm. Lưu ý chỉ ngâm mềm dẻo dai vừa phải, không ngâm mềm nhũn.
Lấy từng sợi miến quấn đều vào từng con tôm. Nếu 1 sợi miến không đủ cuốn một con tôm thì sử dựng thêm 2-3 sợi nữa. Làm lần lượt đến hết.
Cho nhiều dầu ăn vào chảo sâu lòng hoặc nồi nhỏ. Đun cho dầu nóng hơi già thì cho tôm đã được cuộn miến vào chiên ở lửa vừa cho đến khi vàng và giòn.
Vớt tôm ra đĩa, chấm vào sốt cà chua hoặc tương ớt rồi nhâm nhi, thưởng thức. Món miến cuộn tôm chiên vừa giòn bên ngoài, bên trong chín mềm thật ngon và hấp dẫn.
6. NỘM TAI XOÀI XANH
Nguyên liệu:
- 250g tai heo thái mỏng
- 250g xoài nạo sợi
- 2/3 củ hành tây cỡ vừa, thái mỏng
- 1.5 muỗng cà phê bột canh; 4 muỗng cà phê đường; 1 quả chanh cỡ nhỏ; 2-3 quả ớt đỏ, thái nhỏ; 6-7 tép tỏi, băm nhỏ
- Lạc rang giã rối; rau húng chó, mùi tàu thái nhỏ
Cách làm:
Trộn tai, xoài, hành tây trong một bát.
Thêm bột canh, đường vào trộn đều. Cho nước cốt chanh, trộn tiếp.
Sau đó cho tỏi, ớt, lạc rang giã rối vào, trộn đều. Cuối cùng cho rau thơm thái nhỏ vào, trộn thêm một lượt là xong. Cho nộm xoài xanh tai heo ra đĩa rồi thưởng thức!
7. TAI HEO CUỘN NGŨ VỊ
Nguyên liệu
- 2 cái tai heo.
- Nguyên liệu làm sạch tai heo: 1 củ gừng nhỏ, 2 củ sả, muối trắng, dấm, rượu trắng.
- Gia vị nấu: 2 thìa canh ăn phở dầu hào, 2 thìa canh ăn phở xì dầu, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê hành tím băm, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thanh quế, 2 hoa hồi, 1 quả thảo quả (không có quế, hoa hồi, thảo quả thì tha bằng 1 thìa cà phê ngũ vị hương), nước dừa tươi ( không có thay bằng nước trắng)
- Muốn tai heo lên màu đẹp thì thêm vào vài giọt nước hàng (nước màu để kho thịt).
- Dây dù, chỉ... để buộc tai heo.
Cách làm:
- Tai heo mua về cạo sạch lông, chất bẩn, rửa sạch. Bóp tai heo với 1 thìa canh ăn phở dấm, 1 thìa canh ăn phở muối trắng, 1 thìa canh rượu, sau đó rửa lại thật sạch bằng nước trắng.
- Cuộn từ phần đầu nhọn vào, giữ chặt tay, dùng chỉ hoặc dây dù cuộn chặt lại thành nhiều vòng, rồi buộc chặt lại.
- Đun sôi một nồi nước (ngập tai heo), thả vào đó một 1 gừng đập dập, 2 củ sả đập dập. Nước sôi, sả gừng toả mùi thơm thì thả tai heo vào chần khoảng 3-4 phút, vớt ra rửa sạch lại, lúc này tai heo đã hết mùi hôi và thơm mùi sả, gừng.
- Cho tai heo cuộn tròn, sơ chế sạch vào nồi, đổ nước dừa tươi xâm xấp hoặc không có nước dừa tươi thì dùng nước trắng.
- Cho các gia vị: xì dầu, dầu hào, hạt tiêu, bột nêm, tỏi băm, hành băm, hoa hồi, quế, thảo quả, vào nồi, đun sôi. Khi sôi thì hạ nhỏ lửa, đun liu riu cho đến khi nước trong nồi cạn, trong lúc đun thỉnh thoảng trở mặt tai heo cho gia vị ngấm đều (ai thích ăn cay cho ít ớt bột hoặc vài miếng ớt cay vào). Nêm nếm lại gia vị cho hợp khẩu vị, không nên nêm vừa ăn vì khi cạn sẽ bị mặn.
Lưu ý: Khi nước gần cạn phải chú ý để lửa thật nhỏ không dễ bị cháy.
- Khi nước trong nồi cạn, hơi sền sệt, chuyển sang màu cánh gián thì vớt tai heo ra. Để tai heo thật nguội cất ngăn mát tủ lạnh tầm 3-4 tiếng. Khi ăn, cắt lát mỏng chấm với tương ớt rất ngon.