Hà Nội trở lạnh, những món ăn mang hương vị của xứ sở kim chi lại càng làm cho người dân Thủ đô thêm mê mẩn.
Nhắc đến Hàn Quốc, không thể không nhắc đến thế giới ẩm thực đa dạng, phong phú. Những món ăn như kim chi, kimbap, bánh gạo... đã trở nên quen thuộc và ngày càng được yêu thích ở Việt Nam.
Người ta thường nói “muốn trải nghiệm văn hóa của một đất nước, hãy đến với những món ăn vặt đặc trưng của đất nước đó”. Những món ăn được chế biến cầu kì, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng, đôi khi không phải là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai yêu mến ẩm thực Hàn Quốc, thay vào đó là những món ăn vặt gần gũi và dễ chế biến, dễ thưởng thức.
Vào những ngày tiết trời Hà Nội đổi gió, đặc biệt là những tháng mùa đông giá rét, bầu không khí có nét tương đồng với thời tiết ở đất nước Hàn Quốc. Những món ăn mang hương vị của xứ sở kim chi lại càng làm cho người dân Thủ đô mê mẩn.
Kim chi
“Thứ nhất kim chi, thứ nhì kimbap” là câu nói quen thuộc của những ai yêu mến các món ăn của đất nước xinh đẹp này. Kim chi là món dưa cải muối nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất trong văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc.
Trong ngôn ngữ cổ, “kim chi” thường được phát âm là chim-chae, nghĩa là "rau củ ngâm". Món ăn này được làm bằng cách lên men từ các loại rau củ (chủ yếu là cải thảo) và ớt, ăn có vị chua cay. Hàn Quốc có khoảng 187 loại kim chi khác nhau được làm từ rau, củ, quả, hải sản... mà gia vị ít khi thiếu vắng trong món ăn này chính là ớt.
Nguyên liệu chính của kim chi là cải thảo, thịt lợn, hoặc thịt gà, đậu phụ và các gia vị khác... (Ảnh internet)
Từ kim chi muối thường, người Hàn Quốc chế biến được rất nhiều món ăn từ kim chi, trong đó, canh kim chi là món canh được ưa chuộng và rất phù hợp với thời tiết mùa đông. Với nguyên liệu chính là kim chi, thịt lợn hoặc thịt gà, cải thảo, đậu phụ và các gia vị khác.
Vị cay của kim chi cùng vị ngọt của các nguyên liệu khác tạo nên món canh hấp dẫn, bắt mắt cho những ngày lạnh giá (Ảnh internet).
Không khó giải thích vì sao một món ăn mang đậm hương vị của đất nước đại Hàn lại được đặc biệt yêu mến ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Canh kim chi có vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay, đặc biệt là khi được nấu kèm những nguyên liệu khác, kim chi không hề bị mất đi hương vị mà còn làm đậm đà thêm cho món ăn.
Sự hấp dẫn từ màu sắc cho đến mùi vị của món ăn cùng với việc dễ dàng thưởng thức và cảm nhận khiến cho canh kim chi được người Việt rất yêu thích.
Cơm cuộn (Kimbap hay Gimbap)
Xếp thứ hai trong danh sách những món ăn nổi tiếng của Hàn Quốc, chắc chắn không còn cái tên nào khác ngoài Kimbap. Kimbap – “kim” là tên ghép của lá rong biển khô; “bap” là “cơm”. Tên gọi của món ăn rất đơn giản, cơm gói trong lá rong biển.
Kimbap “có vẻ” giống với Maki – cũng là món cơm cuốn trong lá rong biển của Nhật. Nhưng kimbap thường to hơn (béo hơn) vì bên trong, “nhân” gồm nhiều loại thực phẩm đang dạng hơn gồm cơm trắng, cà rốt, trứng, dưa chuột…, tùy sở thích từng người.
Kimbap chế biến nhân mang nhiều hương vị theo sở thích của từng người (Ảnh internet)
Kimbap có thể được cuốn dài như chúng ta vẫn thường thấy. Ngoài ra, còn có kimbap hình tam giác rất lớn hoặc những loại gimbap nhỏ hơn.
Kimbap được yêu thích không chỉ bởi hình dáng đẹp mắt, màu sắc sống động, hương vị lôi cuốn mà còn bới sự tiện dụng của nó, trong các chuyến dã ngoại, du lịch hay các dịp liên hoan… kimbap là lựa chọn số một.
Cơm trắng dẻo, cùng với lá rong biển hơi dai tạo nên sự đặc trưng riêng của ẩm thực Hàn (Ảnh internet)
Các bạn trẻ dành tình yêu lớn cho kimbap không chỉ vì đây là một món ăn có hình thức đẹp mắt, ngon miệng mà còn vì cảm giác khi thưởng thức kimbap rất đặc biệt. Cơm trắng dẻo, với lá rong biển hơi dai, cùng với hương vị tổng hợp của những thành phần bên trong vừa đủ để tạo nên cảm giác như đang khám phá cả một thế giới hóa ẩm thực của đất nước Hàn Quốc vậy.
Bánh gạo (Tteokbokki)
Tteokbokki hay còn gọi là bánh gạo xào cay là một phần của ẩm thực cung đình Hàn Quốc trong triều đại Joseon. Loại bánh này được xem như biểu tượng văn hóa điển hình của đất nước và con người Hàn Quốc.
Tteokbokki ngày nay được chế biến từ bánh gạo garaetteok, tương ớt gochujang, thịt, trứng, gia vị và rau, sau đó teokbokki được xào cùng với nhiều thành phần khác như thịt bò, giá đỗ, hành, nấm, cà rốt, hành tây….
Khi thưởng thức Tteokbokki, nếu chưa quen hoặc không ăn được cay hẳn phải lè lưỡi. Tuy nhiên, những người thích ăn cay không khỏi xuýt xoa và thưởng thức Tteokbokki rất ngon lành.
Những miếng bánh nếp thân tròn, cắt khúc vừa miệng, trông nhỏ xinh được bao bọc bên trong lớp nước sốt đỏ rực, đặc quánh có vị đậm đà (Ảnh internet).
Ngày nay, để phù hợp với khẩu vị từng người, vị cay của món ăn có thể được thay đổi cho phù hợp. Đặc điểm của ớt bột Hàn Quốc đó là có màu đỏ cam đẹp mắt và không quá cay như ớt ở vùng nhiệt đới nếu chỉ dùng với lượng đủ để tạo màu. Vì vậy, nếu bạn không ăn được cay, cũng sẽ không gặp trở ngại khi thưởng thức món ăn này.
Tteokbokki lại trở thành một người bạn thân thiết của mọi người, đặc biệt là những tín đồ ăn vặt (Ảnh internet).
Hà Nội chớm đông, càng về chiều, trời càng lạnh, Tteokbokki lại trở thành một người bạn thân thiết của mọi người, đặc biệt là những tín đồ ăn vặt. Khi nóng, bánh mềm, có vị ngọt của bột bánh, vị cay cay của ớt và hương thơm từ gia vị đi kèm khi xào, cộng thêm màu đỏ bắt mắt và kích thích vị giác, Tteokbokki sẽ là một món quà tuyệt vời cho những buổi chiều Hà Nội hối hả chuyển gió mùa.
Cơm trộn (Bibimbap)
Lọt vào top 50 món ăn ngon nhất thế giới do độc giả website CNN Go bình chọn năm 2011, không thể không nhắc đến Bibimbap khi nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc. Bibimbap có nguồn gốc tại Jeonju thuộc tỉnh Jeolla nằm ở phía Tây Nam của Hàn Quốc.
Bibimbap là sự kết hợp của cơm trắng, các loại rau và thịt. Các loại rau thường là dưa chuột, giá, rau xanh... được ướp gia vị và được trộn với nước sốt từ ớt.
Màu đỏ của ớt chính là màu sắc chủ đạo của bát cơm trộn ngon tuyệt này! (Ảnh internet)
Thông thường một tô cơm trộn phải có từ 6 đến 7 món, được trang trí cầu kì, khéo léo tùy vào sự sáng tạo và cách bài trí của người thưởng thức.
Sự lôi cuốn của món ăn còn đến từ việc kết hợp, pha trộn màu sắc, nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Hàn Quốc. Hiện nay, người chế biến cơm trộn sử dụng nhiều loại thực phẩm hơn, để đa dạng hóa thành phần trong món ăn.
Một tô cơm trộn phải có từ 6 đến 7 món, được trang trí cầu kì, khéo léo, đa dạng cho người ăn (Ảnh internet).
Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, cơm trắng vẫn luôn là một phần không bao giờ bị bỏ qua trong bữa ăn hằng ngày, cùng với việc dùng cơm với những món ăn được đun nấu khác, vì vậy, cơm trộn không chỉ được yêu thích bởi rất nhiều người yêu Hàn Quốc mà còn được một số lượng lớn người lớn tuổi ưa chuộng vì hương vị và nguyên liệu món ăn không khác nhiều so với truyền thống, chỉ là cách thưởng thức và trang trí khác , tạo nên cảm nhận thú vị. Món ăn này rất hợp với những người không có nhiều thời gian cho bữa trưa công sở, chỉ cần một suất là bạn có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết.
Mì đen (Jajangmyun)
Mì Jajangmyun (mì tương đen) Hàn Quốc là món mì ăn liền được phủ lên một lớp nước sốt, nước sốt này được làm từ chunjang (một loại đậu tương đen), ngoài ra Jajangmyun còn bao gồm thịt, rau thái nhỏ và hải sản.
Mì Jajangmyun (mì tương đen) Hàn Quốc là món mì ăn liền phổ biến ở Hàn Quốc (Ảnh internet)
Mì tương đen là món ăn được yêu thích không chỉ bới hương vị hấp dẫn mà còn kèm theo đó là màu sắc và mùi thơm của nó. Điểm nhấn của món ăn chính là màu nâu đen của nước tương đậu đen Hàn Quốc. Khi trộn mỳ, với khẩu vị của từng người, có thể thêm gia vị tùy ý.
Mì tương đen được nhiều thực khách ưu ái bởi vị thơm của nước sốt, dai dai của sợi mì, và vị ngọt của gia vị đi kèm! (Ảnh internet)
Xuất hiện ở Hà Nội chưa lâu, nhưng mì tương đen lại là món ăn được nhiều người lựa chọn và yêu thích. Một chủ cửa hàng đồ ăn Hàn Quốc nói rằng: “Màu sắc tạo nên ấn tượng ban đầu của món ăn, nhưng hương vị mới là điều quyết định đến việc người ta có quay lại với Jajangmyun lần thứ hai hay không”.
Quả đúng như vậy, khi mà Hà Nội có vô vàn món ăn vặt, thì mì tương đen (Jajangmyun) vẫn được ưu ái. Vị thơm của nước sốt, giòn giòn, dai dai của sợi mì, và vị ngọt của gia vị đi kèm tạo nên món ăn vừa ngon vừa tiện lợi.
Mì lạnh
Mì lạnh không chỉ đơn giản là món mì được làm lạnh mà còn là tên gọi chung của các món mì được ăn vào mùa hè ở Hàn Quốc. Các dạng mì lạnh có thể mì hoặc miến, xào hoặc ăn kèm nước dùng nhưng có cùng chung đặc biệt là ăn kèm các thức phẩm giải nhiệt thanh mát như giá đỗ, dưa chuột, trứng luộc, rau xanh... Món mì quen thuộc và có nét tương đồng với miến trộn của Việt Nam đó là Japchae.
Mì lạnh Japchae còn đặc sắc bởi hình dạng và hương vị độc đáo của sợi mì (Ảnh internet)
Mì lạnh Japchae còn đặc sắc bởi hình dạng và hương vị độc đáo của sợi mì. Đây là loại mì lạnh được làm từ bột kiều mạch, tinh bột khoai tây hoặc tinh bột khoai lang. Nét đặc trưng sợi nhỏ, dai, dài, không dính bết vào nhau.
Món miến trộn này có thêm những thành phần như dầu mè, hạt vứng, đậu xanh..., có màu sắc bắt mắt và hương vị cũng đa dạng tùy tay người chế biến. Japchae có thể được thưởng thức vào những ngày thời tiết không quá lạnh, đôi khi, việc bạn ngồi trong phòng ấm, cầm trên tay một bát japchae cũng thú vị không kém.
Món ăn nhiều thành phần nguyên liệu, gia vị có nét tương đồng với món ăn truyền thống của Việt Nam (Ảnh internet)
Vỗn dĩ những món ăn nhiều thành phần nguyên liệu, gia vị và hương vị luôn được người Hà Thành yêu mến, không phải ngẫu nhiên mà miến trộn, phở trộn, bánh đa trộn… truyền thống lại xuất hiện rất sớm và giữ “phong độ” trong thực đơn “streetfoods” của Hà Nội. Chính nét tương đồng của Japchae với những món ăn truyền thống của Việt Nam khiến cho nó được chấp nhận và yêu thích một cách nhanh chóng.
Chả cá xiên
Món ăn xuất hiện trong hầu hết các bộ phim Hàn Quốc, những chiếc xe bán đồ ăn vặt vào mùa đông trên đường phố với những xiên chả nóng hổi và thơm nức lòng, chả cá xiên khiến cho cái lạnh của mùa đông như tan biến.
Xiên chả nóng hổi và thơm nức lòng người thưởng thức (Ảnh internet)
Đây là một hình thức biến tấu khác của món chả cá, thay vì ăn kèm tương ớt, chả cá sẽ được thưởng thức cùng với nước súp ngọt ngào hoặc các hương vị được chế biến khác đi một chút.
Những tín đồ của những bộ phim Hàn Quốc sẽ là “fan” của món chả cá xiên nhiều hơn hết (Ảnh: Internet)
Những ngày đông lạnh giá, hay mưa phùn, gió rét, sau giờ làm việc, học tập hoặc lót dạ buổi tối muộn…được thưởng thức những xiên cá cùng nước sốt nóng hổi thì còn gì bằng.
Những tín đồ của những bộ phim Hàn Quốc sẽ là “fan” của món chả cá xiên nhiều hơn hết. Tuy nhiên, với vị ngọt ngào của nước dùng và mùi thơm của chả cá dần dần đã khiến cho những người chưa bao giờ xem phim Hàn cũng phải mê mẩn món ăn này.
Khoai tây xoắn
Người Hàn Quốc rất sáng tạo, đặc biệt là trong ẩm thực. Từ truyền thống lâu đời, cho đến hiện đại, những người nấu ăn ở đất nước này luôn tạo ra những sản phẩm không chỉ ngon mà còn lạ. Khoai tây xoắn là một ví dụ điển hình nhất.
Khoai tây xoắn giòn, mang nhiều hương vị khách nhau tạo thành món ăn vặt hấp dẫn (Ảnh internet)
Hương vị của món khoai tây xoắn không khác nhiều so với món khoai tây chiên ở Việt Nam, tuy nhiên, với hình dạng lạ mắt kèm nước sốt hấp dẫn, đây là món ăn hấp dẫn, đặc biệt là những chiều đông chớm lạnh.
Khoai tây xoắn có thể được tẩm ướp đa dạng theo khẩu vị của từng người (Ảnh internet).
Tương cà và tương ớt vẫn là lựa chọn số một khi thưởng thức món ăn độc đáo này.
Dồi lợn (Sundae)
Sudae là món dồi lợn nhồi lúa mạch, tiết lợn, dangmieon hoặc có thể thêm lá tía tô hoặc hành lá. Ruột non và ruột già của heo được muối và nhồi hỗn hợp gồm huyết heo, gạo, hành, tỏi, thịt heo băm nhỏ và miến. Hỗn hợp này sẽ được hấp lên để giữ nguyên vị ngọt của món ăn. Sundae dùng chung với đồ lòng của heo. Thực khách sẽ dùng tăm hoặc que để thưởng thức.
Thực khách có thể dùng tăm hoặc que để thưởng thức món dồi lợn thơm ngon (Ảnh internet).
Có nét tương đồng với dồi lợn ở Việt Nam, vì vậy mà đây sẽ là lựa chọn số một cho những ai muốn được thay đổi khẩu vị từ món ăn Việt sang Hàn một cách nhẹ nhàng và thú vị.
Sundae chính là món ăn cổ nhất Hàn Quốc còn lưu lại đến ngày nay (Ảnh internet).
Món ăn luôn được giữ cho nóng và ăn kèm với nước sốt vị cay.
Bánh nướng (Hotteok)
Một món ăn nhẹ độc nhất vô nhị của Hàn Quốc được làm từ bột mì nhào kĩ và ở trong được độn với đường nâu, quế, vừng và lạc được nghiền nhỏ, chính là hotteok.
Món bán nướng được yêu thích vào mùa đông lạnh giá, được làm từ bột mì bên ngoài và nhân caramel sánh, sau khi chiên giòn trong mỡ nóng, bạn có thể thưởng thức món bánh Hotteok nóng hổi.
Bạn nên ăn bánh khi còn nóng, như vậy bánh sẽ giòn và nhân sẽ mềm (Ảnh internet).
Hương vị của bánh cũng có thể thay đổi được bằng cách thay đổi hương vị của bột mì. Đây sẽ là lựa chọn cực chuẩn cho những ngày đông hanh khô và gió bắc lạnh giá.
Bánh nướng trở thành món ăn khoái khẩu cho người ăn vặt vào mùa đông (Ảnh internet).
Để thưởng thức những món ăn mang hương vị của đất nước Đại Hàn Dân Quốc, không cần phải đặt vé máy bay du lịch qua Hàn, bạn hoàn toàn có thể có cơ hội có được tất cả những món ăn trên bằng cách ghé qua những quán bán đồ ăn Hàn, đặc biệt quen thuộc với các thực khách Hà Thành sành ăn.