Cùng khám phá những món mang đặc trưng trên “mâm cỗ” của người Pháp trong đêm tiệc đón năm mới tại kinh đô ẩm thực của Châu Âu.
Ở Việt Nam, bữa cơm tất niên là ngày sum họp gia đình, còn tại Pháp, đêm chào đón năm mới được tổ chức như một bữa tiệc thịnh soạn mời nhiều bạn bè tới chung vui. Theo lịch của người Pháp, mỗi ngày trong một năm mang tên một vị thánh và ngày 31-12, đêm Giao Thừa, được gọi là đêm Thánh Sylvestre.
Vào ngày này, các thành viên trong gia đình và khách mời quây quần bên nhau quanh bữa tiệc thịnh soạn nhất của năm. Dưới đây là giới thiệu những món ăn đặc trưng trong ngày đón năm mới tại Pháp.
Gan béo
Gan béo (foie gras) được thế giới ẩm thực biết đến như một món ăn đặc trưng nhất của nước Pháp. Mặc dù quen thuộc với tên gọi “gan ngỗng béo” tại Việt Nam, song thực tế 95% gan béo là gan vịt và chỉ 5% lượng gan béo ít ỏi được lấy từ những chú ngỗng.
Gan béo món ăn đặc trưng nhất của nước Pháp (Ảnh internet)
Ở Pháp, 90% gan béo được sản sinh từ vùng Perigord nằm ở Tây Nam nước này. Đây cũng chính là vùng sản xuất gan béo lớn nhất trên thế giới. Pháp nhập khẩu khoảng 20% gan từ Hungary và 5% từ Bulgaria và một số nước khác.
Mỗi năm, Pháp sản xuất gần 19.000 tấn gan béo, chiếm 2/3 tổng sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, người dân Pháp tiêu thụ đến ¾ tổng lượng gan béo được sản xuất trên thế giới.
Gan béo có vị thanh nhẹ hơn gan vịt nguyên bản và tan ngay trên đầu lưỡi như một miếng bơ thơm ngậy. Người Pháp thường ăn gan béo với bánh ga-tô đặc trưng vị quế hồi (pain d'épice) hoặc bánh mì kèm mứt quả vả.
Gan béo ăn cùng bánh ga-tô pain d'épice (Ảnh internet)
Bánh mì và mứt quả vả cũng được chọn để thay thế pain d'épice (Ảnh internet)
Hàu sống
Hàu sống là món ăn ưa thích tại Pháp trong suốt mùa lễ hội tháng 12. Trong lịch sử, Pháp là quốc gia đầu tiên tại Châu Âu bắt đầu ngành nuôi trồng hàu trên phạm vi lớn. Mỗi năm ngành nuôi trồng hàu mang lại doanh thu gần 520 triệu Euro, tương đương xấp xỉ 13.600 tỉ đồng (!).
Tại Pháp, hàu là một trong những món ăn đặc trưng được dùng trong ngày đón năm mới (Ảnh internet).
Mỗi năm, có tới 150 nghìn tấn hàu được đánh bắt từ 3.218 km đường bờ biển và người dân tiêu thụ hết 90% sản lượng hàu toàn quốc. Hiện tại, Pháp là quốc gia có sản lượng hàu lớn nhất Châu Âu.
Người Pháp thích thưởng thức vị hàu nguyên thủy khi còn tươi sống và ăn kèm cùng bơ hoặc kem đánh bông và một vài lát chanh (Ảnh internet).
Gà tây nhồi hạt dẻ
Nếu như gan béo và hàu sống là hai món ăn “quốc hồn quốc túy” của người dân Pháp, thì gà tây nhồi hạt dẻ là linh hồn chính của bữa tiệc cuối năm. Có thể nói, đây là món ăn truyền thống và lâu đời nhất trong tiệc năm mới ở Pháp.
Người Pháp lựa chọn gà tây cho bữa ăn chính vì ưu điểm tiên quyết: gà tây to hơn gà thường nhưng vẫn rẻ hơn một con ngỗng. Món ăn chính này sẽ vừa vặn cho một gia đình lớn và cũng rất ngon miệng và hấp dẫn.
Hỗn hợp nhồi gà tây thường gồm phần lớn hạt dẻ, bánh mỳ baguette cắt vụn, hành tây, cần tây và các loại lá thơm gia vị (Ảnh internet).
Gà tây nhồi hạt dẻ nướng nguyên con hấp dẫn trên bàn tiệc của người Pháp để tạm biệt năm cũ, đón năm mới sang (Ảnh internet)
Các loại pho mát
Trước khi dùng món tráng miệng, người Pháp có thói quen nhấm nháp một chút pho mát sau khi dùng xong món chính của bữa tiệc.
Nổi tiếng với các loại pho mát phong phú nhất thế giới, người Pháp cũng có cách thưởng thức pho mát rất cầu kỳ. Để có hương vị thơm ngon nhất, pho mát thường được bỏ ra khỏi tủ lạnh ít nhất 1 giờ đồng hồ trước khi dọn lên bàn tiệc. Các loại pho mát dùng trong tiệc năm mới được phục vụ trên một thớt gỗ nhỏ hoặc đĩa thủy tinh hay đĩa sứ. Những đồ đựng kim loại được cho là làm giảm hương vị thơm ngon vốn có của pho mát.
Một đĩa pho mát thập cẩm thường được phục vụ trong bữa tiệc quan trọng nhất của năm (Ảnh internet)
Nhấm nháp hương vị pho mát trước món tráng miệng là cách thưởng thức độc đáo của người Pháp (Ảnh internet)
Bánh tráng miệng
Để kết thúc một bữa ăn thịnh soạn vào dịp năm mới, người dân của “đất nước bánh ngọt” lựa chọn bánh khúc cây (Bûche de Noël) hoặc bánh vua (Galette des rois) cho món tráng miệng.
Bánh khúc cây là món tráng miệng tiêu biểu được phục vụ trong suốt tháng 12 tại Pháp và cộng đồng các nước nói tiếng Pháp như Bỉ, Canada… Món bánh được tạo hình khúc gỗ, với ý nghĩ mang lại hơi ấm, niềm vui và may mắn cho cả gia đình khi quây quần sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Món bánh cũng tượng trưng cho tục lệ từ xa xưa, khi người Pháp thường đốt củi sưởi ấm từ trong suốt mùa lễ, từ đêm Giáng Sinh cho tới đêm Giao Thừa.
Bánh khúc cây truyền thống với lớp sốt sô cô la ganache bên ngoài mô phỏng vỏ cây (Ảnh internet)
Ngoài hình thức truyền thống ban đầu, ngày nay các đầu bếp bánh ngọt đã biến tấu thêm những tạo hình mới mẻ và sang trọng hơn cho món bánh này.
Bánh khúc cây với các loại sốt phủ và màu sắc khác nhau (Ảnh internet)
Bánh khúc cây tại cửa hàng Paul, một trong những cửa hàng bánh ngọt khá nổi tiếng tại Paris nằm trên đại lộ Champs-Élysées (Ảnh internet)
Bên cạnh bánh khúc cây, nhiều gia đình tại Pháp cũng thường dùng tráng miệng với bánh vua bởi ý nghĩa thú vị của món ăn này. Bánh vua có vỏ là bột ngàn lớp, khi nướng lên các lớp vỏ sẽ tách nhau tạo độ xốp phồng đặc trưng.
Bên trong bánh là phần kem hạnh nhân hấp dẫn bọc một vật cứng nhỏ ở vị trí bất kỳ, thường là một hạt lạc hay đồng xu. Chiếc bánh sẽ được chia đều cho cả chủ nhà và khách khứa, nếu ai ăn được miếng bánh có đồng xu sẽ nhận được may mắn cho cả năm.
Bánh vua với ý nghĩa mang lại những điều may mắn cho năm mới (Ảnh internet)
Rượu
Người Pháp thường cầu kỳ chọn nhiều loại rượu cùng phục vụ trong một bữa ăn. Theo quy tắc thông thường, rượu đỏ dùng cho các món ăn từ thịt đỏ và rượu trắng dùng cho các món hải sản. Riêng rượu sâm panh có thể dùng trong suốt bữa tiệc tất niên.
Vào thời khắc Giao Thừa, một chai sâm panh mới sẽ được mở để mọi người cùng thưởng thức và chúcmột năm mới vui vẻ, luôn đong đầy niềm vui.
Người Pháp chúc nhau “Bonne année” để chào đón năm mới (Ảnh internet)