Nhà văn Lam Lam trong phim "Nàng dâu order" do Lan Phương thủ vai từng bị chửi bới tơi tả vì không dám nhận với mọi người rằng bố mẹ cô làm nghề bán bánh cuốn.
Cách đây không lâu khi tập 16 của bộ phim Nàng dâu order được phát sóng, nhân vật nữ chính do Lan Phương thủ vai là Yến, còn gọi là nhà văn Lam Lam đã bị cộng đồng mạng chỉ trích vì không dám nhận với mọi người rằng bố mẹ mình làm nghề bán bánh cuốn gia truyền.
Do nhận thấy quán bánh cuốn gia truyền của bố mẹ ngày một ế ẩm nên nhân vật của Lan Phương đã quyết tâm ra tay giúp đỡ bố mẹ bằng cách livestream PR để giới thiệu mạng xã hội và nói rằng đây là "quán ruột" mà mình hay tới ăn. Ngay sau đó, nhờ vào sức ảnh hưởng của nữ nhà văn, khách khứa đã kéo đến nườm nợp để ủng hộ "quán ruột" của cô.
Nhà văn Lam Lam (Lan Phương) và quán bánh cuốn của bố mẹ trong phim.
Nhờ cô livestream giới thiệu "quán ruột" mà quán trở nên đông khách.
Sau khi tiệm bánh cuốn gia truyền trở nên đông khách, danh tính bố mẹ đẻ của nhân vật do Lan Phương thủ vai cũng bị lật tẩy, làm cô bị tố "sống ảo", khoe mẽ với thiên hạ. Không những vậy, chính những người trong gia đình như bà nội chồng, bố đẻ đều tỏ thái độ thất vọng vì cô con gái ích kỷ, chối bỏ bố mẹ với thiên hạ chỉ vì nghề nghiệp của gia đình không sang.
Mới đây, khi bộ phim gần đi đến tập cuối, Lan Phương đã chia sẻ hình ảnh mình đang ngồi làm bánh cuốn và cho biết trong tập này của phim cô sẽ bán bánh cuốn. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ chỉ nằm trong khuôn khổ phim nếu Lan Phương không tiết lộ sự thật ngoài đời của chính cô.
Lan Phương đời thực chính là một người con gái của vùng đất bánh cuốn Thanh Trì.
Bà mẹ một con cho biết: "Phương quê bánh cuốn Thanh Trì nhưng chưa từng tráng bánh. May nhờ có Yến mà Phương mới biết tráng bánh cuốn thế nào". Hóa ra, Lan Phương đã được mang lên màn ảnh bằng nghề truyền thống của chính quê hương mình. Điều này làm cho những người con của quê hương bánh cuốn Thanh Trì nức lòng.
Các fan cũng khen ngợi hình ảnh Lan Phương trổ tài làm bánh cuốn: "Đúng là nghề gia truyền bánh cuốn Thanh Trì nhé", "Tự hào người con gái Thanh Trì, luôn luôn tự hào có món bánh cuốn ngon lành như thế này chị ạ", "Bánh cuốn tráng tay ăn ngon lắm chị Lam Lam ạ"... Khán giả còn thi nhau "order" đĩa bánh cuốn từ Lan Phương.
Bánh cuốn Thanh Trì. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Bánh cuốn Thanh Trì luôn nằm trong top 10 món ăn nên thử khi đến Hà Nội. Nó đã có lịch sử từ rất lâu đời. Bánh cuốn Thanh Trì được làm từ gạo tẻ, xay thành bột nước. Bột nước gia giảm ra sao cũng phụ thuộc vào bí quyết nhà nghề. Bánh được tráng trên một nồi hấp với nước sôi sùng sục, có vài miếng mỏng căng đều trên miệng nồi. Cho một muôi bột nước vừa đủ, đổ lên trên mảnh vải rồi lấy muôi xoa nhẹ. Xoa bột đến hết miệng nồi rồi vung lại vài chục giây rồi mở ra. Bằng một thao tác điệu nghệ, dùng một chiếc que tre lớn nhấc miếng bánh trắng nõn ra. Lúc này, người làm bánh muốn thêm nhân gì thì thêm và cuộn lại, đặt vào đĩa.
Để bánh ngon, tráng bánh phải có kỹ thuật, làm sao để bánh mỏng, màu trắng trong, dẻo và thơm, đồng thời vẫn giữ được nguyên vẹn độ tinh túy cùng mùi thơm tự nhiên của gạo.
Người dân làm bánh cuốn trong lễ hội làng. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Gạo được xay nhuyễn bằng cối đá. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Bánh cuốn cổ truyền thường được đựng trong thúng và mang ra chợ bán. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Bánh cuốn chuẩn Thanh Trì ban đầu thường không có nhân, có vị thanh mát, sau này mới thêm thịt băm và mọc nhĩ. Bánh ngon thì phải có nước chấm ngon. Nước chấm bánh cuốn gồm nước mắm cốt, chút ít dấm, đường, tiêu và ớt. Ngày xưa, bánh cuốn Thanh Trì được chấm với nước mắm cà cuống hay gọi thêm cà cuống hấp chín ăn kèm nhưng nay không còn phổ biến. Bánh còn được thêm hành phi thơm lừng, có thể ăn kèm với chả mỡ, chả quế.
Xưa kia, bánh cuốn Thanh Trì được bánh hàng rong, đựng trong một cái thúng, đậy mẹt lên trên. Giờ đây, bánh cuốn Thanh Trì vẫn tồn tại đâu đó trên những góc phố hay những tiệm nhỏ kiểu truyền thống như bố mẹ nhà văn Lam Lam trong phim và trở thành một trong những món ăn lưu giữ cái hồn Hà Nội. Dù rằng ngày nay có nhiều loại bánh cuốn gia truyền từ các nơi khác du nhập vào như bánh cuốn Phủ Lý, bánh cuốn Cao Bằng...
Dù có nhiều loại bánh cuốn ở các tỉnh thành khác nhau nhưng bánh cuốn Thanh Trì vẫn mang một nét tinh túy riêng có. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Nước mắm cà cuống hay cà cuống ăn kèm với bánh cuốn là một nét đặc trưng của bánh cuốn Thanh Trì khi xưa. (Ảnh: Nam Nguyễn).